Bãi đá cổ hàng triệu năm

22/01/2022 07:56 GMT+7

Bãi đá cổ tuyệt đẹp nằm giữa đồi cát trắng, cách làng Chăm Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận chừng 2 km, vừa được phát hiện.

Bãi đá cổ còn hoang sơ, trải đều trên diện tích khoảng 57.000 m2, với hàng nghìn tảng đá có hình thù độc đáo, kỳ lạ.

Nằm cách trung tâm thành phố Phan Rang - Tháp Chàm khoảng 9 km, làng nghề Mỹ Nghiệp được xem là một trong những làng nghề cổ nhất Đông Nam Á. Nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Inra Sara, người con của làng Chăm Mỹ Nghiệp, cho biết ngôi làng trước đây có tên là Chakeng. Ở thời vua Bảo Đại, khi ông vi hành có ghé thăm làng Chakeng, chứng kiến các nghệ nhân của làng đang miệt mài dệt vải thổ cẩm với đôi tay khéo léo, tỉ mỉ cho ra sản phẩm rất đẹp mắt nên nhà vua đặt cho làng cái tên Mỹ Nghiệp (Làng nghề rất đẹp).

Bãi đá cổ có hình thù độc đáo, kỳ lạ

Thiện Nhân

“Đây là đất văn vật của vương quốc Champa cổ mà tên của ngôi làng vẫn còn được tìm thấy trên bia ký. Tương truyền rằng ông bà nuôi của Pô Klong Girai, vị vua trị vì vương quốc vào thế kỷ thứ 12 đã sinh ra ở vùng đất này. Khu vực quanh làng Mỹ Nghiệp tập trung nhiều di tích lịch sử có giá trị, như: phía nam có di tích Pô Nai trên núi Chà Bang, phía tây có tháp Pô Rômê, gần hơn là Kut Raglai ở đầu làng được dựng từ thế kỷ thứ 16”, nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Inra Sara nói và lý giải về những vết tích còn lại của bãi đá cổ.

Theo ông Inra Sara, vùng đất làng Mỹ Nghiệp trước đây là vùng biển nhưng do biến đổi khí hậu, nước biển rút cạn, bãi san hô bị vùi lấp qua hàng ngàn năm và hóa thạch như ngày nay. “Trong quá trình đào kênh mương tưới tiêu từ sông Lu về làng Mỹ Nghiệp, người ta phát hiện dưới lòng đất nhiều sợi dây thừng, dấu vết thể hiện việc đánh bắt cá của cư dân vùng biển. Hay gần đây, khi các nhà khoa học của Nhật sang nghiên cứu địa chất để xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận thì họ cho rằng ở đây (khu vực bãi đá cổ - PV) có dấu vết của núi lửa”, ông Inra Sara dẫn chứng.

Theo tài liệu bản đồ địa chất khoáng sản 1/50.000 của tỉnh Ninh Thuận được công bố, toàn bộ khu vực bãi đá dọc theo phía tây dãy núi Trà Cang về mặt địa chất hoàn toàn là đá cát kết vôi có tuổi thọ khoảng 18,5 triệu năm.

Để bảo tồn và khai thác hiệu quả bãi đá cổ này, tỉnh Ninh Thuận giao Sở Tài nguyên - Môi trường và Sở Khoa học - Công nghệ tham mưu mời chuyên gia, các nhà nghiên cứu của Viện Địa chất - Khoáng sản Việt Nam và các đơn vị liên quan đến khảo sát, đánh giá hiện trạng làm cơ sở tham vấn cho tỉnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.