Bạch Long: Ăn cơm tổ, khổ vẫn cười

Hoàng Kim
Hoàng Kim
10/01/2023 07:23 GMT+7

Live show kỷ niệm 55 năm đi hát với tựa đề Ăn cơm tổ, khổ vẫn cười của Bạch Long khiến nhiều người liên tưởng đến cuộc đời vất vả khó khăn của Bạch Long.

Nhưng anh đã giải thích: “Khổ đây là khổ luyện để thành nghề. Để ca - diễn - vũ đạo được tốt, nghệ sĩ chúng tôi phải trầy xước, trật chân, đau tay, ê ẩm không biết bao nhiêu lần. Nhưng nhất quyết không bỏ cuộc”.

Nghệ sĩ Bạch Long và MC Đình Toàn rất duyên dáng, làm sinh động đêm diễn

H.K

Bạch Long thuộc dòng dõi Minh Tơ, một đại gia đình có truyền thống hát bội cải lương. Lúc lên 10 tuổi, Bạch Long đã được cậu mình là nghệ sĩ Minh Tơ đưa lên sân khấu biểu diễn. Minh Tơ chính là người đã thành lập nhóm Đồng ấu Minh Tơ, đào tạo biết bao đứa trẻ. Có lẽ vì vậy mà sau này Bạch Long nối nghiệp cậu, thành lập nhóm Đồng ấu Bạch Long, tiếp tục sự nghiệp đào tạo. Những học trò của anh đều đã thành danh, như Tú Sương, Trinh Trinh, Quế Trân, Vũ Luân, Linh Tý, Chinh Nhân, Tâm Tâm, Lê Thanh Thảo, Xuân Trúc, Bình Tinh, Chấn Cường, Thúy My, Kim Nhuận Phát, Lê Như…

Vừa qua, tại Nhà hát Thanh Niên TP.HCM, khán giả đã có một đêm mãn nhãn với những trích đoạn Tiết Giao đoạt ngọc, Triệu Tử Long đoạt ấu chúa, Long Lân Quy Phụng, Quân vương và thiếp, Mộc Quế Anh dâng cây, trong đó Bạch Long cùng lực lượng học trò hùng hậu của mình đã thi thố tài năng khiến khán giả sung sướng thưởng thức. Ngoài kỹ thuật biểu diễn quá giỏi, người ta còn thấy hừng hực lửa nghề, ấm áp những trái tim yêu sân khấu. Đặc biệt trích đoạn Nam quốc sơn hà đã khép lại đêm diễn với một hào khí dân tộc đẹp và xúc động đến rưng rưng.

Những kỷ niệm về người thầy đã được kể lại với sự dễ thương, cảm động. “Em nghe danh thầy nên ráng tìm tới nơi để học, chừng gặp thầy, thấy thầy còn…trẻ hơn em. Tại thầy hồn nhiên, nhí nhảnh quá” (Thúy My). “Tập tuồng mà lơ mơ là bị thầy la, ký đầu, thậm chí đánh đòn, nhưng tới giờ giải lao thì thầy trò ra sân chơi kéo co, chơi đủ trò, thầy giỡn còn hơn cả tụi em” (Thanh Thảo). “Thầy phát hiện tôi trong một đám cưới ở quê, lúc đó tôi còn nhỏ, ca mấy câu vọng cổ, thầy nghe liền kêu vô nhóm Đồng ấu. Thầy dạy chúng tôi học nghề và dạy cả đạo đức, nhưng chưa từng đòi một đồng học phí” (Vũ Luân). “Tôi vô đoàn Minh Tơ khi đã lớn rồi, nhưng chính anh Bạch Long mới là người dạy tôi ca, diễn, vũ đạo, vì vậy dù không tham gia nhóm Đồng ấu nhưng tôi vẫn là học trò của anh” (Xuân Trúc). “Thầy dạy chúng tôi phải đóng được tất cả các loại vai, văn, võ, tướng, lão...thậm chí giả trai, giả gái đều phải cho ra nhân vật nghiêm túc. Vì vậy, chúng tôi tự tin bước lên sân khấu” (Trinh Trinh). Khán giả còn được xem những thước phim xưa ghi lại hình ảnh thầy trò trong đình Cầu Quan, cùng diễn tuồng thiếu nhi, hoặc chơi đùa với những con rối…đã tái hiện cả một quãng đời của những thế hệ nối tiếp nhau gìn giữ cải lương.

Xem mà cảm phục người thầy đã lặng lẽ đưa bao nhiêu chuyến đò cho lớp trẻ thành danh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.