'Bác sĩ sách' Bùi Tiến Phúc, Vũ Hà Tuệ 'vẽ đường' cho dân mê sách cổ

Đông Phong
Đông Phong
07/11/2020 07:00 GMT+7

Anh Bùi Tiến Phúc, 'bác sĩ sách' tu nghiệp tại Hán Nôm Đường và nhà sưu tập sách cổ Vũ Hà Tuệ khuyên mọi người nên trân quý sách bằng cách đọc đúng, bảo quản cẩn thận.

Tối ngày 6.11, tại chương trình talkshow "Hồi sinh sách cũ - Bảo quản sách mới" (diễn ra ở TP. HCM) do Nhã Nam tổ chức, diễn giả Vũ Hà Tuệ, một nhà sưu tập sách cũ và diễn giả Bùi Tiến Phúc, người đang phục chế và bảo tồn sách cũ đã có những chia sẻ thân mật về cách bảo quản sách cũ cũng như giúp dân chơi sách (lẫn những ai không chơi sách) có một cái nhìn cụ thể hơn về công việc tưởng chừng dễ nhưng lại vô cùng khó này.

Băng keo trong - "kẻ thù" của sách

Anh Bùi Tiến Phúc, người có nhiều năm "lăn lộn" với công việc phục chế những sách không còn nguyên vẹn bộc bạch tại talkshow rằng khí hậu ở Sài Gòn là một thử thách vô cùng lớn đối với những ai muốn bảo quản sách. Anh cho biết, những quyển sách mọi người mua về đọc xong rồi "trưng" lên kệ, theo thời gian rất dễ bị hư hại. Đồng tình với anh Bùi Tiến Phúc, nhà sưu tập Vũ Hà Tuệ tâm sự nếu chúng ta không để mắt đến những quyển sách, lâu ngày sẽ tạo điều kiện cho mối, mọt và nhiều loài khác làm hư hại sách. 

Chị Bội Tuyền, bà xã của anh Tiến Phúc đang giúp chồng "biểu diễn" kỹ thuật tu bổ sách. Làm đến đâu, anh Phúc nói "liên tu bất tận" đến đó để khán giả hiểu rõ công việc phục chế sách

Ảnh: BTC

Anh Bùi Tiến Phúc nhấn mạnh: "Một tác nhân (gây hại sách) kinh khủng nhất đó là thấy sách rách thì lấy băng keo dán lên. Một việc tu bổ sách thay vì chữa bệnh cho nó ai ngờ hại nó chết luôn". "Bác sĩ sách" lý giải: "Các bạn biết tuổi thọ của băng keo trong ít lắm, bởi vì nó là một hợp chất hóa học và biến chất theo thời gian. Rồi nó thấm vào trong giấy. Giấy có lỗ hổng, vì giấy là các sợi đan xen với nhau mà. Hợp chất trong băng keo thấm vào rồi làm hư luôn cả tư liệu". 

Chân dung những người mê "trang sách cũ, phiến bia xưa"

Chàng trai miền Trung Bùi Tiến Phúc là cựu sinh viên ngành Hán Nôm, khoa Văn học trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP. HCM. Sau khi tốt nghiệp năm 2012, anh làm việc tại thư viện Huệ Quang (TP. HCM), công việc là sưu tầm các tài liệu cổ. Trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến tháng 12.2019, chàng trai trẻ theo học ngành tu bổ, phục chế sách cổ và bảo tồn di sản văn hóa tại Đài Loan. Năm 2017, anh gặp chị Bội Tuyền, vợ tương lai của mình sau này. Đến đầu năm 2020, hai anh chị kết hôn, về Việt Nam lập nên Hán Nôm Đường, một xưởng nơi anh và bà xã cùng nhiều "đệ tử" phục chế, tu bổ các tư liệu Hán Nôm cổ. 

Nhà sưu tầm sách Vũ Hà Tuệ cho biết ít khi "nếm mùi cay đắng" của sách hư do mối mọt

Ảnh: BTC

Là dân "ngoại đạo", anh Vũ Hà Tuệ (tốt nghiệp Kiến trúc năm 2004) cũng đã tìm thấy tình yêu với sách cũ và gắn bó đến hiện tại. Sinh ra trong một gia đình có cha là giáo viên văn và ngay từ nhỏ đã được đọc nhiều sách, Vũ Hà Tuệ được hun đúc tình cảm với những trang sách cũ. 
Còn anh Vũ Hà Tuệ thì suy tư, theo thói quen đọc sách, chúng ta hay gấp các góc sách lại để đánh dấu hay lật trang sách với một lực rất mạnh, trượt từ góc sách lên và như thế có nguy cơ làm hỏng trang sách. Bùi Tiến Phúc chia sẻ, việc chúng ta lấy tay chấm nước bọt để lật sách cũng có nguy cơ làm hỏng giấy. Chàng nghệ nhân trẻ lưu ý, trong những năm theo học tại Đài Loan về ngành tu bổ sách, anh được dạy rất kỹ về giấy (chất liệu, tuổi thọ, cấu tạo...) nên "bác sĩ" khuyên rằng, khi đọc, hãy thật thận trọng với sách. Khi ăn, ta đừng đọc sách bởi vô tình chúng ta có thể làm bắn các chất dầu, mỡ lên trang giấy. 

Chơi sách cũng lắm công phu 

Tại talkshow, hai diễn giả của chương trình đều tâm sự rất chi tiết về cách bảo quản sách. Anh Bùi Tiến Phúc muốn mọi người phải trân quý sách và cách bảo quản tốt nhất, theo anh đó là phải kiểm tra sách thường xuyên. Diễn giả băn khoăn, rất nhiều người trong chúng ta khi mua sách về có thói quen "bảo" (lưu lại) nhưng không "quản" (quản lý, kiểm tra) thường xuyên. Điều này vô tình "tiếp tay" cho các tác nhân làm ảnh hưởng đến sách. 

Nghệ nhân trẻ Bùi Tiến Phúc trình bày kỹ thuật vá sách, bồi sách tại talkshow

Ảnh: Thế Sang

Là một người chuyên "phẫu thuật" sách và nghiên cứu về sách trên nhiều khía cạnh, chàng trai Bùi Tiến Phúc "bật mí" nhiều bí kíp cho những ai muốn bảo quản sách lâu bền: phải chú ý nhiệt độ bảo quản thường xuyên, luôn luôn "thăm khám" các cuốn sách, luôn phủi bụi (bằng một cây chổi lông nhỏ, loại lông anh khuyên dùng là lông cừu), không nên sử dụng giá gỗ để đựng sách mà thay vào đó là giá sắt sơn tĩnh điện vì gỗ dễ thu hút côn trùng... Về phía anh Vũ Hà Tuệ, anh nhấn mạnh nên hạn chế sử dụng hóa chất để bảo quản sách. 
Cuối buổi talkshow, nhà nghiên cứu trẻ Bùi Tiến Phúc "chiếm sóng" khi trình bày hai kỹ thuật vá sách và bồi bìa sách, những việc tu bổ mà anh cùng với các "đệ tử" của mình thực hiện tại Hán Nôm Đường hằng ngày. 

Gửi gắm về tương lai của ngành tu bổ sách ở Việt Nam

Bộ đồ nghề của "bác sĩ" Bùi Tiến Phúc

Ảnh: BÙI TIẾN PHÚC

Theo chia sẻ của anh Tiến Phúc, cách gọi "bác sĩ sách" của anh hoàn toàn có nguyên do. Ở Đài Loan, anh và thầy từng đi "khám bệnh" cho sách để xem quyển nào cần "chữa bệnh".
Đến tham dự buổi talkshow, anh cùng vợ, học trò tay xách nách mang nguyên bộ đồ nghề để khán giả có dịp "mục sở thị" công việc phục chế sách hư hại vất vả và lắm công phu như thế nào. Thậm chí, anh còn tinh lọc, in ra một xấp tài liệu nhỏ chứa nhiều thông tin vô cùng chi tiết, hữu ích về các tác nhân gây hại cho sách cũng như làm thế nào để trị mối mọt, côn trùng. Đồng thời, "bác sĩ sách" còn liệt kê 5 loại thuốc Bắc và cách dùng chúng để việc chơi sách của các "mọt sách" trở nên lâu bền hơn. 
Bùi Tiến Phúc cũng có nhiều trăn trở về tương lai của công việc anh làm ở Việt Nam. Theo anh, đây là một công việc rất ý nghĩa vì nó góp phần bảo tồn di sản, tri thức nhân loại. Anh cho biết, hiện việc phục chế sách đã phát triển nhiều do có sự can thiệp của trang thiết bị hiện đại nhưng để học được tất cả những điều để trở thành một người chuyên "phẫu thuật - hồi sinh" sách như anh, rất cần những người trẻ chịu học hỏi, dấn thân với nghề đến cùng. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.