Bác sĩ ơi: Phát hiện ung thư đại trực tràng sớm như thế nào?

26/05/2019 07:32 GMT+7

Tôi 45 tuổi, thời gian gần đây thường bị đau bụng, rối loạn tiêu hóa, đi tiêu khó. Tôi nghe nói ung thư đại trực tràng cũng có những biểu hiện giống vậy nên rất lo lắng. Xin hỏi làm thế nào để tầm soát phát hiện bệnh sớm? ( N.M.Quốc, 45 tuổi, ngụ Đồng Nai)

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Phú Hữu, Khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM), cho biết:
Ung thư đại trực tràng (UTĐTT) ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng mơ hồ. Biểu hiện dễ nhầm lẫn với các bệnh lý thường gặp của đường tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa, đau bụng, khó tiêu, viêm đại tràng, trĩ…
Vì vậy, để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, cần chủ động tầm soát, đặc biệt với người có nguy cơ cao. Hiện nay, các phương pháp tầm soát UTĐTT gồm:
- Nội soi đại trực tràng: Là phương pháp tầm soát chính xác nhất. Qua nội soi, bác sĩ sẽ phát hiện các bệnh lý như trĩ, polyp, viêm loét đại trực tràng... Từ đó sẽ có xử trí phù hợp như cắt bỏ khối polyp trong lúc nội soi, đồng thời sinh thiết polyp để chẩn đoán xác định ung thư.
- Xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân: Có độ nhạy phát hiện ung thư khoảng 70 - 80%. Tuy nhiên, đây là xét nghiệm không đặc hiệu, nghĩa là có dương tính cũng chưa chắc là UTĐTT. Một khi phát hiện có máu trong phân, người bệnh sẽ được chỉ định để được nội soi đại trực tràng.
- Nội soi đại tràng ảo: Sử dụng CT Scan đa lát cắt để thực hiện trên người bệnh đã được xổ ruột. Máy điện toán sẽ dựng lại hình ảnh lòng đại tràng. Phương pháp này có thể phát hiện phần lớn các polyp và khối u trong lòng đại tràng và trực tràng. Sau khi nội soi đại tràng ảo phát hiện polyp thì phải nội soi đại tràng thật để cắt polyp, sinh thiết khối u để có chẩn đoán xác định.
Tùy theo mức độ nguy cơ mà mỗi nhóm đối tượng được khuyến cáo thời gian và phương pháp tầm soát phù hợp.
Nhóm nguy cơ trung bình là những người trên 40 tuổi, hoặc người có tiền sử gia đình bị ung thư, không thuộc huyết thống bậc một (cha, mẹ, anh, chị, em). Nhóm này nên tầm soát mỗi năm bằng phương pháp xét nghiệm máu ẩn trong phân; nội soi đại tràng ảo 5 năm/lần và nội soi đại trực tràng 10 năm/lần.
Nhóm nguy cơ cao và rất cao là: Những người có tiền sử bị UTĐTT, polyp đại trực tràng, viêm loét đại trực tràng vô căn, bệnh crohn, cần nội soi đại trực tràng 1 - 2 năm/lần. Những người có tiền sử bị chiếu xạ vùng bụng hoặc vùng chậu để điều trị ung thư, cần nội soi đại trực tràng 3 - 5 năm/lần. Những người có một người thân huyết thống bậc một (cha, mẹ, anh, chị, em ruột) bị ung thư đường tiêu hóa trước 45 tuổi, hoặc có người thân bị bệnh đa polyp đại tràng, cần nội soi đại trực tràng 3 năm/lần.
UTĐTT nếu được phát hiện sớm thì tỷ lệ chữa khỏi lên đến 90%, phát hiện ở giai đoạn càng sớm cơ hội chữa khỏi bệnh càng cao.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.