Bác sĩ Mỹ quái đản đối mặt bản án 175 năm tù

08/07/2015 18:00 GMT+7

(TNO) Ít nhất 533 bệnh nhân đã bị bác sĩ Farid Fata cố tình chẩn đoán bịp bợm để thu lợi bất chính 35 triệu USD, trong đó nhiều người bị chẩn đoán ung thư dù khỏe mạnh, trong khi người ung thư giai đoạn cuối không thể qua khỏi thì vẫn phải điều trị.

(TNO) Ít nhất 533 bệnh nhân đã bị bác sĩ Farid Fata cố tình chẩn đoán bịp bợm để thu lợi bất chính 35 triệu USD, trong đó nhiều người bị chẩn đoán ung thư dù khỏe mạnh, trong khi người ung thư giai đoạn cuối không thể qua khỏi thì vẫn phải điều trị.

Bác sĩ Farid Fata đang phải đối mặt với mức án 175 năm tù - Ảnh chụp màn hinh ti vi ABC
175 năm tù ?
Bằng cách cố tình chẩn đoán sai trong suốt 2 năm trời, bác sĩ Fata đã chỉ định khoảng 9.000 lần tiêm hoặc truyền dược phẩm không cần thiết, gây thiệt hại hàng triệu USD cho bệnh nhân và các công ty bảo hiểm, theo các công tố viên. Đến nay đã xác định 4 công ty bảo hiểm bị thiệt hại từ hành động của ông Fata.
36 bệnh nhân đã cùng đi trên một chuyến xe buýt để đến dự phiên xử bác sĩ Fata hôm 7.7 tại Detroit (Mỹ), nơi ông này bị công tố viên đề nghị mức án đến 175 năm tù. Luật sư bào chữa thì cho rằng 25 năm tù là thích hợp.
Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, các bệnh nhân cũ mới gặp lại kẻ mà lẽ ra phải chăm sóc sức khỏe cho họ. Giận dữ là tâm trạng bao trùm lên các nạn nhân.
NBC News dẫn lời nạn nhân Christopher Sneary cho biết ông thực sự cũng bị ung thư tinh hoàn nhưng là một dạng rất nhẹ mà sau này nhiều bác sĩ khác đều bảo rằng dễ dàng loại bỏ. Nhưng bác sĩ Fata đã chỉ định cho ông phải hóa trị liệu suốt 40 ngày, 14 ngày điều trị hydrat hóa, 3 lần truyền sắt, 3 lần truyền máu, 24 lần tiêm steroid và 37 lần xạ trị. Ông cũng phải phẫu thuật cắt bỏ không cần thiết một bên tinh hoàn, ảnh hưởng đến hoạt động tình dục của ông. Sau bao nhiêu đó đợt điều trị, ông gần như bị suy thận, gan và bàng quang bị tổn hại đáng kể, sức khỏe suy giảm nghiêm trọng.
Trước tòa, Sneary không kiềm chế được sự tức giận: “Ông là một kẻ tàn nhẫn hèn nhát không màng gì đến sự sống của con người”.
Rụng hết răng vì chẩn đoán bịp
Sự bịa đặt của bác sĩ Fata với thợ sửa xe ô tô Robert Sobieray còn trắng trợn hơn. Năm 2010, Fata chẩn đoán Sobieray bị một dạng ung thư máu rất hiếm gặp và chỉ định ông phải hóa trị hàng tháng trời, cộng thêm 3 tuần xạ trị. Ngoài chuyện tốn kém rất nhiều, tiến trình điều trị độc hại kể trên làm còn rụng hết răng ông Sobieray, khiến cơ thể ông co giật không kiểm soát được. Sobieray trở thành một người khuyết tật.
Rất nhiều người khỏe mạnh đã bị lừa làm hóa trị, vốn độc hại và nhiều phản ứng phụ - Ảnh minh họa: AFP
Sau khi hay tin Fata bị bắt vào năm 2013, Sobieray vội vã đi khám ở một bác sĩ chuyên khoa khác và nhận được câu trả lời: ông chưa từng bao giờ bị ung thư.
NBC News dẫn lời ông: “Tôi căm ghét ông Fata quá đỗi. Chỉ cần nghe tới tên ông ta thôi, tôi đã bị đau đầu ngay lập tức. Ông ta làm tôi lộn ruột lên. Tôi không thể nào giải thích được, tôi không thể nào nói ra được điều mà tôi muốn làm với ông ấy. Tôi hy vọng ông ấy sẽ lãnh án chung thân”.
Không bệnh nhưng bị chẩn đoán sắp chết
Patty Hester là một nạn nhân khác, bị bác sĩ Fata “tống” cho một căn bệnh tương tự ung thư mang tên hội chứng rối loạn sinh tủy, đe dọa thêm rằng bệnh tình của cô đã ở giai đoạn cuối, chỉ định cho cô truyền sắt và nhiều loại thuốc đắt tiền. “Ông ta bảo tôi sẽ chết vì ung thư hoặc bệnh nhiễm trùng cơ hội”. Cho đến khi ông Fata bị bắt, Hester mới biết mình không hề mắc căn bệnh đáng sợ kể trên.
Cùng đến tòa với cô còn có người chồng Michael Hester. Ông kể sau chẩn đoán, cả gia đình đã vội vã đến khu nghỉ dưỡng Disney World, xem đó là chuyến đi vĩnh biệt, cố lưu lại các kỷ niệm của người thân sắp chết. Ông kể ông đã đau đớn ra sao khi phải chứng kiến người vợ phân chia các kỷ vật cho mọi người. Ông đã bị trầm cảm và sa vào hút thuốc, uống rượu. “Chúng tôi rơi vào tình trạng vô vọng tột cùng”, Michael Hester nói.
Sắp chết lại được hứa hẹn sẽ hết bệnh
Môt bác sĩ chuyên khoa ung thư đang xem kết quả chẩn đoán hình ảnh - Ảnh: AFP

Rất nhiều bệnh nhân khác, cả trăm người đã bị bác sĩ Fata lừa theo những kiểu kể trên để ông có thể bỏ thêm tiền vào túi. Nhưng không phải nạn nhân nào cũng bị lừa giống nhau.
Nhiều người thì bị bơm vào đầu niềm hy vọng hão huyền để họ tiếp tục điều trị dù ông biết rõ việc điều trị không mang lại kết quả.
“Một số bệnh nhân giai đoạn cuối không hề biết rằng họ sắp chết vì Fata nói dối” - văn bản của phía công tố viên viết.
Chẳng hạn bà Cheryl Blades cho biết khi mẹ của bà là Nancy LaFrance tái phát ung thư phổi, bác sĩ Fata đã nói rằng ông ấy sẽ chữa lành bệnh cho bà, bà sẽ được nhìn thấy đứa cháu nhỏ nhất tốt nghiệp cấp 3 nhưng “không có điều nào trong số những lời hứa của ông ấy là sự thật”.
Các công tố viên cũng tố cáo ngoài việc lừa đảo bệnh nhân, bác sĩ Fata còn làm đủ mọi cách để kiểm soát họ và ngăn cản họ điều trị ở chỗ khác, bao gồm việc ngăn cản tiếp cận hồ sơ y khoa của họ.
Trước tòa, ông Fata không biểu lộ cảm xúc trên gương mặt, tránh né nhìn các nạn nhân mà nhìn xuống đất. Phiên tòa vẫn tiếp tục để quyết định mức án dành cho bác sĩ bịp bợm.
Trước khi bị bắt, bác sĩ Fata sống trong một khu biệt thự rộng lớn ở Oakland và điều hành 7 bệnh viện tư cao cấp ở Michigan.
Angela Swantek, một y tá khoa ung thư đã nói với ABC News rằng cô là người đầu tiên báo cảnh sát những việc làm sai trái của bác sĩ Fata chỉ sau 2 giờ làm việc tại một bệnh viện tư của ông này hồi năm 2010.
Cô nói: “Tôi không hiểu tại sao ông ta lại có thể sống nhởn nhơ lâu như thế. Tôi thấy thật căm phẫn. Tôi đã lên xe nhưng cứ ngồi mãi trong đó, trong bãi đỗ xe, bật khóc vì những gì tôi nhìn thấy và vì cảnh tượng bệnh nhân phải hóa trị”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.