Bác sĩ đồng hành: Đối tượng nào nên kiểm tra sức khỏe hậu Covid-19?

Trường hợp người bệnh sau nhiễm Covid-19, việc khám sức khỏe tổng quát là cần thiết nếu bạn thuộc nhóm nguy cơ mắc các bệnh lý nền trước đây hoặc có những triệu chứng khó chịu của hội chứng hậu Covid-19 như: đau tức ngực, khó thở, ho, sợ lạnh, hồi hộp, tim đập nhanh...

Trong thời gian đầu triển khai tiêm vắc xin ngừa Covid-19, việc áp dụng các biện pháp khám sàng lọc đã giúp ngành y tế ghi nhận thực trạng các bệnh thường mắc tại Việt Nam đang là nguy cơ rất đáng báo động. Các bệnh lý này bao gồm: Tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, đái tháo đường không kiểm soát, rối loạn mỡ máu không kiểm soát, các trường hợp bị dị ứng với nhiều loại dị nguyên,… Những bệnh lý này là nguy cơ gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm khác nếu người bệnh không được kiểm soát đúng cách.

Tình trạng người bệnh đến các bệnh viện để khám tổng quát sau nhiễm Covid-19 ngày càng gia tăng trong thời gian gần đây, đa phần tình trạng sức khỏe theo lời kể của người bệnh được ghi nhận là rất ổn định.

Bệnh nhân khám bệnh hậu Covid-19

BSCC

Một số trường hợp người bệnh trước đây chưa từng khám sức khỏe định kỳ nhưng do lo lắng sau khi mắc Covid-19 cơ thể bị ảnh hưởng nên đã đến khám tại các cơ sở y tế.

Qua quá trình thăm khám, nhiều người bệnh phát hiện mắc các bệnh thông thường là không ít, nguy hiểm hơn là nhiều trường hợp được ghi nhận mắc ung thư ở các giai đoạn.

Ai nên tầm soát sức khỏe sau Covid-19?

Việc khám sức khỏe định kỳ trước nay đối với người Việt Nam vẫn chưa được chú trọng nhiều, nhất là người bệnh ở các tỉnh.

Các chuyên gia y tế cho rằng người bình thường độ tuổi trên 25 trở đi nên tầm soát sức khỏe ít nhất 1 lần mỗi năm và khuyến cáo 2 lần mỗi năm nếu đã hoặc đang điều trị một số bệnh lý mạn tính.

Trường hợp người bệnh sau nhiễm Covid-19, việc khám sức khỏe tổng quát là cần thiết nếu bạn thuộc nhóm nguy cơ mắc các bệnh lý nền trước đây hoặc có những triệu chứng khó chịu của hội chứng hậu Covid-19 như đau tức ngực, khó thở, ho, sợ lạnh, hồi hộp, tim đập nhanh, mất ngủ, đau mỏi cơ,… hoặc cảm thấy bất kỳ triệu chứng bất thường mà trước đây chưa được ghi nhận.

Hoặc trường hợp có ghi nhận một số bất thường về chỉ số mạch, huyết áp khi đến các điểm tiêm vắc xin mà trong suốt thời gian căng thẳng của dịch bệnh chưa thể đến các cơ sở y tế để kiểm tra.

Lợi ích của việc kiểm tra sức khỏe

Kiểm tra sức khỏe định kỳ, kiểm tra sức khỏe tổng quát sẽ giúp phát hiện sớm nhiều bệnh lý và giúp kiểm soát sớm tình trạng bệnh, tránh các biến chứng nặng của bệnh. Một số ví dụ điển hình như:

Phát hiện và kiểm soát bệnh lý tăng huyết áp giúp người bệnh tránh khỏi các biến chứng

Shutterstock

Tăng huyết áp: Bệnh lý tăng huyết áp không còn là bệnh lý hiếm gặp trong đời sống hằng ngày của xã hội hiện đại. Phát hiện và kiểm soát bệnh lý tăng huyết áp giúp người bệnh tránh khỏi các biến chứng của bệnh như đột quỵ, suy tim,…

Đái tháo đường: Bệnh lý đái tháo đường là một bệnh lý chuyển hóa không mấy xa lạ đối với đại đa phần người dân. Việc phát hiện và kiểm soát sớm bệnh lý đái tháo đường tránh các biến chứng bệnh lên hệ thần kinh, mạch máu và nhất là thận, nặng nề hơn là một số tình trạng gặp biến chứng nặng do nhiễm trùng trên người bệnh đái tháo đường dẫn đến việc phải cắt cụt chi,…

Rối loạn chuyển hóa: Hội chứng rối loạn chuyển hóa bao gồm rất nhiều nguy cơ cho cơ thể như rối loạn chuyển hóa mỡ có khả năng gây hình thành cục máu đông dẫn đến đột quỵ ở tim hoặc não. Rối loạn chuyển hóa axit uric gây biến chứng lắng đọng tinh thể urat tại các khớp gây nên bệnh gout hoặc lắng đọng ở tim, thận gây các biến chứng nguy hiểm khác.

Bệnh lý nội tiết: Bệnh lý tuyến giáp như cường giáp, suy giáp, bướu tuyến giáp cần được kiểm soát tránh tình trạng suy kiệt hoặc béo phì, thậm chí là ung thư nếu không kiểm tra định kỳ.

Người bệnh sau nhiễm Covid-19 cần kiểm tra một số vấn đề về chức năng hô hấp hoặc người bệnh nếu có than phiền bất kỳ triệu chứng nào về hậu Covid-19 (trong khoảng thời gian trên 3 tuần) không thuyên giảm thì cũng nên đến khám sức khỏe tổng quát để được tầm soát sức khỏe kịp thời.

Cần chú ý những gì khi đi khám sức khỏe

Người bệnh cần nhịn ăn 6 - 8 tiếng (chỉ sử dụng nước lọc), mang theo các kết quả kiểm tra sức khỏe trước đó (trong vòng 6 tháng) để bác sĩ có thể thuận tiện theo dõi bệnh và xác định người bệnh nên được chỉ định những kiểm tra cụ thể nào.

Cần trả lời đúng về tình trạng sức khỏe hiện tại để bác sĩ có thể kiểm soát tốt nhất các bệnh lý (nếu có) hoặc các triệu chứng cần được chú ý.

Khi được tư vấn, nếu có thắc mắc nào cần hỏi, bạn đừng ngần ngại đặt câu hỏi để được bác sĩ giải thích rõ ràng. Tránh tình trạng hoang mang sau khi khám bệnh mà không hiểu về các kết quả bình thường hoặc bất thường.

Việc duy trì thói quen khám sức khỏe định kỳ trong thời đại ngày nay là vô cùng cần thiết. Ngoài ra, việc sinh hoạt, tập luyện, làm việc và ăn uống đúng cách luôn là một trong những biện pháp duy trì sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật tốt nhất. Hãy lắng nghe cơ thể để có thể chăm sóc bản thân bạn tốt hơn để làm việc và học tập hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống từng ngày.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.