Bác sĩ 'dỏm' bị tố lừa đảo chiếm đoạt tài sản

10/04/2022 06:17 GMT+7

Nạn nhân của 'bác sĩ tự xưng' V.M.C đã làm đơn tố cáo đến Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM liên quan hành vi chiếm đoạt tài sản của ông C.

Chữa cả ung thư, tai biến !?

Các nạn nhân tố cáo ông V.M.C tự xưng là bác sĩ (BS) chuyên khoa tai biến và phẫu thuật sọ não của Bệnh viện (BV) Nhân dân 115 TP.HCM, nhận chữa tai biến, ung thư và huy động hàng tỉ đồng “góp vốn đầu tư”, sau đó “ôm” luôn cả vốn lẫn lời.

Phản ánh đến Báo Thanh Niên, ông Phạm Đăng Mạnh (43 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết tháng 7.2021, cha vợ ông Mạnh bị tai biến liệt toàn thân. TP.HCM khi đó đang cách ly để phòng dịch, việc chạy chữa rất khó khăn. Lúc này, ông Mạnh được một người hàng xóm giới thiệu “BS” V.M.C (47 tuổi, quê Hải Dương) là người từng chữa trị tai biến ở TP.HCM.

Ông C. trong một lần chữa tai biến cho bệnh nhân

NGƯỜI NHÀ BỆNH NHÂN CUNG CẤP

Tới nhà ông Mạnh sau đó, ông C. tự giới thiệu là BS chuyên khoa về tai biến và phẫu thuật sọ não của BV Nhân dân 115, đồng thời là thành viên trong Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ T.Ư. Ông C. còn nói từng đi học ngành y 7 năm ở Nga và 1 năm ở Pháp... Sau ngày đầu thăm khám, ông C. đề nghị vợ chồng ông Mạnh đưa trước 28 triệu đồng để mua thuốc điều trị, cam kết sau 1 tháng bệnh nhân sẽ khỏi hẳn. “Khoảng 10 ngày chữa trị, cha vợ tôi có dấu hiệu tiến triển tốt nên tôi càng tin những gì ông C. giới thiệu về bản thân là sự thật. Nhưng chẳng may, sau đó cha vợ tôi nhiễm Covid-19 rồi qua đời”, ông Mạnh nói.

Tin tưởng năng lực chữa bệnh của ông C., ông Mạnh giới thiệu cho em trai mình là ông Phạm Đăng Hưng (ngụ Bình Dương), để ông C. chữa bệnh cho mẹ vợ (bà H.T.Th, 64 tuổi, ngụ Lâm Đồng) đang bị ung thư tuyến tụy. Phản ánh với PV Thanh Niên, ông Hưng cho biết từ tháng 10.2021, gia đình ông Hưng đưa bà Th. đến nơi ông C. chữa bệnh ở đường Calmette (Q.1, TP.HCM).

“Sau mỗi lần khám chữa bệnh tại nhà ông C., thấy bà cụ ăn uống được, da dẻ có cải thiện nên mỗi lần ông C. cho thuốc uống xong, chúng tôi đều chuyển tiền qua tài khoản trả cho ông C. từ 19 - 200 triệu đồng, tổng cộng 9 lần chuyển với số tiền gần 1 tỉ đồng”, ông Hưng nói. Theo ông Hưng, đến ngày 18.2 bà Th. qua đời.

Một trường hợp khác, bà T.L (ngụ Q.7, TP.HCM) bị đau tim, nhức mỏi sau khi tiêm vắc xin Covid-19 vào tháng 11.2021, cũng được “BS” C. chữa trị hết 70 triệu đồng tiền thuốc “nhưng hiệu quả chẳng thấy đâu”...

Nạn nhân tố cáo đến Công an TP.HCM

Trong đơn phản ánh, ông Phạm Đăng Mạnh còn cho biết trong quá trình chữa trị cho ba vợ mình, ông C. nói đã nhiều năm nghiên cứu sợi huyết chuyên chữa tai biến; đây là nghiên cứu đột phá hiện thế giới chưa có, tỷ lệ chữa bệnh thành công lên đến 99% (?). Nếu ông Mạnh góp vốn đầu tư, ông C. sẽ chia lợi nhuận theo tỷ lệ cứ 60 triệu đồng, một ngày nhận 4 triệu đồng. “Tháng 8.2021, tôi chuyển 60 triệu đồng cho ông C. Từ tháng 8 - 10.2021, ông C. trả lợi nhuận đầy đủ như cam kết”, ông Mạnh thuật lại.

“Tin tưởng các thông tin ông C. mời gọi tham gia các gói đầu tư (nhập máy thở, thuốc điều trị Covid-19…) nên tôi đã vay mượn, huy động tiền của bạn, người thân, chuyển tổng số hơn 6,3 tỉ đồng qua số tài khoản đứng tên V.M.C”, ông Mạnh nói rồi khẳng định từ khi chuyển số tiền đó đến nay, ông C. không thực hiện các cam kết như hứa hẹn.

Ngày 15.3, ông Mạnh làm đơn tố cáo đến Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM về hành vi chiếm đoạt tài sản của ông C. Công an TP.HCM đã tiếp nhận đơn tố cáo kèm một số thông tin, tài liệu liên quan để xác minh làm rõ. Được biết, cùng trường hợp như ông Mạnh còn có thêm nhiều nạn nhân khác đã làm đơn tố cáo ông C. với cơ quan chức năng.

Liên quan “BS” V.M.C, lãnh đạo BV Nhân dân 115 khẳng định ở BV Nhân dân 115 không có BS nào tên V.M.C.

Nơi khám chữa bệnh của ông C. là trụ sở công ty may

TRÁC RIN

“Tuổi gì mà gây sức ép”

Trưa 24.3, ông Mạnh tiếp tục đến “cơ sở khám chữa bệnh” của ông V.M.C trên đường Calmette để đòi tiền, nhưng căn nhà cửa đóng then cài. Ông Mạnh gọi điện cho ông C. nhưng không được, vì số đã bị chặn: “Tôi đã nhiều lần yêu cầu ông C. hoàn trả lại tiền, tuy nhiên ông C. trốn tránh, chặn số điện thoại của tôi”.

Liên quan đến phản ánh của ông Mạnh, trong ngày 24.3, PV Thanh Niên cũng đến “cơ sở khám chữa bệnh” của ông V.M.C trên đường Calmette. PV đã liên hệ qua điện thoại, ông C. xác nhận là người đã bị ông Mạnh tố cáo lên Công an TP.HCM. Tuy nhiên, khi PV đề nghị ông C. gặp trực tiếp để trao đổi, thì ông C. nói: “Hiện tôi đang bận làm việc, mai tôi gọi điện lại rồi gặp trao đổi”. Tuy nhiên, PV chờ đến 3 - 4 ngày sau ông C. vẫn không gọi điện lại.

Nơi “khám chữa bệnh” là địa chỉ công ty may

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, tại “cơ sở khám chữa bệnh” của ông C. ở đường Calmette (Q.1), thì đây là căn nhà 1 trệt, 3 tầng lầu. Phía trước có để bảng “Công ty CP đầu tư thương mại T.V.L”, không có thông tin, bảng hiệu nào liên quan hoạt động khám chữa bệnh.

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, ngoài đứng tên giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Công ty CP đầu tư thương mại T.V.L, ông C. còn đứng tên Giám đốc Công ty TNHH đầu tư phát triển V.P.C (địa chỉ ở P.An Phú, TP.Thủ Đức). Ngành nghề đăng ký kinh doanh chính của Công ty CP đầu tư thương mại T.V.L là “may trang phục, chi tiết: sản xuất khẩu trang kháng khuẩn, khẩu trang chống bụi, các loại khẩu trang khác, trang phục bảo hộ dùng trong y tế…”.

Đến khoảng 10 giờ ngày 31.3, ông C. gọi điện cho PV hẹn 12 giờ 30 trưa cùng ngày (31.3) gặp trao đổi. Tuy nhiên đến khoảng 10 giờ 30 ông C. gọi điện lại báo chỉ có thể gặp vào lúc 11 giờ vì sau đó ông phải ra sân bay về Hà Nội. Lúc này, PV đề nghị gặp ở địa điểm gần sân bay, thì ông C. lại hẹn hôm sau. PV đề nghị ông C. cho thời gian, địa điểm gặp vào ngày 1.4 thì ông C. nói qua điện thoại: “Anh chỉ gặp chú để tâm sự thôi chứ sao phải gấp gáp vậy. Mấy thằng đó (người tố cáo) tuổi gì mà gây sức ép”, ông C. nói rồi cúp điện thoại.

Thanh Niên sẽ tiếp tục theo đuổi vụ việc và cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng và bạn đọc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.