Bạc Liêu phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp tôm của cả nước

Trần Thanh Phong
Trần Thanh Phong
28/11/2022 16:03 GMT+7

Bạc Liêu xác định nuôi trồng thủy sản là kinh tế mũi nhọn và phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến tôm, trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước.

Ngày 28.11, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2022, với chủ đề ‘Bạc Liêu - Tiềm năng và khát vọng phát triển’. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam dự và chỉ đạo hội nghị.

Xác lập kỷ lục 122 món ăn được chế biến từ tôm và muối Bạc Liêu

Xác định nuôi trồng thủy sản là mũi nhọn

Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết tỉnh có chiều dài bờ biển hơn 56 km, có 3 vùng sinh thái mặn - ngọt - lợ; trong đó đất nuôi tôm chiếm gần 50% diện tích toàn tỉnh. Do vậy, tỉnh xác định nuôi trồng thủy sản là mũi nhọn trong phát triển, trực tiếp là con tôm. Bạc Liêu phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến tôm, là trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước. Đồng thời, tỉnh cũng định hướng ưu tiên liên kết sản xuất, bao tiêu lúa gạo, nâng cao chất lượng nông sản, với mục tiêu chung là phát triển nông nghiệp - nông thôn, nâng cao đời sống nông dân.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bạc Liêu

trần thanh phong

Bạc Liêu cũng xác định phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo là trọng tâm của công nghiệp tỉnh. Điều này xuất phát từ lợi thế thiên nhiên ưu đãi cho Bạc Liêu có đất đai bằng phẳng, rất ít bị bão lụt, thiên tai, lại có nắng và gió hầu như quanh năm với cường độ rất tốt, nhất là ở vùng ven biển, hội tụ nhiều điều kiện rất thuận lợi để phát triển điện gió, điện mặt trời.

Đến nay, Bạc Liêu đã thu hút được dự án Điện khí LNG 3.200 MW, có 8 dự án điện gió đã hoàn thành đi vào hoạt động, với công suất gần 470 MW, đứng thứ 3 cả nước. Các dự án là động lực chính cho tăng trưởng GRDP của tỉnh. Bạc Liêu đang hướng đến mục tiêu đến năm 2030 trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia, với trọng tâm là điện gió, điện mặt trời và điện khí.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tham quan gian hàng trưng bày tại Hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh Bạc Liêu

trần thanh phong

Ông Phạm Văn Thiều gợi mở, Bạc Liêu có nhiều công trình văn hóa, di tích lịch sử và phong tục tập quán hình thành từ sự gắn bó hòa quyện của cộng đồng 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa, với các điểm du lịch nổi tiếng như: Nhà Công tử Bạc Liêu, Khu Quán Âm Phật Đài, chùa Xiêm Cán, nhà thờ Tắc Sậy, Khu lưu niệm Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, cánh đồng điện gió... là những lợi thế đặc biệt, là tiền đề đưa du lịch Bạc Liêu trở thành ngành kinh tế quan trọng, phấn đấu trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng ĐBSCL.

Mô hình nuôi tôm trong nhà kính của Tập đoàn Việt - Úc ở vùng ven biển Bạc Liêu

trần thanh phong

Phát biểu đóng góp tại hội nghị, PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện kinh tế Việt Nam, cho rằng Bạc Liêu đã gây dựng thành công hình ảnh là trung tâm năng lượng tái tạo, trung tâm tôm của vùng ĐBSCL và cần tiếp tục hành trình này với cách tư duy, tiếp cận phát triển vùng để khai thác tiềm năng, lợi thế đồng thời ứng phó hiệu quả với các thách thức biến đổi khí hậu như biển lấn, hạn hán, xâm nhập mặn.

Để Bạc Liêu thành "đất lành"

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ niềm tin vững chắc đối với tỉnh Bạc Liêu nói riêng, bán đảo Cà Mau và vùng ĐBSCL nói chung, sẽ có những bước tiến mạnh mẽ, chắc chắn trong tương lai.

Theo Phó thủ tướng, các nhà đầu tư nước ngoài đã dành những lời tốt đẹp về con người Việt Nam trong lúc khó khăn, phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đó là minh chứng sống động cho thấy chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nói chung, của Bạc Liêu nói riêng ‘coi những khó khăn, thành công của các nhà đầu tư cũng là khó khăn, thành công của chính quyền’. Từ đó, cùng nhau đạt được những mục tiêu tốt đẹp của mình là phát triển kinh doanh, phục vụ phát triển bền vững, giúp người dân có việc làm, thu nhập, bảo vệ được môi trường.

Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu trao giấy chứng nhận cho các nhà đầu tư

trần thanh phong

Phó thủ tướng cho rằng, bên cạnh những khó khăn chung, địa phương cần có nghiên cứu, dự báo ngay từ lúc này để biến những thách thức thành động lực. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng tình với 5 trụ cột phát triển đã được Bạc Liêu xác định. Bạc Liêu làm được điện gió, trở thành trung tâm ngành tôm, có di sản văn hoá thế giới là đờn ca tài tử, vậy tại sao không thể trở thành số 1 trong một mảng của thương hiệu du lịch quốc gia.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với nhà đầu tư nước ngoài

trần thanh phong

Phó thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, bên cạnh những vấn đề lớn, vĩ mô, sẽ sát cánh cùng Bạc Liêu giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh để địa phương có nhiều tiên phong, đột phá tiếp tục phát huy được vai trò trung tâm của vùng. Bạc Liêu tiếp tục nắm sát tâm tư, nguyện vọng, khó khăn của các nhà đầu tư để cùng nhau tháo gỡ như những người cùng thuyền. Phó thủ tướng mong muốn các nhà đầu tư đã đến Bạc Liêu sẽ tiếp tục lan tỏa những điều tốt đẹp tới các nhà đầu tư khác, để Bạc Liêu trở thành "vùng đất lành", góp phần vào sự phát triển của vùng bán đảo Cà Mau, vùng ĐBSCL cùng với cả nước.

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư lần này, UBND tỉnh Bạc Liêu trao giấy chứng nhận đầu tư cho 7 nhà đầu tư thực hiện 13 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 17.000 tỉ đồng. Ngoài ra, có 9 nhà đầu tư đăng ký nghiên cứu, khảo sát để hoàn thiện thủ tục đề xuất thực hiện 14 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 166.000 tỉ đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.