Bác bảo vệ ăn xin giữa dịch Covid-19: ‘Cảm ơn sự tử tế của người Sài Gòn’

07/07/2021 11:15 GMT+7

“Nhiều người lái xe ôm tới gửi tôi 5.000, 10.000 đồng. Có người bán ve chai cũng dúi vào túi một nắm tiền lẻ mà nước mắt tôi cứ chảy”, ông Vinh nói chính sự bao dung và tử tế của người Sài Gòn đã cứu vợ chồng.

Sau khi Thanh Niên đăng bài viết 'Mắc kẹt' giữa Sài Gòn thời Covid-19: Bác bảo vệ gạt lòng tự trọng đi... ăn xin, ông Bùi Quang Vinh (69 tuổi, ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM) đã tâm sự rằng cuộc đời của vợ chồng đã thay đổi hoàn toàn, sang một trang mới tươi sáng hơn. Ông muốn gửi lời cảm ơn đến Báo Thanh Niên và những mạnh thường quân đã giúp đỡ, ủng hộ mình trong những ngày qua.

“Từ nay tôi không còn phải ăn xin”

Tâm sự với PV, ông Vinh khi thì khóc vì xúc động, khi thì lại cười vì những ngày qua nhận được quá nhiều niềm vui mà cả cuộc đời ông chưa bao giờ có. Ông nói bây giờ ông “khỏe rồi, đủ tiền xoay xở rồi, từ nay không còn phải đi ăn xin nữa”.
Ông Vinh kể ngay sau khi bài viết được đăng tải vào trưa 3.7, chỉ trong buổi chiều hôm đó đã có rất nhiều người đến tặng quà, nào là bánh trái, rau củ quả, nào là tiền mặt khiến ông chở về không nổi.
Đến ngày hôm sau, ông quá bất ngờ vì không thể đếm xuể hết được những cuộc gọi từ những người hỏi thăm và ngỏ ý muốn hỗ trợ. Ông cũng đứng ở góc đường quen thuộc và kết quả là số quà ông nhận được phải “thuê xe ba gác chở về nhà”.

Trước đó, ông Vinh từ một bảo vệ phải đi ăn xin vì mất việc do dịch Covid-19

ẢNH: CAO AN BIÊN

“Có những người không phải giàu có gì, người lượm ve chai, người chạy xe ôm nhưng vẫn giúp tôi. Nhớ nhất là bà cụ lượm ve chai đưa cho tôi mấy đồng lẻ, tôi từ chối nhận nói rằng mùa dịch này bà còn khó khăn, cứ giữ mà xài nhưng bà ấy kiên quyết đưa. Người Sài Gòn như vậy đó, thấy ai khó khăn bất kể giàu nghèo đều xúm lại giúp một tay”, ông tâm sự. Khi nghe cụ bà này nói: “Tôi khó, anh cũng khó, thôi mình giúp nhau qua lúc này. Anh khó hơn tôi anh mới đi xin, anh nhận cho tôi vui” khiến ông Vinh xúc động.
Ngày nhận được cuộc gọi và sự giúp đỡ của chị Nguyễn Đỗ Trúc Phương (25 tuổi), ông Vinh nói đó là ngày thay đổi toàn bộ cuộc đời mình. Số tiền 150 triệu đồng được chị Trúc Phương quyên góp được đã khiến ông Vinh và vợ vỡ òa.

Nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng, ông vui mừng nói “từ nay mình không còn phải đi xin nữa”

ẢNH: CAO AN BIÊN

Ông tiếp lời: “Tôi thực sự biết ơn cô Phương, cô là một người tử tế. Không chỉ dẫn tôi ra ngân hàng làm sổ tiết kiệm, mới đây cô ấy còn tốt bụng tới mức sợ tôi ở nhà buồn mà nhờ người gửi cho tôi một cái máy tính, một cái loa để nghe nhạc. Tôi nhớ tới lời dặn của Phương hôm trước, là “bác nhất quyết không được đi ăn xin nhen, không con kêu công an bắt á” mà thầm cười trong bụng”.

Thất nghiệp giữa dịch Covid-19, người phụ nữ một mình lo cho chồng chạy thận, mẹ già tàn tật

Được quà, được thêm việc làm

Ông nói đến ngày hôm nay, ông vẫn còn nhận được sự giúp đỡ từ những người lạ mặt không quen biết. Khi thì 50.000 đồng, khi thì 500.000 đồng cứ được chuyển vào tài khoản của ông. Riêng ngày hôm nay ông đã nhận được gần 3 triệu đồng. Có người còn tìm đến tận nhà để trao quà, trao tiền. Ông tâm sự dù mình đã cố gắng từ chối, nhờ các nhà hảo tâm trao số tiền đó cho những người khó khăn hơn vì ông đã được giúp đỡ quá nhiều, nhưng họ vẫn muốn ông nhận.
Nghe họ nói rằng: “Đây là phần của bác, bác xứng đáng nhận được nó. Còn những người khó khăn khác cũng sẽ có phần của họ, bác đừng lo” làm cho ông Vinh thấy ấm lòng.
Sáng 6.7, ông Vinh cho biết ông đã ủng hộ hơn 50kg gạo được mạnh thường quân tặng cho P.Tân Sơn Nhì (Q.Tân Phú) để hỗ trợ cho những người đang sống trong khu cách ly, phong tỏa. Riêng về số tiền lớn trong sổ tiết kiệm, ông nói mình sẽ dùng nó để dưỡng già hoặc xoay xở khi có việc thực sự cần thiết.
Chúng tôi hỏi “Hết dịch, chú định làm gì?”, ông Vinh cười rồi nói: “Có một mạnh thường quân gọi cho tôi, nói họ có một mảnh vườn lớn ở Sài Gòn cần người chăm sóc. Nếu được vợ chồng tôi có thể đến ở, chăm sóc vườn rồi hằng tháng được nhận tiền lương. Tuổi già về trồng cây trồng rau cũng vui lắm”.
Bà Tương (vợ ông Vinh) khi hay tin chồng đi xin thì không giấu được bất ngờ. “Tôi không biết ông ấy làm vậy, chứ biết cỡ nào cỡ tôi cũng không cho…”. Nghe vợ tâm sự, ông Vinh nói vui: “Nhưng nhờ vậy mà vợ chồng mình qua được khó khăn đúng không bà”. Hai vợ chồng đều cười…

Vợ chồng ông Vinh đều không giấu được niềm vui vì những ngày qua nhận được sự quan tâm, yêu thương của quá nhiều người

ẢNH: CAO AN BIÊN

Trong căn trọ nhỏ đã từ rất lâu ngụp lặn trong nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền”, nay bỗng bừng sáng hẳn bởi tiếng cười. Tất cả đều nhờ sự tử tế “quá mức” của người Sài Gòn vốn từ bấy lâu nay vẫn vậy…
Chia sẻ với PV Thanh Niên, chị Nguyễn Đỗ Trúc Phương cho biết chị đã nhận quyên góp riêng cho hoàn cảnh của ông Vinh và được mạnh thường quân ủng hộ số tiền 200 triệu đồng. Vì là số tiền lớn, chị trích tiền gửi cho ông Vinh 150 triệu đồng trong đó 120 triệu đồng vào tài khoản tiết kiệm và 30 triệu đồng vào thẻ ngân hàng, 50 triệu còn lại để vào quỹ chung để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn khác.
Từng giúp qua nhiều hoàn cảnh nhưng hoàn cảnh của ông Vinh khiến chị Phương xúc động khi ông hai lần bật khóc. Lần đầu tiên khi chị đến gặp ông và lần thứ hai là ông bước ra khỏi ngân hàng sau khi làm thẻ tiết kiệm.
“Những người lớn tuổi thường lòng tự trọng của người ta rất cao, vậy mà vì vợ và còn trách nhiệm của một người đàn ông nên chấp nhận ra đường để xin ăn như vậy khiến tôi nghĩ mình nên giúp đỡ chú. Chú đã khó bày tỏ rằng chưa bao giờ trong đời chú có một số tiền lớn như thế”, chị nói.
Tuy nhiên, việc quyên góp một số tiền lớn khiến nhiều cộng đồng mạng tranh cãi khi cho rằng số tiền 150 triệu đồng là quá nhiều trong khi còn nhiều hoàn cảnh khác khó khăn hơn.
Trước sự tranh cãi này, chị Phương vẫn bình tĩnh giải thích trên trang cá nhân, chị tâm sự trước đây có những trường hợp chị trao đến hơn 200 triệu đồng nhưng không ai ý kiến nhiều như lần này.
“Đây là tiền mạnh thường quân gửi chú nên mình gửi đến chú còn chú sử dụng như thế nào quyền của chú. Vì đang là mùa dịch ai cũng khó khăn nên thấy có người được giúp đỡ thì nhiều người cũng không khỏi chạnh lòng. Nhưng mình sẽ không để những câu chuyện như thế này ảnh hưởng đến việc quyên góp giúp đỡ cho các hoàn cảnh khó khăn khác”, chị bày tỏ.

Người Sài Gòn nấu 7.500 phần cơm tiếp tế khu phong tỏa mỗi ngày

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.