Ba ngọn lửa bất tử - Kỳ 2: Hữu Đạo - một hồn thơ bất khuất

01/04/2017 11:35 GMT+7

Trong một lần ở chiến khu miền Đông Nam bộ, khi ngồi nói chuyện về thơ, mấy anh em chúng tôi đã nhắc đến tên Hữu Đạo, một nhà thơ và là thủ lĩnh tranh đấu trong phong trào học sinh Sài Gòn.

Khi ấy tôi cũng chỉ mới đọc mấy bài thơ của Hữu Đạo in trên một số tạp chí văn nghệ cấp tiến ở Sài Gòn, chứ chưa được gặp anh. Nhưng thơ Hữu Đạo hừng hực ngọn lửa yêu nước của tuổi trẻ cộng với cái nhìn trầm tĩnh về thế sự đã chinh phục tôi. Cũng không ngờ, sau đó ít lâu, trong một hoàn cảnh mà tôi không hề mong muốn, khi bài thơ Một người lính nói về thế hệ mình của tôi gặp nạn, thì may mắn làm sao, tôi lại được gặp bạn. Đầu tiên là nhà thơ Chim Trắng. Anh đã từ “cứ” Văn nghệ B2 đi bộ cả ngày trời sang “cứ” tuyên truyền Binh vận B6 thăm tôi. Nhà thơ Chim Trắng vừa về, thì ít bữa sau, nhà thơ Hữu Đạo tới thăm. Hữu Đạo là nhà thơ tranh đấu nổi tiếng trong phong trào học sinh-sinh viên Sài Gòn những năm cuối 60 đầu 70 của thế kỷ hai mươi. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi gặp anh. Hình như dạo đó Hữu Đạo cùng một số anh chị em khác trong phong trào đô thị lên R dự một lớp tập huấn gì đó, rồi biết chuyện bài thơ của tôi bị “đánh”. Sau khi tới nhà in xin bài thơ bị xé khỏi cuốn tạp chí Văn nghệ, Hữu Đạo đã quyết định đi bộ một ngày tới thăm tôi. Chỉ để chia sẻ.
Là một thủ lĩnh trong phong trào học sinh-sinh viên Sài Gòn, thơ rất dữ dội, nhưng Hữu Đạo (tên thật: Nguyễn Sĩ Hiền-quê Đồng Tháp) lại là người cực hiền. Anh nói năng nhỏ nhẹ, nhưng dứt khoát. Cái cách anh chia sẻ và ủng hộ bài thơ tôi, cũng ấm áp và dứt khoát, không đao to búa lớn. Mới gặp Hữu Đạo, nhưng tôi có cảm giác chúng tôi đã thân thiết với nhau từ lâu lắm. Có một sợi dây linh cảm giữa hai người bạn khiến chúng tôi mới gặp đã thân nhau, bất chấp những bài thơ gặp nạn, bất chấp các thủ trưởng quyền uy và những gì khác. Lại một đêm thức trắng bên sông Vàm Cỏ Đông cùng Hữu Đạo. Như đã thức cùng nhà thơ Chim Trắng. Cả Chim Trắng, Hữu Đạo và tôi, chúng tôi là những người tự do từ trong bản thể, và chỉ đơn giản như vậy. Thơ chúng tôi, yêu nước thương dân trong tình yêu tự do, và không chấp nhận đánh đổi tự do với bất cứ thứ gì. Suốt một đêm mắc võng nằm bên nhau, chúng tôi đã nói bao nhiêu là chuyện. Và hai chúng tôi, một người từ Hà Nội vào chiến trường, một người từ Sài Gòn lên chiến khu, chúng tôi đã chia sẻ thật ấm áp những tình cảm của người trẻ, những nghĩ suy của người trẻ, và những khát vọng của người trẻ.
Sau giải phóng, một hôm đạp chiếc xe đạp “truồng” không chắn bùn chắn xích không chuông không phanh từ chiến khu mang về (loại xe đạp khiến người dân Sài Gòn hồi đó rất… ngưỡng mộ, có lẽ vì nó lạ, nó “không giống ai”) đi nghêu ngao giữa Sài Gòn, tôi tình cờ gặp lại Hữu Đạo. Giữa Sài Gòn, hai anh em ôm nhau, rồi lập tức dìu nhau vào một quán cóc bên vỉa hè làm mấy chai bia “con Cọp” mừng hội ngộ. Tôi đâu có ngờ, đó là lần cuối cùng tôi gặp Hữu Đạo. Vì ít lâu sau, tôi lại lang thang qua nhiều tỉnh thành ở miền Nam, trước khi trở ra Hà Nội.
Ta đã lớn lên
Ta đã lớn lên bên này châu Á
Với ruộng đồng xanh lúa Cửu Long
Ta đã đi trong lửa đốt những thôn làng
Ta đã lớn bên nỗi hờn xâm lược
Ta sống gượng với nhục nhằn mất nước
Rồi hiên ngang bảo gạt lệ mà đi
Những khổ đau sẽ chẳng ích gì
Khi chẳng biết đun sôi bầu máu nóng
Ta đã lớn giữa quê hương tháng tám
Loa vang lời cách mạng một mùa thu
Ta đã vung gươm quyết vạch mây mù
Cho cả nước tiến lên đời tự chủ
Những bà mẹ suốt một đời lam lũ
Và những em thơ đói sữa khóc vùi
Hãy ngẩng đầu lên môi nở nụ cười
Vì hạnh phúc sẽ thơm đầy mật ngọt
Ta đã lớn với ba miền sôi sục
Trang sử hồng cuộc kháng chiến toàn dân
Đã xa rồi tăm tối và khóc than
Của những 80 năm chưa từng ngẩng mặt
Ta đã đi bên bạn bè son sắt
Giữa mặt trời nắng gắt, giữa mưa dầm
Đẹp vô cùng mơ ước tuổi xanh
Tuổi trẻ Việt Nam ngời ngời hy vọng
Hỡi những người vai rộng tóc xanh
Đời như hoa thắm nở trên cành
Như chim giữa khoảng trời cao rộng
Khinh những lồng son, lưới bủa quanh
Mùa thu ơi mùa thu
Quốc thù kêu kháng chiến
Mùa thu tan mây mù
Tưng bừng sôi khói biếc
Đạp cả gông tù ta bước lên
Cờ ươm máu hận thề không quên
Tầm vông chuyển động mùa sông núi
Giục lớp người đi phá xích xiềng
Ai qua rừng núi Điện Biên
Ai xuống Hưng Tuyên, Đồng Tháp
Sử hồng ta đã thơm mùi độc lập
Đã qua rồi mưa vùi gió dập
Lạc Hồng ơi một bờ cõi huy hoàng
Đất nước muôn đời hùng vĩ
Có sông Lô, núi Nhị
Có Vũ Quang bền chí
Với Hà Giang, Uông Bí, Cao - Bắc - Lạng kiên cường
Hàng vạn cánh tay, hàng vạn nẻo đường
Những con người dãi nắng dầm sương
Cơm dưa muối đã làm nên lịch sử
Máu giặc đỏ nước sông Vàm Cỏ
Xác thù trôi lửa Nhật Tảo bừng sôi
Từng bờ đê ngọn cỏ
Từng đồi núi chơi vơi
Cao như mối căm hờn giặc nước
Chân đã rộn ràng bước
Giọt mồ hôi cũng ướt
Mái tóc già tần tảo những canh khuya
Những nẻo đường xa
Những nẻo đường qua
Như rộn rã một mùa non sông mới
Mùa lúa chín đồng
Mùi cơm mới xới
Ta đã làm nên không chờ không đợi
Nghe gì trong tiếng gọi
Lửa quốc hờn vang reo
Nghe gì trong sương gieo
Ướt đầm vai nghĩa sĩ
Ta đã lớn lên rồi các anh các chị
Các em thơ trong trẻo tiếng cười giòn
Thành phố ta ơi
Ngời lịch sử trường tồn.
(Hữu Đạo - 1968)
Bài thơ Ta đã lớn lên mở đầu bằng câu thơ thật tự hào: “Ta đã lớn bên này châu Á”, câu thơ đã thành tên một tập thơ tranh đấu của Hữu Đạo. Nhịp bài thơ đúng như bây giờ ta hay gọi là “nhịp rock”, mà là “rock nặng”, bài thơ đi một hơi can trường mãnh liệt dường như không một sức gì ngăn cản được. Đó là thơ của một người bất khuất. Khí thế tranh đấu của học sinh sinh viên Sài Gòn yêu nước ngày ấy là như thế. Và đó là niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam. Bài thơ Hữu Đạo như một giao thoa giữa thơ yêu nước miền Nam và thơ yêu nước miền Bắc, giữa Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm và Thưa mẹ, trái tim của Trần Quang Long. Ngày ấy đất nước chưa thống nhất, nhưng thơ đã thống nhất.
Nhà thơ Hữu Đạo Ảnh: T.L
Khoảng tháng 8.1975, từ Hà Nội tôi nhận được điện tín, hình như của Tám Nhân, báo tin Hữu Đạo đang nằm bệnh viện Sài Gòn vì bị bệnh tim rất nặng. Tôi đã viết bài thơ này, như một mong ước, như lời cầu nguyện, rằng tôi sẽ còn gặp lại người bạn mà tôi yêu quí. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Hữu Đạo đã mất, còn tôi lại phải lang thang xuống tận Hải Dương, ở một trung tâm an dưỡng dành cho lính từ chiến trường B ra Bắc.
Gửi Hữu Đạo
làm sao mình quên-bạn đã đến với mình
một nửa ngày nhịn ăn một nửa ngày đi bộ
bài thơ nhỏ sẻ đôi cùng cơm nguội
câu chuyện dài
đêm ấy
nói xong đâu
tôi tin ở linh cảm mình biết bao
ngày chúng ta gặp lại
những người bạn trên đời không thể xa nhau mãi
dù đêm nay gió vật vã trên đầu
tôi tin ở linh cảm mình biết bao
như tôi tin ở tấm lòng của bạn
ở trái tim đau của bạn
ở người con gái bạn yêu và vô cùng yêu bạn
chỉ tình yêu-dưỡng khí nhiệm màu
chỉ tình yêu cứu bạn khỏi cơn đau
tôi khẩn thiết yêu cầu một tình yêu như thế
đến với bạn cùng những bình dưỡng khí!
Đạo ơi, chúng mình sẽ gặp nhau
nhất định chúng mình phải gặp nhau
tôi mãi mãi tin vào linh cảm.
(Hà Nội 1975)
Hữu Đạo là một người bạn thơ mà tôi không bao giờ quên được. Khi gặp và chơi với Nguyễn Công Khế, tôi nghe Khế kể chuyện về những tháng ngày Hữu Đạo bị tù cùng Khế ở khám lớn Chí Hòa. Đó là những “tháng ngày ở tù trong sáng” của một lớp học sinh tranh đấu, dù ở miền Trung hay Nam bộ. Nghe chuyện càng yêu thương hơn người bạn của mình, người đã đi bộ cả ngày trong rừng để gặp và chia sẻ với một người bạn chưa từng gặp, chưa từng quen biết như mình.
Đã có một thời chúng tôi sống với nhau như thế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.