Bà ngoại 70 tuổi mù lòa nuôi cháu mắc hội chứng down

26/10/2021 20:13 GMT+7

Nhiều năm qua, căn nhà nhỏ đã xuống cấp, mái dột, cột xiêu ở xã Trường Long, H.Phong Điền (TP.Cần Thơ) là chốn nương thân của bà Nguyễn Kim Quan (70 tuổi) bị mù hai mắt và cháu ngoại Võ Ngọc Hương (8 tuổi) mắc hội chứng down bẩm sinh .

Bà Quan và đứa cháu tật nguyền

THANH DUY

Bà Quan kể, nhà nghèo, đông con nên 35 năm trước cả nhà bà dắt nhau lên Bình Dương làm thuê kiếm sống. Cách đây 10 năm, đôi mắt đau nhẹ, bà ngại đến bệnh viện vì không có tiền. Đến khi cơn đau triền miên, vượt khỏi khả năng chịu đựng, bà mới đi điều trị thì đã quá muộn. Triệu chứng cườm nước đã biến chứng nguy kịch khiến đôi mắt bà bị mù. Sau đó, bà trở về Cần Thơ sinh sống. Các con mỗi người sống mỗi nơi, ai cũng nghèo.

Hiện tại, bà Quan sống trong căn nhà riêng cùng cháu Hương. Hương mắc bệnh down bẩm sinh. Từ nhỏ, em đã không phát triển bình thường, lại khuyết tình thương của cha vì đó là mối tình lầm lỡ của mẹ. Năm 2018, Hương được 6 tuổi, mẹ em gửi em vào chùa rồi đi biệt tăm đến nay. Vợ chồng bà Quan hay tin đã đi tìm và nhận Hương về nuôi.

Mọi sự giúp đỡ, xin bạn đọc gửi về Báo Thanh Niên theo thông tin sau: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 1471000.000.0115 - Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam - chi nhánh Ba Tháng Hai, TP.HCM. Nội dung ghi: Giúp đỡ bà Nguyễn Kim Quan; hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Chúng tôi sẽ chuyển đến bà Quan trong thời gian sớm nhất.

Theo bà Quan, vì bà mù lòa nên việc chăm sóc Hương không dễ dàng. Nhưng dẫu sao, khi đó vẫn còn chồng là chỗ dựa tinh thần vững chắc, cùng san sẻ và đồng hành lúc khó khăn. Thế rồi, mới đây ông lại đột ngột qua đời. Điều dễ thương là trước giờ Hương luôn gọi bà Quan bằng má. Bà nhiều lần dạy lại cháu nhưng Hương cứ nói trước rồi quên sau, thành ra không sửa được.

Căn nhà ấy nghèo nhưng lại có một thứ tài sản vô cùng quý giá là tình yêu thương giữa hai bà cháu. Bà Quan mò mẫm đi giặt đồ, nấu nước, Hương quấn quýt theo sau. Chính vì sự gắn kết máu mủ ruột thịt đó, từng có nhiều người khuyên nên gửi Hương vào nơi nuôi dưỡng trẻ khuyết tật rồi lâu lâu đến thăm cho đỡ khổ, nhưng bà đều không suy nghĩ tới. Hoàn cảnh cơ hàn của hai bà cháu được nhiều người đùm bọc. Hằng tháng, bà Quan nhận được tiền trợ cấp hơn 1 triệu đồng. Chính quyền địa phương cũng hay đến hỗ trợ gạo, thực phẩm. “Căn nhà tôi ở cũng là nhờ vào tình thương của bà con. Người cho tôn, người cho cột...”, bà Quan xúc động.

Ở tuổi xế chiều, bà Quan chưa bao giờ thôi trăn trở. Trước câu hỏi rồi Hương sẽ ra sao khi không còn bà bên cạnh nữa, đôi mắt mù lòa đầy vết chân chim của bà Quan lại ứa ra những giọt nước mắt ngậm ngùi, xót xa…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.