Bà Muội 20 năm ròng rã may mùng, giúp người nghèo Sài Gòn ngủ ấm

08/08/2015 10:14 GMT+7

(TNO) Dành dụm tiền con cháu gởi về cho, mỗi tháng cụ Muội may khoảng 20 chiếc mùng để tặng cho những người lao động nghèo, với hy vọng họ sẽ có giấc ngủ ngon sau ngày dài làm việc mệt nhọc. Công việc âm thầm này đã kéo dài gần 20 năm...

(TNO) Dành dụm tiền con cháu gởi về cho, mỗi tháng cụ Muội may khoảng 20 chiếc mùng để tặng cho những người lao động nghèo, với hy vọng họ sẽ có giấc ngủ ngon sau ngày dài làm việc mệt nhọc. Công việc âm thầm này đã kéo dài gần 20 năm...

Gần 20 năm qua bà Muội cặm cụi may mùng tặng cho những người nghèo khó - Ảnh: Vũ Phượng
Bà Muội có tên đầy đủ là Đoàn Thị Muội, hiện ngụ quận 7, TP.HCM. Đã hơn 70 tuổi nhưng hàng ngày bà vẫn luôn cặm cụi cắt may tỉ mỉ từng chiếc mùng để tặng cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
Thương hiệu mùng của người lao động nghèo
Xuất thân trong gia đình có truyền thống làm nghề may, nên từ nhỏ bà Muội đã được làm quen với việc cắt vá. Khi vừa lập gia đình, bà Muội mở một tiệm may nhỏ nhưng luôn đắt khách và nhanh chóng trở thành một trong những “thương hiệu” tại địa phương. Chính vì vậy, bà Muội có điều kiện nuôi 6 người con ăn học thành tài.
Ban đầu, vì muốn các con của mình có một chiếc mùng bền và đẹp để ngủ nên bà Muội đã tự tay mua vải về may. Bí kíp của bà đó là kết thêm vải kate ở các góc thì mùng sẽ không bị chùng xuống và chắc chắn.
Sau đó, thấy hàng xóm xung quanh nhiều nhà còn khó khăn, đến ăn còn không đủ nói gì đến chuyện sắm mùng, nên cụ đã ngày đêm cắt khâu từng đường kim mũi chỉ để sớm có mùng tặng cho họ. Cứ thế, tiếng lành đồn xa, mùng của bà Muội như một thương hiệu cho những người lao động nghèo trong thành phố.
Hình ảnh bà Muội mang những chiếc mùng do chính mình cặm cụi làm đến tận nơi tặng cho những người có hoàn cảnh khó khăn không còn xa lạ với mọi người quanh khu vực. Ngoài ra, bà Muội còn gửi mùng vào chùa và các mái ấm cho những đứa trẻ thiếu thốn tình thương yêu của cha mẹ. “Tôi chỉ mong muốn những cái mùng của tôi sẽ phần nào giúp chúng cảm thấy bình yên trong giấc ngủ”, bà Muội tâm sự.
Mỗi năm bà Muội còn tặng gạo và gia vị cho những mảnh đời cơ cực  - Ảnh: Vũ Phượng
Bà Muội cũng chia sẻ thêm: “Mình tặng người ta 10kg gạo họ chỉ ăn được trong vài ngày, thậm chí khi không có tiền họ vẫn có thể mượn đâu đó rồi mua tạm nửa ký. Nhưng mình tặng mùng, họ nằm được ít nhất cũng hơn một năm thì có ý nghĩa với họ hơn. Mình ngồi làm có mệt nhưng nghĩ tới niềm vui của họ khi nhận được mùng là lại có động lực để làm ngay. Đi tặng nên mình lại càng phải cẩn thận hơn trong từng mũi kim”.
Đặc biệt hơn, thông qua một vài người bà con ở xa, những chiếc mùng của bà Muội còn được gửi tới những người khó khăn ở các tỉnh như: Đăk Lăk, Long An, Bến Tre, Bạc Liêu,…
Thầm lặng mà cao cả
Cứ thế đã hơn chục năm trôi qua, thấy ai nghèo khó là bà Muội lại may mùng tặng. Đến nay, bà cũng không nhớ nổi mình đã tặng tất cả bao nhiêu cái mùng. Nhiều lần con cái khuyên cụ nên nghỉ ngơi nhưng nghĩ tới cảnh những người nghèo khó không có tới cái mùng để yên giấc cụ không đành lòng. Vậy là bà Muội lại ngồi một mạch từ trưa đến 8 giờ tối để chăm chút từng đường kim chắc chắn cho ra những cái mùng thật đẹp và bền.
Bà Huỳnh Thị Hường, nguyên chi hội trưởng Chi hội phụ nữ khu phố 3, phường Tân Hưng, quận 7, cho biết: “Việc làm của bà Muội rất thầm lặng, mãi sau này tôi mới biết. Không chỉ riêng gì việc may mùng tặng cho những người khó khăn mà ai cần giúp đỡ gì trong khả năng của mình mà giúp được là bà Muội đều luôn sẵn sàng”.
Bà Muội hướng dẫn cho cháu gái cách cắt vải làm mùng  - Ảnh: Vũ Phượng
Bà Muội tâm sự may mùng tặng cho người nghèo như là đam mê của tuổi già. Ngày nào không làm là cụ lại thấy thấp thỏm, khó chịu trong người. Mới đây, hai tuần sau khi mổ mắt bà Muội đã ngay lập tức quay lại với thói quen hàng ngày.
Chị Đoàn Thị Hiền, ngụ phường Tân Hưng, quận 7 vừa được bà Muội tặng mùng chia sẻ: “Mấy năm trước dì Út (tức bà Muội - BTV) cũng cho nhà 1 cái rồi, nhưng vừa rồi sửa nhà, mùng kia cũng cũ nên Út vừa cho thêm một cái mới. Mùng của Út may rất đẹp, khi mình giăng lên không bị chùng ở giữa mà rất thẳng. Dì Út may cũng kỹ nên không bị rách hay tụt chỉ như mùng ở chợ”.
Không dừng lại ở đó, đều đặn mỗi năm bà Muội còn tặng gạo, đường, nước tương và nước mắm cho những mảnh đời cơ cực.
Việc làm của bà Muội đã được Ủy ban nhân dân TP.HCM trao bằng khen trong hội nghị tuyên dương Người tốt, việc tốt tiêu biểu giai đoạn 2010 - 2015 vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, góp phần tích cực vào phong trào thi đua của thành phố.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.