Ba mẹ đòi từ mặt nếu khởi nghiệp, phải làm thế nào?

24/11/2018 18:42 GMT+7

Là câu hỏi của nhiều bạn trẻ khi khởi nghiệp, vì họ không nhận được sự ủng hộ của gia đình, người thân.

Vậy làm thế nào để vấn đề nan giải này được giải quyết, làm thế nào để có được sự ủng hộ của ba mẹ khi khởi nghiệp hay thậm chí là làm thế nào giữ được tự tin và tiếp tục chinh phục con đường khởi nghiệp của mình nếu lỡ gia đình đã nhất quyết phản đối?

“Ai cũng bảo điên”

Trải qua 3 lần khởi nghiệp nhưng vẫn chưa thành công, N.M.Đ (cựu sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cảm thấy bất lực vì chưa thể chứng minh được với gia đình rằng mình nhất định sẽ thành công. Đ. kể: “Lúc đầu mình bắt tay với 2 bạn học Trường ĐH Nông lâm TP.HCM khởi nghiệp về nông nghiệp công nghệ cao, sử dụng công nghệ IoT, nhưng bên mình lại thiếu nhân sự về mảng kinh doanh, thế là thất bại. Lần 2 thất bại vì đội ngũ bất đồng, mỗi người mỗi ý và không tìm được tiếng nói chung. Nhưng thật ra cũng vì các bạn nản vì lần thất bại đầu tiên nên mâu thuẫn từ đó mới khó giải quyết. Còn lần 3 thì cả nhóm đều bị áp lực bởi thị phi và sự cương quyết đòi từ mặt của gia đình”.


Những thị phi mà Đ. nhắc đến là bạn bè nói Đ. điên, có vấn đề. “Lúc nào tụi bạn rủ đi cà phê mình cũng từ chối, rủ đi chơi cũng vậy, vì suốt ngày mình nghiên cứu để hoàn thiện dự án khởi nghiệp đã ấp ủ. Có thể nói thanh xuân của mình là dành cho khởi nghiệp nhưng toàn thất bại nên ai cũng nói mình có vấn đề về đầu óc. Rồi ba mẹ đòi từ mặt, vì lúc đầu ra trường quyết định không đi làm mà khởi nghiệp là ba mẹ đã không ủng hộ, nhưng mình hứa chắc chắn sẽ thành công. Nhưng ra trường 3 năm rồi, bạn bè bây giờ đã ổn định, còn mình vẫn lông bông thế này nên ba mẹ đòi từ mặt nếu mình vẫn quyết định khởi nghiệp. Thật sự rất nan giải, cũng chẳng có gì để ba mẹ tin rằng mình sẽ khởi nghiệp thành công nữa”.

Tốt nghiệp chuyên ngành quản trị kinh doanh Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, Nguyễn Thị Huệ sang Singapore làm việc được một thời gian thì đau đáu với vấn đề thực phẩm sạch, Huệ quyết tâm bỏ ngang công việc bên Singapore để về nước học làm nông dân và khởi nghiệp với thương hiệu nước mát và các loại thực phẩm an toàn cho người sử dụng. Chính vì thế, nhiều lần Huệ nhận phải sự cấm cản của gia đình, nhưng Huệ vẫn kiên định với đam mê của mình.

Huệ cho rằng có nhiều lý do để gia đình không ủng hộ như ba mẹ là người có cuộc sống ổn định và cũng muốn con cái mình như vậy, họ sợ rủi ro, không biết tương lại sẽ như thế nào, sợ con cái cực, sợ không kiếm được tiền và cũng bởi vì có quá nhiều câu chuyện thất bại khi khởi nghiệp nên nỗi lo của ba mẹ càng lớn hơn.

Nhưng Huệ khuyên: “Trong trường hợp như vậy chỉ còn cách can đảm bước ra rồi cố gắng làm từ từ để có kết quả. Nhưng cũng phải chuẩn bị tinh thần sẵn là nếu không được như mình mong muốn thì cũng phải can đảm chịu trách nhiệm với những quyết định của mình. Hoặc là ngồi nói chuyện với gia đình rõ ràng, đây là cái con muốn nên mong bố mẹ ủng hộ và trong trong thời gian bao lâu chẳng hạn mà không đạt được kết quả thì con sẽ theo lời ba mẹ,...”.

Muốn khởi nghiệp phải chịu được áp lực

Theo anh Nguyễn Long Hải, Giám đốc phát triển kinh doanh, Công ty TNHH Focus21Global, thì định hướng sự nghiệp của mình sẽ có người ủng hộ, người phản đối. Khởi nghiệp cũng vậy, mình cần phải chấp nhận có người không ủng hộ như một lẽ đương nhiên. Người thân lo mình thất bại, mình mất vốn nên thường là sẽ phản đối.

“Nhiều bạn bỏ ngang nghề nghiệp chuyên môn để chuyển sang khởi nghiệp, mà khởi nghiệp vốn dĩ thời gian đầu bấp bênh, mà hầu hết các bạn đều không có kinh nghiệm hoặc nghiên cứu kỹ lưỡng về khởi nghiệp từ trước. Khởi nghiệp hay kinh doanh cũng là một nghề, nếu chưa lành nghề mà làm nghề thì chắc chắn dẫn đến thất bại. Do đó cần phải chuẩn bị định hướng đúng đắn, tìm cho mình người cố vấn, đặc biệt là có nền tảng tài chính vững mới khởi nghiệp tốt và về lâu dài sẽ được mọi người trong nhà ủng hộ. Tốt nhất là vẫn giữ công việc chuyên môn làm nền tảng, sau đó sử dụng thời gian ngoài giờ để khởi nghiệp. Như vậy vừa ổn định được thu nhập, tự lo cho bản thân và gia đình, thêm nữa có đồng ra đồng vô để đầu tư kinh doanh”, anh Hải khuyên.

Còn anh Cao Trung Hiếu, sáng lập và điều hành Dân Trí Soft, thừa nhận khởi nghiệp là hành trình gian nan, lắm thử thách và là con đường không dành cho những người không chịu được áp lực, không chịu được sự cô đơn. Và cô đơn nhất khi làm khởi nghiệp là những người xung quanh, nhất là gia đình không hiểu, không ủng hộ và thậm chí đòi từ mặt.

Vậy tại sao gia đình lại không ủng hộ mà còn gây áp lực? Anh Hiếu chỉ ra: “ Thứ nhất là xuất phát từ chính bạn, đó là những gì bạn đã làm trong quá khứ chưa thực sự chứng minh bạn có bản lĩnh khởi nghiệp, chẳng hạn bạn chưa có kinh nghiệm và chưa chuẩn bị chu đáo các nguồn lực cho con đường khởi nghiệp (tài lực, trí lực, nhân lực…). Còn nhớ, lần khởi nghiệp đầu tiên của tôi, gia đình chẳng mấy ai tin tưởng ủng hộ nhưng đến lần thứ 5 khởi nghiệp với Dân Trí Soft thì mọi việc đã khác, mọi người trong gia đình đã tin tưởng vì họ nhìn thấy được con đường thành công của tôi. Thứ hai, xuất phát từ văn hóa của người Việt đó là sợ thất bại. Nhưng phải hiểu được rằng gia đình không ủng hộ vì họ đang yêu thương bạn, có thể là cách yêu thương đó chưa đúng. Về văn hóa này cần thời gian dài mới thay đổi được nên cần chấp nhận để sống chung với nó. Có như vậy bạn mới nuôi dưỡng được nguồn năng lượng tích cực để tiếp tục hành trình. Và cần phải nỗ lực nhiều hơn, làm việc hiệu quả hơn để chứng minh cho lựa chọn của mình là không có gì hối tiếc cả”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.