'Bà mẹ bỉm sữa 9X' biến rác thải thành sản phẩm thời trang độc đáo

03/05/2022 13:57 GMT+7

Sau gần 10 năm kinh doanh túi xách gặp nhiều khó khăn, một bà mẹ bỉm sữa 9X ở Hà Nội được cộng đồng sống ‘xanh’ biết đến với các sản phẩm túi thời trang tái chế từ các phế liệu như vỏ hộp sữa, quần áo jean cũ...

Trao đổi với Thanh Niên, chị Chu Hồng Nhung, một bà mẹ bỉm sữa thế hệ 9X cho biết, mình "bén duyên" với việc làm túi xách từ rác thải, phế thải chính từ một căn bệnh trầm cảm nặng sau sinh. Dù chặng đường còn vất vả, nhưng chị vẫn quyết tâm nỗ lực để truyền cảm hứng và lối sống xanh cho các giới trẻ.

Chị Chu Hồng Nhung - bà mẹ bỉm 9X tái chế rác thải, phế liệu thành sản phẩm thời trang độc đáo

nvcc

Không có gì là rác cả, mọi thứ đều có giá trị riêng

Động lực nào đã thôi thúc chị sáng tạo những sản phẩm độc, lạ và hữu ích như vậy?

Ý tưởng tái chế ra đời vào cuối năm 2019 sau khi tôi khỏi bệnh trầm cảm sau sinh. Thời gian đó tôi đã rất tiêu cực, thậm chí còn nghĩ đến cái chết. Nhưng may mắn có gia đình ở bên đều hết mực yêu thương, động viên nên tôi đã vượt qua được giai đoạn khó khăn ấy.

Tôi cảm thấy mình như được tái sinh lại lần nữa, có một cuộc sống mới nhờ tình yêu thương của hai bên gia đình. Tôi cũng muốn ở cuộc sống mới này dùng tình yêu thương để tái chế, tái sinh cho những đồ vật tưởng chừng như bỏ đi thành đồ có giá trị, cho chúng một cuộc đời mới giống mình.

Tại sao lại là những đồ vật bỏ đi khi mà gần như chúng vô giá trị và rất khó để cạnh tranh?

Là một bà mẹ bỉm sữa, có con nhỏ vẫn đang trong độ tuổi uống sữa bột thì hàng tháng nhà tôi đều dư ra rất nhiều vỏ hộp sữa. Cho đồng nát thì sợ bị đối tượng xấu lợi dụng làm sữa giả nên tôi quyết định tái chế vỏ hộp sữa thành túi xách như hiện tại để vừa có giá trị sử dụng vừa thân thiện môi trường.

Ban đầu tôi chỉ định làm tặng người thân xung quanh, thừa cái gì thì mình tái chế cái đó như quần jean, bao bì, vải… nhưng khi đăng lên mạng xã hội thì thấy khá nhiều người quan tâm và tôi cũng tặng các sản phẩm tái chế đó cho mọi người.

Những chiếc túi thời trang tái chế ấn tượng từ đôi bàn tay khéo léo của chị Hồng Nhung

nvcc

Được biết chị đang xây dựng thương hiệu BYCAM - một thương hiệu kinh doanh với các sản phẩm về túi tái chế thân thiện với môi trường. Chị có thể bật mí một chút về kế hoạch kinh doanh sản phẩm tái chế sắp tới không?

BYCAM là thương hiệu tôi đã đăng ký bản quyền để chuẩn bị kinh doanh sản phẩm túi tái chế và túi thiết kế. Trước mắt tôi đang nghiên cứu những mẫu túi thời trang đang được mọi người yêu thích rồi may thành phẩm từ nguyên liệu tái chế. Túi bao bì tải dứa đã rất thành công ở Nhật, tôi hi vọng ở Việt Nam cũng được ưa chuộng tương tự. Đối tượng tôi hướng đến là các bạn trẻ, cộng đồng sống xanh yêu môi trường.

Và thông qua sản phẩm tôi muốn truyền đạt rằng không có gì là rác cả, mọi thứ đều có giá trị riêng, chỉ là ta có nhìn ra và trân trọng dành thời gian thay đổi nó hay không mà thôi. Hi vọng cách tái chế này của tôi có thể giúp truyền cảm hứng cho các bạn trẻ sáng tạo nhiều hơn trong việc tái chế, tạo ra những sản phẩm có ích cho cộng đồng, giảm thiểu gánh nặng rác thải tới mẹ thiên nhiên của chúng ta.

Không gian sáng tạo nhỏ nhắn

nvcc

Hướng đến lối sống "xanh" và bền vững

Trong thời gian bắt đầu tái chế đến thời điểm hiện tại, chị có gặp những trở ngại, khó khăn gì?

Làm sản phẩm tái chế này mất khá nhiều thời gian, hơn nữa tôi làm một mình, phần lớn tôi làm tặng nên không có doanh thu từ việc tái chế. Mất thời gian nhiều nên tôi đã định từ bỏ để tập trung cho công việc kinh doanh chính là thiết kế và may túi theo yêu cầu, nhưng được sự ủng hộ quan tâm của mọi người, tôi quyết định tiếp tục công việc tái chế đầy ý nghĩa này.

Tôi chỉ tranh thủ làm các sản phẩm tái chế những lúc rảnh, mỗi lần tái chế chỉ được khoảng 10 - 20 sản phẩm là tổ chức minigame để tặng cho các bạn yêu thích sản phẩm xanh bảo vệ môi trường.

Chị Hồng Nhung với chiếc túi xách độc đáo tái chế từ vỏ hộp sữa và quần jean cũ

nvcc

Trong thời gian sắp tới, khi đã ra mắt thành công thương hiệu BYCAM chị có dự định chia sẻ, đóng góp gì cho các tổ chức xã hội, tổ chức bảo vệ môi trường không?

Nếu sản phẩm kinh doanh thành công tôi chắc chắn sẽ trích lợi nhuận để gửi tặng các quỹ từ thiện giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó hợp tác với tổ chức bảo vệ môi trường.

Thông qua BYCAM tôi muốn đóng góp công sức của mình để thay đổi nhận thức, hướng mọi người đến lối sống ‘xanh’ và bền vững. Và sống ‘xanh’ đang trở thành xu hướng sống mới, con người ngày càng có trách nhiệm với môi trường hơn và xã hội có rất nhiều người tiêu dùng thông thái.

Các sản phẩm tái chế từ bì tải dứa với các chi tiết bắt mắt từ chính bao bì gốc

nvcc
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.