Bà mẹ 2 con chiến đấu với ung thư bằng cách... đặc biệt

Lê Hồng Hạnh
Lê Hồng Hạnh
20/04/2021 12:13 GMT+7

Phát hiện ung thư vú vào ngày 1.1.2020, hơn một năm nay, trải qua 16 lần xạ trị và 8 lần hóa trị, chị Nguyễn Thị Thanh Thúy yêu đời hơn và dành thời gian chia sẻ động viên những bệnh nhân ung thư khác.

Đối với chị Nguyễn Thị Thanh Thúy (36 tuổi, ở Nha Trang, Khánh Hòa), ngày vừa bước qua năm mới cũng là ngày chị nhận bệnh án tử thần. Chị quyết nghỉ hẳn công việc, ở nhà để tập trung chữa bệnh và làm những điều mình thích bao gồm cả việc chia sẻ lối suy nghĩ tích cực đến với những bệnh nhân ung thư khác.

Mất anh trai không lâu cũng vì ung thư

Vừa sinh em bé thứ hai được 6 tháng, một bên ngực chị Thúy bắt đầu bị sưng khá lớn. Chị Thúy đi khám vài nơi ở Nha Trang lẫn TP.HCM nhưng được kết luận viêm tuyến vú. Chủ quan nghĩ không sao nhưng chị uống thuốc một thời gian mà không khỏe, càng ngày vùng bị sưng càng nặng hơn. Lo lắng, tháng 12.2019, chị Thúy một mình vào TP.HCM để khám bệnh và phát hiện bệnh ung thư vú, nhưng lúc này bác sĩ thông báo bệnh của chị đã bước qua giai đoạn 3B.
Khi bắt đầu chữa trị ở bệnh viện, chị Thúy phát hiện trường hợp giống chị khá nhiều. “Những chị em mới sinh con không nên chủ quan vấn đề này và nên đi khám chữa bệnh sớm nhất có thể. Phát hiện giai đoạn càng sớm thì tỉ lệ chữa khỏi bệnh càng cao, nhưng không có nghĩa là giai đoạn muộn không chữa được”, chị nói.

Chị Thúy phải cạo đầu như nhiều bệnh nhân ung thư khác

Ảnh: NVCC

Những suy nghĩ về tương lai của các con nhỏ và cuộc sống của những người thân khiến chị Thúy bật khóc ở hành lang bệnh viện. Chị Thúy là người thứ 3 trong gia đình mắc bệnh ung thư, trước đó một người họ hàng thân thiết của chị cũng mắc bệnh ung thư. Cách đây không lâu, chị Thúy mất anh trai ruột cũng bởi căn bệnh ung thư. Chưa nguôi ngoai bởi nỗi đau mất con trai thì ba mẹ chị Thúy lại nhận tin chị Thúy mắc bệnh.
Chính người cô ruột cùng với sự lạc quan đã truyền động lực cho chị Thúy tiếp tục chiến đấu với bệnh ung thư. Nhưng cuộc chiến với bệnh tật không dễ dàng, cũng như những bệnh nhân khác, chị Thúy phải trải qua những lần hoá trị mệt mỏi đến mức không thể ngồi dậy nổi, ăn vào là nôn thốc nôn tháo, nằm trên giường nửa tháng trời vì tác dụng phụ của thuốc.

Sự lạc quan đầy sức sống của chị Thúy khiến nhiều người khâm phục

Ảnh: NVCC

“Đã có đôi lần mình nản lòng, sự mệt mỏi làm mình cứ tưởng bản thân không thể vượt qua được. Mỗi lần như vậy thì mình lại mở hình con mình ra xem, động lực của mình là ở đó. Thực ra những chị em phụ nữ chúng ta đều hiểu rõ, mỗi một người bị K, buồn bã suy sụp không phải chúng ta sợ đau đớn, sợ bệnh tật, thứ mà chúng ta sợ nhất là con cái sẽ như thế nào, gia đình sẽ đi về đâu khi không có sự chăm lo của chúng ta”, chị xúc động.

Muốn lan tỏa năng lượng tích cực

Trong khoảng thời gian tuyệt vọng nhất, chị Thúy gặp gỡ một bệnh nhân khác ở bệnh viện. Chị Thúy kể lại, cô gái ấy cũng là một chiến binh dũng cảm. Chính người phụ nữ ấy đã truyền niềm tin và ý chí cho chị cho đến tận ngày hôm nay. "Gặp được chị ấy đối với mình là một điều may mắn", chị Thúy nói.
“Ngọn lửa lạc quan chị ấy đem đến cho mình, giúp mình dũng cảm chiến đấu. Cuộc chiến này vẫn chưa có hồi kết, nhưng ít ra mình đã thay chị ấy đem ngọn lửa lạc quan này thổi vào những người đồng bệnh đang buồn bã ngoài kia”, chị tâm sự.
Bỏ lại nỗi đau khi chiến đấu với bệnh tật, chị Thúy bắt đầu hành trình viết nhật ký và chia sẻ sự lạc quan của mình thông qua mạng xã hội. Sau bài viết “Lạc quan là liều thuốc chiến thắng ung thư”, chị Thúy nhận được rất nhiều sự quan tâm của những người cũng rơi vào những hoàn cảnh tương tự.
“Sau bài viết đó có rất nhiều người đã nhắn tin hỏi thăm động viên và một vài người cũng gọi điện nhờ mình động viên họ. Điều đó làm mình cảm thấy rất là hạnh phúc vì đã làm được điều gì đó giúp đỡ cho mọi người”, chị nói.

Gia đình, con cái là một trong những động lực lớn nhất để chị Thúy chiến đấu

Ảnh: NVCC

Sau đó, chị dành nhiều thời gian hơn để viết những lời động viên tinh thần cho những bệnh nhân khác. Chị bày tỏ, hơn ai hết chị là người thấu hiểu nhất những cung bậc cảm xúc của những người bệnh. Bất kỳ ai dù mạnh mẽ đến đâu cũng sẽ đau buồn khi cầm tờ giấy có kết quả K trên tay.
Chính bản thân chị Thúy cũng từng suy sụp, mất tinh thần, mất niềm tin vào cuộc sống khi liên tiếp những ngày dài chờ đợi, mệt mỏi với hàng tá xét nghiệm, bệnh của chị lại phát hiện ở giai đoạn khá muộn, chữa hết hay không bác sĩ cũng không dám chắc chắn.
Chị Thúy tâm sự, những lần chị suy sụp, mất tinh thần thì khối u lại càng đau nhức hơn. Nhiều lần như vậy, chị nhận ra lạc quan chính là liều thuốc tốt nhất để chiến thắng bệnh tật.
“Khi bạn suy sụp thì bệnh của bạn chỉ ngày càng xấu đi mà thôi, vậy tại sao bạn không vui vẻ lạc quan mà đón nhận nó như một phần tất yếu của cuộc sống. Những lần như vậy mình sẽ xem phim, đọc sách hay làm gì đó để quên đi căn bệnh của mình. Mình dành nhiều thời gian ở bên cạnh các con hơn, chỉ cần nhìn các con là mọi buồn phiền của mình đều tan biến hết”, chị tâm sự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.