'Bà hỏa' rình rập người ở trọ

13/06/2023 07:00 GMT+7

Thời gian qua, rất nhiều vụ cháy xảy ra ở TP.HCM và các tỉnh, thành trên cả nước. Các vụ cháy để lại hậu quả thương tâm khiến dư luận ám ảnh, bất an với "bà hỏa". Nhưng thực tế, nhiều người ở trọ lại chẳng đoái hoài gì tới nguy cơ cháy nổ.

CHƯA BAO GIỜ THẤY BÌNH CHỮA CHÁY Ở KHU TRỌ

Ngay sau vụ cháy nhà vào rạng sáng 28.5 ở đường Lê Sao, P.Phú Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM, khiến 1 nạn nhân tử vong, 2 nạn nhân phải cấp cứu trong tình trạng bỏng hô hấp nặng, tiên lượng dè dặt… chúng tôi đã tìm đến hàng loạt khu trọ của sinh viên, công nhân ở khắp TP.HCM để ghi nhận về vấn đề phòng cháy chữa cháy (PCCC). Thật bất ngờ khi phần lớn nơi đều phớt lờ, không hề quan tâm đến việc PCCC.

'Bà hỏa' rình rập người ở trọ  - Ảnh 1.

Bình chữa cháy cầm tay được trang bị nhưng “có như không có” vì cả chủ nhà lẫn người thuê trọ đều không biết sử dụng

T.P

Khu trọ ở số 76E đường số 12, P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân, có gần chục phòng trọ. Nhiều công nhân ở miền Tây đến TP.HCM mưu sinh lập nghiệp đang tá túc chốn này. Nguyễn Huỳnh Lê Anh (30 tuổi), quê ở Bạc Liêu, cho biết sống ở đây đã một thời gian khá dài nhưng "chẳng biết mặt mũi" hệ thống báo cháy, bình chữa cháy hay nội quy PCCC ở khu trọ.

Tương tự, ở khu trọ trong hẻm số 2, đường số 5, P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân, cũng hoàn toàn vắng bóng hệ thống PCCC.

"Tôi ở đây cũng được 3 năm rưỡi nhưng thiệt tình là chưa bao giờ thấy khu trọ có cái bình chữa cháy nào cả", Lê Phú Tân (32 tuổi, quê ở Vĩnh Long) chia sẻ.

Đó chỉ là 2 trường hợp trong hàng chục câu chuyện mà người viết đã tận mắt "mục sở thị". Dù cho thuê với những mức giá khác nhau, có nơi dưới 1 triệu đồng/phòng/tháng hay nơi cả chục triệu đồng/phòng/tháng… thì những khu trọ này đều giống nhau ở chỗ là hoàn toàn "nói không" với hệ thống PCCC.

Nguyễn Đại Hưng (30 tuổi), làm việc ở Công ty may Việt Thắng, TP.Thủ Đức, trọ ở hẻm 113 đường số 8, P.Linh Trung, TP.Thủ Đức đã giật mình khi nghe hỏi về chuyện PCCC. Chàng trai này cảm thấy ái ngại và… rùng mình khi kể tiếp chuyện những phòng trọ đều tuềnh toàng, xập xệ, hệ thống cửa của các phòng đều được làm bằng gỗ giản đơn, la phông bằng nhựa; nếu lỡ không may "bà hỏa" tìm đến thì chẳng biết phải làm sao.

'Bà hỏa' rình rập người ở trọ  - Ảnh 2.

Dãy trọ trên đường số 12, Q.Bình Tân không hề có hệ thống PCCC

X.P

Ngoài ra, hàng loạt khu trọ trên các đường Nguyễn Cửu Phú, Hồ Học Lãm, Sinco (Q.Bình Tân); Lê Văn Phan (Q.Tân Phú); Dương Đình Cúc (H.Bình Chánh); Huỳnh Tấn Phát (Q.7); đường số 9, đường số 10 (TP.Thủ Đức); Nguyễn Kiệm (Q.Phú Nhuận)…, là những nơi tập trung đông đúc sinh viên cũng như công nhân của các khu chế xuất, khu công nghiệp thuê ở, cũng đều chẳng thể tìm thấy bóng dáng của hệ thống PCCC.

Chúng tôi thắc mắc lý do: "Vì sao kinh doanh phòng trọ nhưng lại không trang bị hệ thống PCCC, chẳng hạn như trang bị bình chữa cháy, các thiết bị phòng chống cháy nổ hay các phụ kiện hỗ trợ… để đề phòng sự cố xảy ra?". Bà Trịnh Thị Dung (46 tuổi), chủ khu trọ 76E đường số 12, P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân, cho rằng: "Chỗ này không ai nấu bếp củi, than. Người ở trọ toàn ăn ở tiệm nên cũng không lo ngại đến việc cháy"(!?). Bà Dung cũng thừa nhận hoàn toàn "mù tịt" những kiến thức sơ đẳng về phòng chống cháy nổ.

Chúng tôi đặt câu hỏi tương tự, ông Đào Long (53 tuổi), chủ khu trọ trong hẻm số 2 đường số 5, P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân, trả lời: "Tôi kinh doanh phòng trọ hàng chục năm nay, có bao giờ xảy ra cháy đâu mà phải lo. Tôi nghĩ chỗ trọ tôi cho thuê không nhất thiết phải trang bị hệ thống PCCC".

Còn ông Trần Mạnh Hải, chủ dãy trọ ở hẻm 113 đường số 8, P.Linh Trung, TP.Thủ Đức, giải thích: "Tôi cho thuê mỗi phòng có vài trăm ngàn đồng đến khoảng 1 triệu đồng/tháng thì tiền đâu mà đầu tư hệ thống PCCC?".

'Bà hỏa' rình rập người ở trọ  - Ảnh 3.

Hai bình chữa cháy cầm tay để trong góc nhà xe của một khu trọ. Nhiều người trẻ ở đây cho biết “mù tịt” về cách sử dụng

X.P

CÓ NHƯ… KHÔNG CÓ

Cũng theo ghi nhận thực tế của chúng tôi, có những khu trọ trang bị hệ thống PCCC. Tuy nhiên như lời của anh Trần Khánh Toàn (32 tuổi), kinh doanh cho thuê nhà trọ tại các đường Trần Kế Xương, Phan Tây Hồ, Phan Đình Phùng (P.7, Q.Phú Nhuận), thì "treo cho có".

Một nhà trọ gần chục phòng ở hẻm 42 đường Ung Văn Khiêm, P.25, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, có khá đông sinh viên các trường ĐH như: Giao thông vận tải, Ngoại thương, Công nghệ, Kinh tế - Tài chính… lưu trú. Ở nhà trọ này cũng có 2 bình chữa cháy ở phía dưới nhà xe. Thế nhưng khi được hỏi về cách sử dụng chúng, cả chục sinh viên đang trọ nơi này đều lắc đầu. Nguyễn Hoàng Anh, sinh viên Trường ĐH Ngoại thương cơ sở TP.HCM, nói rằng nếu lỡ không may xảy ra sự cố cháy nổ thì "đúng là hoàn toàn… bó tay".

Vũ Anh Tuấn (32 tuổi), trọ ở 33 đường số 5, Q.Bình Tân, TP.HCM, cũng thừa nhận dãy trọ đang ở không hề có hệ thống báo cháy, khói tự động mà chỉ có bình chữa cháy cầm tay. Tuấn cũng không giấu việc bản thân không hề biết những bước cơ bản để sử dụng bình chữa cháy đúng cách và hiệu quả.

Chúng tôi hỏi về vấn đề cháy nổ, Tuấn xách bình chữa cháy cầm tay lên và loay hoay suốt 40 phút nhưng… lực bất tòng tâm trong việc tìm phương pháp sử dụng. Tuấn nói: "Nếu lỡ xảy ra cháy nổ thì đúng là thảm họa khi nơi trọ không có lối thoát hiểm còn bản thân mình lại chẳng biết cách dập lửa".

Cách sử dụng bình chữa cháy cầm tay

Anh Hoàng Văn Mạnh (32 tuổi), làm việc ở Công ty TNHH phát triển công nghệ Khải An, Q.Gò Vấp, TP.HCM, nơi có kinh doanh sản phẩm PCCC, hướng dẫn cách sử dụng bình chữa cháy cầm tay.

Đầu tiên, rút chốt hãm niêm chì bảo vệ ngay cổ bình để cho bình sẵn sàng hoạt động. Sau đó chĩa loa phun về đám cháy. Một tay cầm bình một tay giữ chắn dây phun và điều chỉnh loa phun hướng về phía ngọn lửa. Tiếp theo là bóp mạnh van xả nhằm đưa chất chữa cháy phụt ra ngoài. Lực bóp mạnh hay nhẹ tùy theo độ xa gần. Sau đó liên tục quét qua quét lại ngay trung tâm ngọn lửa để khiến ngọn lửa được dập tắt hoàn toàn.

Anh Lê Đức Phú (37 tuổi), kinh doanh nhà trọ ở hẻm 41 đường Nguyễn Oanh, Q.Gò Vấp, cho biết dãy nhà trọ có trang bị bình chữa cháy cầm tay. Thế nhưng khi được hỏi liệu đã từng tập huấn rèn luyện kỹ năng và các biện pháp PCCC để phổ biến, hướng dẫn cho người thuê trọ hay không thì ông Phú… lắc đầu.

Ông Phan Đức Linh (40 tuổi), chủ dãy trọ gần chục phòng ở hẻm 43 đường số 10, TP.Thủ Đức, cũng thẳng thắn: "Tôi chưa từng hướng dẫn cho người ở trọ cách PCCC".

Theo tìm hiểu của nhóm PV, đa phần chủ trọ thừa nhận chỉ trang bị bình chữa cháy cầm tay để "có cái mà nói" nhằm đối phó với cơ quan chức năng nếu lỡ bị kiểm tra về vấn đề PCCC. (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.