Ba giai đoạn cô đơn nhất đời người

Kiều Oanh
Kiều Oanh
24/12/2018 00:11 GMT+7

Ai cũng phải trải qua những giây phút cô đơn nhưng trong đời người có 3 giai đoạn "cô đơn đỉnh cao": gần 30 tuổi, chừng 55 tuổi và gần 80 tuổi.

Đó là kết quả một cuộc nghiên cứu của các nhà chuyên môn về tâm thần học và khoa học thần kinh tại Đại học California, San Diego (Mỹ). 
Trong cuộc nghiên cứu, các nhà khoa học còn phát hiện ai càng khôn ngoan thì càng ít chịu cảm giác cô đơn.
Đến 3/4 những người được nghiên cứu cho biết họ đã phải trải qua những giai đoạn cô đơn từ mức độ trung bình cho đến mức độ cao. Điều này làm bất ngờ các nhà chuyên môn, bởi họ dự đoán chỉ 1/3 từng chịu cô đơn ở mức này.
Ngoài ra, việc giai đoạn trước tuổi 30 và ở độ tuổi chừng 55 là 2 trong số 3 giai đoạn đỉnh cao của sự cô đơn cũng làm chính các nhà nghiên cứu ngạc nhiên.
Chỉ có giai đoạn trước 80 tuổi là nằm trong dự đoán, bởi lúc này, ngoài yếu tố sức khỏe suy yếu, người già cũng thường gặp khó khăn trong vấn đề tài chính, phải trải qua những cú sốc như vợ/chồng hoặc bạn bè qua đời.
Không có lời giải thích nào trong cuộc nghiên cứu về nguyên nhân của 2 giai đoạn cô đơn sớm hơn, tuy nhiên nhóm nghiên cứu cho rằng có thể ở giai đoạn trước tuổi 30, con người ta thường phải đưa ra những quyết định quan trọng trong đời.
Đó cũng là lúc nhiều người bị stress vì cảm giác bạn bè quyết định đúng hơn mình, thành đạt hơn mình, từ đó dẫn đến sự ân hận, mặc cảm vì những quyết định của bản thân. Mà một khi stress gia tăng thì cô đơn cũng dễ gia tăng theo.
Ở giai đoạn lưng chừng giữa 50 và 60, sức khỏe bắt đầu suy giảm thấy rõ, nhiều người bắt đầu mắc những căn bệnh kinh niên của người già như tiểu đường, tim mạch. Nhiều người khác thì lần đầu tiên chứng kiến một người bạn qua đời và cảm nhận rõ rằng cuộc đời mình rồi cũng sẽ đến lúc kết thúc.
Hãng truyền thông CNN dẫn lời bác sĩ Vivek Murthy, từng là một bác sĩ phẫu thuật thần kinh, cho biết mức độ suy giảm tuổi thọ do cảm giác cô đơn gây ra cũng chẳng hề thua kém so với tổn hại do việc hút 15 điếu thuốc/ngày gây ra.
Cuối cùng, bác sĩ Dilip Jeste thuộc nhóm nghiên cứu giải thích cô đơn không phải là do hoàn cảnh khách quan gây ra, chẳng hạn không phải do việc con người ta không có bạn. Cô đơn là bởi yếu tố chủ quan, khi có sự đối lập giữa mối quan hệ xã hội mà một người mong muốn với mối quan hệ xã hội mà anh ta có.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.