Bà cụ neo đơn bán bánh chuối nuôi cháu ăn học và ước mơ tuổi xế chiều

25/07/2022 11:16 GMT+7

Tuổi đã cao nhưng bà Lệ vẫn đi bán bánh chuối nướng kiếm ít tiền nuôi cháu ăn học. Nhắc về số phận mình, nước mắt bà rơi xuống bởi sự cô đơn và buồn tủi.

16 giờ chiều, trời Sài Gòn đổ cơn mưa bất chợt. Trước một siêu thị (Q.3) có bà cụ dáng lưng còng, nhích từng bước đưa làn bánh chuối nép vào sát vỉa hè. Chiếc áo hoa đã cũ, chỗ cánh tay bị rách phải chắp miếng vải thừa, bà ngồi đó tay nướng liên tục từng chiếc bánh chuối. Bà là Nguyễn Thị Lệ (67 tuổi).

Một mình nuôi cháu ăn học

Dòng người hối hả chạy xe trú mưa, bà cụ ngồi nép mình bên hàng bánh chuối với nồi than đỏ lửa. Suốt gần 30 năm từ ngày siêu thị khai trương, bà vẫn ngồi đó bán từng chiếc bánh. Trước đó bà đã đi bán ở nhiều chỗ khác.

Bà Lệ ngồi bán bánh chuối trên đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.3) đã gần 30 năm

dương lan

“Ngồi từ nãy giờ có ai hỏi mua chưa bà”, tôi hỏi. “Có người mua rồi con, bán được 5 cái rồi, 40.000 đồng nhưng họ đưa 50.000 đồng. Trời mưa tôi vào đây chứ bình thường ngồi trên nắp cống kia”, bà nói.

Bà Lệ ngồi bán từ 15 giờ chiều đến 20 giờ tối. Bà thuê trọ cách đó khoảng 2km, ngày ngày thuê xe ôm chở, chiều đi, chiều về hết 40.000 đồng.

“Mấy năm trước tôi bán đến 9 - 10 giờ tối mới về nhưng giờ ngồi không nổi nữa, đau lưng lắm nên 8 giờ tối là dọn hàng. Đi bán một mình, hàng này gọn, hồi xưa khỏe là xách đi bộ giờ đi không được phải đi xe ôm”, bà nói.

Từng chiếc bánh chuối được bà xếp ngay ngắn trên chiếc làn nhỏ

dương lan

Ánh mắt buồn rượi, bà kể về cuộc đời mình. Bà có hai người con (một trai, một gái), chồng mất sớm. Những tưởng đến già sẽ có con cái chăm sóc nhưng bệnh tật cướp mất hai đứa con của bà. Cả hai đều bị bệnh ung thư, người con trai mất 13 năm trước, con gái mất cách đây 6 năm.

Trời tạnh bà lại dọn hàng ra bán

duy phú

Đứa cháu nội được mẹ bé đưa về quê Sóc Trăng. Vợ chồng con gái bà bỏ nhau khi con trai lên 1 tuổi, hai mẹ con ở với bà. Ít năm sau, con gái bà mất, từ đó đến nay hai bà cháu nương tựa vào nhau, bà đi bán kiếm tiền nuôi cháu. Thời gian trôi đi, cháu ngoại bà giờ đã học lớp 5.

Vừa trò chuyện với PV, tay bà liên tục nướng bánh

dương lan

“Hồi con trai mất, tôi muốn chết đi luôn. Mấy năm sau con gái cũng bệnh rồi mất. Tôi tự nói chắc kiếp trước không tu nên giờ không có hưởng, nghĩ buồn lắm chứ. Cháu ngoại giờ chỉ có tôi thôi, không có nội, cô bác gì hết. Tôi nghĩ thương cháu, người ta có ba, có nội, có cô an ủi đỡ chứ nó chỉ còn tôi thôi, đâu còn ai đâu”, nói đoạn nước mắt bà không ngừng rơi.

Vì trường gần chỗ thuê trọ nên cháu trai đi chung với mấy đứa bạn trong xóm. Trước đây, cháu còn đi bán cùng bà. Bà mang theo cơm, chiếc nồi nhỏ hâm canh nóng cho cháu ăn. Hiện giờ, bà gửi cho người quen, lo cơm nước cho cháu vì bán đến tối muộn.

Dù lưng đã còng, tóc đã bạc nhưng bà vẫn đi bán kiếm ít tiền lo cho cháu

dương lan

Trời ngớt mưa, vài người dừng lại hỏi mua bánh chuối ủng hộ hoặc cho bà ít đồng. Ngoài ra, bên phường cũng có tiền trợ cấp cho bà hàng tháng. Cũng nhờ đó bà có tiền đóng trọ mỗi tháng 1,7 triệu đồng và lo cho cháu ăn học.

Ngồi lâu mệt, bà uống ít nước đường cho lại sức

dương lan

“Như cái bịch 40.000 đồng người ta đưa 50.000 đồng rồi cho tiền thừa, tôi lãnh ở phường tháng được khoảng 700.000 đồng nữa, lo cho cháu có ăn. Thỉnh thoảng người ta cho gạo, mì, nước mắm mỗi thứ một chút là sống được. Bán bánh bữa đắt bữa ế, mưa gió không nói được. Mưa quá tôi đưa vào bãi xe, mưa nhỏ nhỏ ngồi núp trong này được”, bà chia sẻ.

Ước mơ xa vời tuổi xế chiều

Trong căn trọ nhỏ hẹp nằm trên lầu, mỗi lúc cháu đi học, bà ở nhà một mình thường nghĩ đến chuyện buồn. Bởi vậy, dù vất vả nhưng bà vẫn đi bán cho khuây khỏa. Bà chỉ sợ đến lúc già cả, đau ốm chủ nhà không cho thuê, bà không có chỗ che nắng, che mưa.

“Đi bán tôi nhìn người ta đi tới đi lui còn ở nhà buồn lắm. Nghĩ đến chuyện hồi xưa nhức đầu quá. Trong tâm tôi muốn có căn nhà nho nhỏ, đủ bà cháu chui ra chui vô đến khi nhắm mắt xuôi tay. Ước thì ước vậy chứ tôi biết không có đâu vì tôi đâu có mua vé số mà đòi trúng căn nhà”, bà bộc bạch.

Ông Nhuệ Quang (65 tuổi, bảo vệ siêu thị gần chỗ bà Lệ) cho hay, bà ngồi đó bán bánh đã lâu. Dù vất vả nhưng bà vẫn phải cố kiếm kế sinh nhai và nuôi cháu ăn học.

Nước mắt bà rơi khi kể về hai người con đã mất

dương lan

“Tôi trông xe ở đây khoảng 6 năm nhưng mấy người đi trước nói bà bán lâu lắm rồi. Nắng bà chịu ngồi ngoài bán còn mưa cho bà vào bãi xe trú, ở đây cũng tạo điều kiện cho bà buôn bán vì hoàn cảnh khổ, một cái bánh chuối lời đâu có bao nhiêu, may nhiều người cũng dừng mua ủng hộ”, ông Quang chia sẻ.

Tôi tìm đến phòng trọ của bà. Căn phòng nằm trên lầu 2 của ngôi nhà nằm sâu trong hẻm nhỏ trên đường Lý Chính Thắng (Q.3). Hỏi về hoàn cảnh bà Lệ, hàng xóm xung quanh ai cũng thương cảm cho số phận của bà.

Bà buồn tủi khi nói về cuộc đời mình

duy phú

Bà Trần Thị Yến Nga (64 tuổi, tổ 55, P.Võ Thị Sáu) cho biết: “Bà Lệ khổ lắm, người con gái mất rồi phải nuôi đứa cháu ngoại. Bà mướn nhà gần chỗ tôi ở, bà hiền lành, ăn chay. Lúc bà bị bệnh, có tiền tôi cũng cho vài trăm, địa phương, mặt trận cũng giúp đỡ. Đứa cháu ngoại chuẩn bị học lớp 6 đi học cũng hay được học bổng”.

Căn trọ nhỏ trên lầu bà Lệ thuê mỗi tháng 1,7 triệu đồng

duy phú

Bà Hồ Thị Sen (tổ trưởng tổ 55, P.Võ Thị Sáu) cho biết, bà Lệ thuộc hộ nghèo. Biết hoàn cảnh của hai bà cháu, hàng xóm, khu phố cũng quan tâm, động viên bà. “Bà lớn tuổi rồi vẫn phải đi buôn bán ai cũng thương, tổ dân phố thường hỗ trợ, có quà gì cũng nhớ đến bà. Bà có đứa cháu gửi cho người quen đưa đi học chứ bà buôn bán không đưa đi được”, bà Sen cho hay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.