Ba “con người” của Dương Thụ

30/07/2012 08:00 GMT+7

Tiếng gió xào xạc trong tán lá trên mái nhà, tiếng quẫy nước của những chú cá đủ màu dưới hồ, tiếng lách cách chuyền cành của vài chú chim chẳng biết nơi đâu bay đến..., tất cả đều có nơi vườn nhà nhạc sĩ Dương Thụ.

Đến đây, ngắm nhìn từ “kiến trúc” không giống bất kỳ ngôi nhà nào đến từng đồ vật được chọn để bài trí cũng “ngộ” và độc đáo, khiến bất kỳ vị khách nào cũng phải nhíu mày thắc mắc, sẽ cảm nhận được: ở ngôi nhà này, trong nơi chốn riêng này, tất cả những gì chạm vào đều có dấu ấn riêng của “gia chủ”. “Nhà tôi tự thiết kế, nên không giống ai là đương nhiên. Dù đó không phải nghề của mình, nhưng tôi thích tự tổ chức cuộc sống cho mình”, ông giải thích.

Một nhạc sĩ nổi tiếng, được biết đến và ngưỡng mộ với nhiều ca khúc có giá trị nghệ thuật lẫn sống lâu trong thị trường âm nhạc, trong trái tim người mộ điệu như thế, lại “sợ”... những cuộc gặp gỡ. Ông né tránh lẫn trốn tránh, “tìm mọi cách để giảm thiểu sự xuất hiện của mình”, bởi vì “cảm nhận được những cái mình làm ra có quyền lực mà người khác đôi khi khó chịu”, nhạc sĩ chia sẻ.

 

Những người sáng tạo có đặc điểm dễ thấy: họ rất tập trung vào công việc của mình. Và vì họ chỉ tập trung một thứ, nên khi ra ngoài, họ rất... ngây thơ, thậm chí “ngố” với những thứ xung quanh, và dễ phạm những sai lầm đáng tiếc, dễ bị thua thiệt

Theo Dương Thụ, tất cả những người sáng tạo đều có quyền lực riêng, đó là thứ quyền lực tự nhiên, tự thân, “giống như mình viết nhạc, dù không phải ai cũng biết mình, nhưng chỉ cần một vài bài được họ yêu mến, sống lâu trong lòng họ, tự nhiên họ nhớ và nể trọng mình”. Nhưng, cũng chính quyền lực riêng ấy khiến người sáng tạo sống...khó, vì họ dễ bị đố kỵ. Nhạc sĩ chia sẻ, những người sáng tạo có đặc điểm dễ thấy: họ rất tập trung vào công việc của mình. Và vì họ chỉ tập trung một thứ, nên khi ra ngoài, họ rất... ngây thơ, thậm chí “ngố” với những thứ xung quanh, và dễ phạm những sai lầm đáng tiếc, dễ bị thua thiệt. “Ngay cả trong hành xử với gia đình, bạn bè..., đôi khi họ cũng không hiểu. Nếu mình khiêm tốn, thì có người cho rằng mình kiêu căng, nhưng thật sự là vì mình không biết cách”, nhạc sĩ nói đó cũng là lý do khiến không ít người không hiểu, bảo “sao Dương Thụ khó tính, không gần được”.

Trong âm nhạc, nhạc sĩ có thể “băng băng”, nhưng trong cuộc sống, lại nhút nhát và sợ. “Tôi gần như chỉ làm việc với nhạc sĩ, ca sĩ, không tiếp xúc nhiều, vì “tôi biết mình không đủ khả năng để giao tiếp, nên có thể bị “phô”, làm người khác khó chịu, mà cũng làm mình tổn thương”. 

Song, nhạc sĩ cho rằng, “nỗi sợ” ấy cũng là lợi thế, là lý do khiến những người sáng tạo thích làm việc nhiều. “Nhiều lúc tôi cũng muốn gặp bạn bè cà phê, trà rượu, nhưng vì sợ nên thôi..., ở nhà, chính vì thế lại có thời gian tập trung vào công việc mình hơn. Bây giờ tôi hiểu được như thế, là sự cô độc tự nhiên; chứ thời trẻ, tôi thấy tủi thân lắm, sao nhiều người không chơi với mình, đi đến đâu cũng thấy lạc lõng. Giờ thì tôi rất tự tin, khi ý thức được mình không nên giao tiếp (cười)”.

Nếu trước đây, Dương Thụ chỉ tập trung cho “con người sáng tác” - làm nghệ thuật, thì giờ đây ông còn là “con người của gia đình”, “đâu thể chỉ viết nhạc, mà phải lo cho cuộc sống gia đình, phải kiếm tiền bằng nghề của mình...” và sự tập trung bị chi phối. Nhưng gần đây, bạn bè lại thấy một con người khác trong Dương Thụ trỗi dậy, đó là “con người xã hội”. Tất nhiên, “con người sáng tác vẫn là con người cơ bản nhất, khống chế những con người khác”, ông nói.

Người ta thấy Dương Thụ mở Cà phê thứ bảy, tổ chức hàng trăm cuộc hội thảo ở các lĩnh vực sáng tạo với những diễn giả nổi tiếng chia sẻ tri thức với giới thanh niên; thấy ông chỉ đạo nghệ thuật cho hòa nhạc Điều còn mãi - chương trình tôn vinh những ca khúc, tác phẩm khí nhạc kinh điển VN... Để thực hiện những hoạt động mang ý nghĩa xã hội ấy, ông không chỉ đủ nhạy cảm trước các vấn đề của văn hóa, mà còn đủ nhân cách và tri thức, đủ sự quen thân và trong sạch để những diễn giả/nghệ sĩ hiểu được ý nghĩa của những hành động sẻ chia tri thức, văn hóa mà họ tham gia cùng cộng đồng. Và dễ hiểu, những điều có được ấy, chính là hệ quả tự nhiên từ quyền lực của một người sáng tạo mang lại...

 Cà phê Trung Nguyên
Sáng tạo vì khát vọng Việt - Cà phê Trung Nguyên

Chuyên mục “Sáng tạo vì Khát vọng Việt” giới thiệu những chân dung Việt Nam, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước… Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên Việt Nam, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới, dấn thân và sáng tạo vì một nước Việt hùng mạnh.

Nguyên Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.