'ATM gạo' giúp người nghèo Sài Gòn trong dịch Covid-19: Mong mạnh thường quân tiếp sức

07/04/2020 20:01 GMT+7

Nhận thấy cách phát gạo từ thiện truyền thống có nhiều bất cập, anh Tuấn cùng cộng sự sáng tạo mô hình 'ATM gạo' 24/24 giúp người nghèo ở Sài Gòn no bụng, ấm lòng trong mùa dịch Covid-19 .

Phát gạo thời 4.0

'ATM gạo' được đặt tại địa chỉ 204B Vườn Lài, Q.Tân Phú (TP.HCM) do công ty PHGLock sáng chế.

Máy ATM phát gạo tự động hỗ trợ người nghèo những ngày dịch bệnh

Trao đổi với PV Thanh Niên, anh Hoàng Tuấn Anh (35 tuổi, giám đốc công ty) cho biết: “Tôi thấy mô hình phát gạo theo kiểu cũ có nhiều bất cập. Công ty tôi lại chuyên về mảng tòa nhà thông minh và khóa điện tử. Thiết bị trong máy phát gạo tự động là một trong số sản phẩm của công ty đang phát triển. Chủ nhật tuần trước, tôi giao cho anh, em kỹ thuật trong vòng 8 tiếng hoàn thành máy phát gạo tự động này vì tình hình rất cấp bách”.

'ATM gạo' sẽ cho mỗi người được nhận được 1,5kg

Ảnh: Trịnh Thanh

Thiết bị chính của 'AMT gạo' là chuông thông minh và van tự động. Khi có người đến nhận, ấn nút thì cảm biến chuyển động kích hoạt hệ thống trên điện thoại và gạo sẽ chạy ra từ bồn chứa phía trên.
Hiện tại, anh Tuấn Anh sắp xếp 3 nhân viên điều kiển máy chia làm 3 ca. Nhờ ứng dụng kỹ thuật hiện đại, nhân viên của anh có thể làm việc ở bất kỳ đâu.
Mô hình điểm phát gạo tự động chính thức hoạt động từ ngày 6.4. Ngày đầu tiên, nơi đây phát đi hơn 1 tấn gạo. Số lượng gạo đã tăng trong ngày hoạt động thứ hai.
“Từ sáng đến giờ phát hơn 1 tấn, vậy là hơn 500 người đã nhận được gạo. Ban đầu, tôi dự trù phát 500 kg/ngày thôi vì công ty cũng trong giai đoạn khó khăn, phải lo tiền lương cho anh, em nhân viên trước. Nhưng, hiện tại số lượng gạo phát đã lên tới 4-5 tấn, tôi đang sử dụng số lượng gạo của 5-10 ngày sắp tới. May mắn, sáng giờ đã có mạnh thường quân hỗ trợ được hơn 1 tấn”, anh Tuấn Anh chia sẻ.

Người dân xếp hàng ngay ngắn, không chen lấn, xô đẩy

Ảnh: Trịnh Thanh

Người dân vui vẻ khi nhận được gạo

Ảnh: Trịnh Thanh

Máy phát gạo tự động đã giải quyết những hạn chế mà cách phát kiểu cũ vướng phải. Người dân không tụ tập đông đúc, chen lấn, xô đẩy, giành nhau. Người đến nhận xếp hàng cách nhau 2m, rửa tay, lấy bịch, nhấn nút và hứng gạo. Quy trình diễn ra chưa đến 5 phút.
Mỗi người được nhận 1,5 kg và lấy không quá 2 lần/ngày. Chủ cây 'ATM gạo' cho biết: “Nếu người đến lấy mà trông ăn mặc chỉnh chu, sang trọng thì sẽ hỏi lại vì sao người đó khó khăn. Có nhiều người không phải họ nghèo từ trước mà vì đột nhiên thất nghiệp nên không có tiền trang trải cuộc sống. Mình nên giúp đỡ họ”.
Bà Nguyễn Thị Tố (70 tuổi, vừa nhận phần gạo) chia sẻ: “Tôi đi ngang thấy có biển phát gạo nên ghé vào lấy. Cái này tôi chưa có thấy lần nào hết á, đây là lần đầu tiên”.

Ấm lòng những phận đời cơ cực

Ông Hà Thanh Giang (66 tuổi) làm nghề chạy xe ôm. Hôm nay, ông tranh thủ đi lấy hàng cho khách ngang qua thấy có cho gạo nên ghé lấy.
“Mọi ngày chạy kiếm 200.000 - 300.000 đồng mà đợt này ngày 100.000 đồng cũng khó. Gia đình 4, 5 miệng ăn được bịch gạo cũng đủ cho 2 ngày. Tôi thấy làm như thế này rất là nhân văn, mong mọi người có thể giúp đỡ nhiều hơn những người khó khăn hơn tôi”, ông Giang bày tỏ.
Là lao động chính trong nhà, bà Lâm Ngọc (67 tuổi) rầu rĩ khi nói đến những ngày vừa qua. Bà làm công việc vệ sinh tại văn phòng, một tuần 2 buổi, mỗi tháng kiếm được 1 triệu đồng. Thời gian còn lại, bà đi phụ quán nhậu mà quán đã đóng cửa từ ngày 25.3 tới giờ.

Chỉ cần ấn nút, gạo tự động chảy ra

Ảnh: Nguyễn Anh

Hiện giờ gia đình bà Lâm Ngọc khó khăn, phải đi xin gạo. Bà mong muốn dịch nhanh qua đi, có việc làm bà sẽ có tiền lo cho gia đình

Ảnh: Trịnh Thanh

Được biết, mỗi cân gạo có giá hơn 12.000 đồng nhưng được chủ vựa hỗ trợ anh Tuấn Anh nhập về với giá 11.000 đồng

Ảnh: Trịnh Thanh

“Chủ quán cho tôi ứng 1 triệu thôi mà từ bữa tới nay rồi. Tháng này tôi không có tiền đóng tiền điện cho nhà nước. Nếu có công việc thì tôi lo được sinh hoạt mỗi ngày. Nhà tôi 6 người, thu nhập thấp lắm. Con trai bán thơm ở chợ cũng ế ẩm. Người ta cho bao nhiêu, mình hưởng bấy nhiêu. Cuộc sống giờ ai cũng khó khăn”, bà Ngọc ngậm ngùi chia sẻ khi đến lấy gạo. 
Bà Nguyễn Thị Tuyết (68 tuổi) quê miền Bắc vào Nam đã mấy chục năm. Ngày thường, bà đi bán vé số dạo, kiếm tiền nuôi đứa con sắp vào đại học. Nói về cuộc sống sau ngày dừng bán vé, bà ngậm ngùi: “Tôi ở chợ Tân Thành. Hồi trước, đi bán vé số ngày được 100 - 200 tờ. Giờ ở nhà có tiền cũ thì ăn, không có nhịn".
"Nhà có hai mẹ con thôi. Năm nay nó sắp vô đại học mà ngay năm cuối lại bị thế này. Giờ nó cũng nghỉ ở nhà, hai mẹ con có gì ăn nấy. Gạo này thì về nấu cơm không thì nấu cháo. Tôi thấy làm này tốt quá, một gói khi đói bằng một gói khi no”, bà Tuyết xúc động.

Anh Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc công ty PHGLock

Ảnh: Trịnh Thanh

Hướng dẫn nhận gạo được viết trên bảng và phát trên loa vì có nhiều người không biết chữ

Ảnh: Trịnh Thanh

Mục tiêu của anh Tuấn Anh và cộng sự là xây dựng hệ thống 100 điểm phát gạo tự động trên khắp thành phố. Người nghèo, người khó khăn ở bất kỳ quận, huyện nào cũng dễ dàng đến nhận. Thêm nữa, anh mong muốn việc phát gạo có thể kéo dài từ 1-2 tháng sau khi dịch bệnh kết thúc vì người lao động nghèo cần có thời gian tìm việc và ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, số lượng gạo tại điểm phát đầu tiên vẫn chưa đủ. Mỗi điểm phát gạo cần duy trì số lượng từ 4-5 tấn gạo/ngày để cung cấp cho người dân. Do vậy, anh Tuấn Anh rất mong muốn mạnh thường quân góp sức, chung lòng để hỗ trợ bà con qua cơn khó khăn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.