ASEAN hợp tác phòng chống thiên tai xuyên biên giới

Lã Nghĩa Hiếu
Lã Nghĩa Hiếu
12/10/2023 18:02 GMT+7

Các nhà lãnh đạo của ASEAN và các quốc gia Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đã bàn bạc nhiều nhiệm vụ quan trọng hợp tác ứng phó rủi ro thiên tai xuyên biên giới.

Ngày 12.10, tại TP.Hạ Long (Quảng Ninh), Hội nghị Bộ trưởng các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về Quản lý Thiên tai lần thứ 11 đã chính thức diễn ra.

ASEAN hợp tác phòng chống thiên tai xuyên biên giới  - Ảnh 1.

8 bộ trưởng, 4 thứ trưởng tham dự hội nghị

L.N.H

Dự hội nghị có 5 bộ trưởng, 8 thứ trưởng và hơn 150 đại biểu quốc tế là lãnh đạo, cán bộ các cơ quan phòng, chống thiên tai của 10 nước thành viên ASEAN, Ban Thư ký ASEAN, Trung tâm Điều phối khu vực ASEAN về hỗ trợ nhân đạo thiên tai, các đối tác phát triển của ASEAN (gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) và một số tổ chức quốc tế trong khu vực Timor Leste tham dự hội nghị với vai trò quan sát viên.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết Khu vực ASEAN là một trong những khu vực năng động, phát triển trên thế giới, nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức do biến đổi khí hậu, thiên tai.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, nhiều năm qua, những thảm họa sóng thần, siêu bão, lũ lụt lịch sử, động đất nghiêm trọng, lấy đi sinh mạng của nhiều người dân các quốc gia ASEAN, làm mất đi thành quả phấn đấu không biết mệt mỏi và kéo chậm sự phát triển của rất nhiều nơi.

Nhận thức rõ sự nghiêm trọng của những thách thức này, các quốc gia ASEAN cùng nhau gây dựng và triển khai những cơ chế hợp tác với những định hướng tầm nhìn được củng cố, phát triển qua từng giai đoạn. Theo đó, tăng cường chia sẻ thông tin, thiết lập những kênh kết nối ở các cấp; có chương trình hợp tác về đào tạo, phổ biến những hướng tiếp cận tiên tiến.

Đồng thời, cam kết, ký kết các hiệp định để cùng nhau ứng phó tốt hơn với thiên tai thông qua các cơ chế hỗ trợ chặt chẽ, hiệu quả như: Trung tâm Điều phối ASEAN về Hỗ trợ Nhân đạo Quản lý Thiên tai; Chương trình tổng thể công tác về triển khai Hiệp định ASEAN về Quản lý Thảm họa và Ứng phó Khẩn cấp (AADMER) cho từng giai đoạn, cơ chế hợp tác với các đối tác lớn, quan trọng hướng tới "Một ASEAN, Một Ứng phó;" Quỹ ADDMER.

Giai đoạn hiện nay, các quốc gia ASEAN không chỉ tiếp tục kế thừa mà còn có bước tiến mới: "Từ ứng phó đến hành động sớm và tăng cường chống chịu: ASEAN hướng tới lãnh đạo toàn cầu trong quản lý thiên tai"

"Với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã và sẽ tiếp tục cam kết nỗ lực hết mình, tham gia tích cực hơn nữa cùng các quốc gia ASEAN xây dựng và triển khai có hiệu quả các cơ chế hợp tác chung về quản lý thiên tai của các nước ASEAN", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Nhiều tổ chức quốc tế hỗ trợ nguồn lực

Điểm nhấn tại hội nghị, nhiều tổ chức quốc tế như ADB, UNDP, OCHA... cam kết đồng hành cùng ASEAN trong hoạt động hỗ trợ kỹ thuật và tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan.

ASEAN hợp tác phòng chống thiên tai xuyên biên giới  - Ảnh 2.

Quang cảnh hội nghị

L.N.H

Ông Steven Goldfinch, chuyên gia quản lý rủi ro thiên tai của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cho rằng phải cung cấp một nền tảng hỗ trợ kỹ thuật đầy đủ, mới đủ sức giúp ASEAN tăng cường khả năng chống chịu với thiên tai xuyên biên giới.

Nền tảng kỹ thuật, theo ông Goldfinch, dựa trên 3 trụ cột. Đó là, tăng cường hợp tác khu vực về hiểu biết các rủi ro xuyên biên giới; giới thiệu công nghệ cấp cao phục vụ hợp tác khu vực về rủi ro xuyên biên giới; hợp tác liên vùng thông qua nâng cao năng lực và trao đổi kiến thức.

Về hợp phần tăng cường hợp tác, chuyên gia ADB chỉ ra rằng nguy cơ bão nhiệt đới xuyên biên giới dự kiến tăng trong tương lai. Tuy nhiên, mức độ rủi ro gia tăng không đồng đều, trong đó Philippines chịu thiệt hại tổng thể cao nhất, còn Việt Nam và Campuchia có mức độ rủi ro gia tăng đáng kể nhất.

Ông Steven Goldfinch thông tin, vừa qua ADB đã tài trợ 1,3 triệu USD để thúc đẩy quản lý rủi ro thiên tai cho ASEAN, thông qua các hỗ trợ kỹ thuật. Trên cơ sở đó, ADB phối hợp triển khai hệ thống ADINet 3.0, với các chức năng lưu trữ cơ sở dữ liệu thảm họa, kho tài liệu với chức năng tìm kiếm, cảnh báo, nguồn cấp dữ liệu RSS và tích hợp truyền thông xã hội. Dự kiến trong tháng 10 này, ADB sẽ hoàn thiện hệ thống này và hướng dẫn cho các tổ chức liên quan trong ASEAN. Các hoạt động đào tạo, tập huấn về ADINet 3.0 sẽ được triển khai trong tháng 11 tới đây.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.