ASEAN định vị mình trong thế giới hậu Covid-19

Vũ Hân
Vũ Hân
13/11/2020 06:42 GMT+7

Ngày 12.11, Hội nghị cấp cao ASEAN 37 qua hình thức trực tuyến đã chính thức khai mạc tại Hà Nội dưới sự dẫn dắt của Việt Nam, Chủ tịch ASEAN 2020.

Đây là sự kiện lớn nhất trong năm của ASEAN, không chỉ là bàn chuyện nội khối, mà còn họp bàn với các đối tác lớn trên thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ, Úc… Hội nghị đã tập trung vào thảo luận những nội dung chính, gồm: đối phó với Covid-19, phục hồi kinh tế, xây dựng lòng tin để giải quyết tranh chấp, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Xung đột, khác biệt cần được hóa giải bằng lòng tin

Với ý nghĩa đặc biệt này, hội nghị đã có sự tham dự của 3 vị lãnh đạo đứng đầu Đảng, Nhà nước Việt Nam là Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và rất đông các vị lãnh đạo trong nước, quốc tế.

Chỉ có thông qua hợp tác, tin cậy và chung sức, đồng lòng, ASEAN và thế giới mới có thể cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, duy trì hòa bình, ổn định và phát triền bền vững

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng
Khai mạc hội nghị, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bày tỏ vinh hạnh được phát biểu tại hội nghị quan trọng nhất trong năm của ASEAN. Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước, mỗi lần tham dự hoạt động của ASEAN đều để lại trong ông những tình cảm ấm áp về tình đoàn kết, gắn bó như những người anh em trong một đại gia đình. Năm qua, tình cảm ấy càng được nhân lên, khi ASEAN cùng chung tay gắn kết và chủ động thích ứng trước những thử thách, khó khăn cả thế giới đang phải đối mặt. “Hơn bao giờ hết, các quốc gia, các dân tộc trên thế giới cần hòa bình, ổn định hợp tác và phát triển; người dân cần được quan tâm, bảo vệ và sẻ chia để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Điều này chỉ có thể có được nếu các xung đột, cọ xát về lợi ích, khác biệt trong tư duy và cách tiếp cận được hóa giải bằng lòng tin, tinh thần xây dựng và thiện chí của các bên”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước kêu gọi.
Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước, trên nền bức tranh nhiều gam màu của thế giới, những điểm sáng về hợp tác trong việc đối phó với các thách thức đang được ghi nhận ở châu Á - Thái Bình Dương, với vai trò tiên phong, nòng cốt của ASEAN. Tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng của ASEAN được thể hiện mạnh mẽ trong phòng ngừa, kiểm soát Covid-19, cũng như khắc phục hậu quả dịch bệnh, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, đẩy mạnh phục hồi kinh tế. Trong khi một số thể chế đa phương đang gặp nhiều khó khăn thách thức, ASEAN đã thành công trong việc duy trì ổn định các hoạt động, giữ vững vai trò, vị thế của mình.

Các nước ASEAN cần thể hiện bản lĩnh

Tuy vậy, Tổng bí thư, Chủ tịch nước lưu ý, con đường trước mắt còn không ít trở ngại. Người dân ASEAN đang trông đợi ở lãnh đạo các quốc gia kiểm soát tốt các làn sóng lây nhiễm mới, vực dậy nền kinh tế, hỗ trợ ổn định cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội. Không chỉ vậy, định vị chỗ đứng phù hợp cho ASEAN trong thế giới thời kỳ hậu Covid-19 là một vấn đề lớn. “Mong muốn và ý chí mạnh mẽ giữ gìn một khu vực hòa bình, ổn định, đoàn kết và thống nhất trên cơ sở luật pháp quốc tế, đã và cần tiếp tục trở thành giá trị cốt lõi của Đông Nam Á và Cộng đồng ASEAN. Trong bối cảnh mới, các nước ASEAN cần thể hiện bản lĩnh, tích cực phối hợp để hiện thực hóa những sáng kiến và kế hoạch phục hồi, với những phương thức hoạt động và hợp tác mới, thực chất và hiệu quả hơn”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Bà Caitlin Wiessen, Giám đốc UNDP tại Việt Nam: Việt Nam thực sự có rất nhiều điều để tự hào

Theo quan sát của tôi, HNCC ASEAN 37 và các HNCC liên quan lần này đã và đang được tổ chức rất tốt. Những chủ đề mà Việt Nam và ASEAN hướng tới trong khuôn khổ kỳ hội nghị cũng là những điển hình cho những nỗ lực mà chúng ta hướng đến để tiếp tục phát triển bền vững, đó là hợp tác ứng phó với dịch bệnh Covid-19; vai trò lãnh đạo của phụ nữ; kết nối các quốc gia, các nền kinh tế trong khu vực, để có thể hợp tác, cùng hồi phục sau đại dịch. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp tư nhân từ khắp các quốc gia trong khu vực có thể cùng nhau tìm ra phương hướng để đẩy mạnh hợp tác.
Theo tôi, kỳ hội nghị lần này thực sự rất sáng tạo, mang đến tinh thần hợp tác, đoàn kết và cũng đã thể hiện sự giàu có trong bản sắc văn hóa của các nước thành viên ASEAN. Việt Nam đã thực hiện rất tuyệt vời vai trò Chủ tịch ASEAN 2020. Chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng” cho năm ASEAN 2020 của Việt Nam cũng rất phù hợp trong bối cảnh khu vực và thế giới phải đối mặt với đại dịch Covid-19 đầy phức tạp và thách thức. Dường như không có một chủ đề nào có thể phù hợp hơn với ASEAN trong bối cảnh đó. Việt Nam và ASEAN đã làm rất tốt trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19 trên cả lĩnh vực y tế, kinh tế - xã hội. Tôi nghĩ Việt Nam thực sự có rất nhiều điều để tự hào.
ASEAN là một điển hình nổi bật về chủ nghĩa đa phương và là một hình mẫu về hợp tác khu vực trên thế giới. LHQ cũng rất hoan nghênh Việt Nam với tư cách là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an đã nhấn mạnh vai trò của chủ nghĩa đa phương trong khuôn khổ LHQ khi thế giới đang phải đối mặt với những vấn đề và thách thức phức tạp.
Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước, các khuôn khổ đối thoại và hợp tác ở khu vực với ASEAN giữ vai trò trung tâm càng cần được phát huy đầy đủ giá trị. ASEAN có thể đóng góp tích cực, hiệu quả hơn nữa vào nỗ lực thúc đẩy hợp tác đa phương, đề cao luật pháp quốc tế và củng cố hệ thống đa phương quốc tế với LHQ là nòng cốt. “Việt Nam luôn chủ trương giữ vững độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, hợp tác và phát triển. Tinh thần đó đã đưa Việt Nam trưởng thành và lớn mạnh trong suốt 75 năm qua và sẽ tiếp tục là kim chỉ nam cho chính sách đối ngoại của chúng tôi, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang biến chuyển phức tạp và khó lường như hiện nay”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói, đồng thời nhấn mạnh chỉ có thông qua hợp tác, tin cậy và chung sức, đồng lòng, ASEAN và thế giới mới có thể cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, duy trì hòa bình, ổn định và phát triền bền vững.

Đoàn kết ứng phó Covid-19

Chủ trì phiên họp toàn thể Hội nghị cấp cao (HNCC) ASEAN lần thứ 37, với sự tham dự của lãnh đạo các nước ASEAN và Tổng thư ký ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh ý nghĩa đặc biệt của HNCC lần này - diễn ra trong một bối cảnh “vô tiền khoáng hậu”. Thủ tướng đề nghị các lãnh đạo ASEAN đóng góp các ý kiến để gợi mở ra nhiều biện pháp thiết thực để ngày càng phát huy vai trò, vị thế của ASEAN trong khu vực và trên trường quốc tế.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: Thành lập quỹ dự phòng y tế khẩn cấp là sáng kiến tiêu biểu của Việt Nam

HNCC lần thứ 37 sẽ là sự kiện quan trọng nhất trong khuôn khổ năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam. Nhìn lại một năm trên vai trò chủ tịch, tất cả công việc trong năm, Việt Nam đã hoàn thành. Tại HNCC này, dự kiến Việt Nam sẽ trình để ASEAN thảo luận, thông qua trên 10 văn kiện, trong đó có nhiều nội dung là sáng kiến của nước chủ nhà Việt Nam,  như việc tuyên bố thành lập quỹ dự phòng, dự trữ y tế của ASEAN để phục vụ cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Bản chất đây là một quỹ ảo, được thành lập với mục tiêu huy động các nguồn lực tài chính để giải quyết tình trạng thiếu nguồn cung cấp y tế, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển thuốc điều trị và vắc xin phòng chống Covid-19, chuẩn bị cho các biện pháp phản ứng khẩn cấp trong tương lai. Đây là sáng kiến tiêu biểu của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN.
Tại hội nghị, các lãnh đạo ASEAN nhất trí thông qua Đánh giá giữa kỳ triển khai các kế hoạch tổng thể Cộng đồng ASEAN 2025; ra Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn cộng đồng ASEAN sau 2025, tiến hành rà soát triển khai Hiến chương ASEAN.
Trong nỗ lực ứng phó chung với đại dịch Covid-19, các lãnh đạo đã thông qua Khung phục hồi tổng thể của ASEAN cùng kế hoạch triển khai, Tuyên bố ASEAN về Khung thỏa thuận hành lang đi lại ASEAN, Khung chiến lược ASEAN về các tình huống y tế công cộng khẩn cấp.
Các quốc gia ASEAN cũng chính thức công bố lập Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực và thúc đẩy vận hành Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19 để hỗ trợ hiệu quả các nhu cầu chống dịch, nhất trí kế hoạch lập Trung tâm khu vực ASEAN về ứng phó dịch bệnh và các tình huống y tế khẩn cấp. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng công bố Việt Nam sẽ đóng góp 100.000 USD vào Quỹ ứng phó Covid-19 và cam kết đóng góp thiết bị vật tư y tế vào kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực với giá trị 5 triệu USD. Tại phiên toàn thể này, lãnh đạo các nước cũng tái khẳng định yêu cầu tiên quyết cần duy trì đoàn kết, thống nhất, giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN, nâng cao khả năng tự cường, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương.

Mọi quốc gia cần thượng tôn pháp luật

Trao đổi về tình hình Biển Đông, điểm nóng hàng đầu về an ninh trên thế giới, các lãnh đạo nhận định, ASEAN cần tiếp tục các nỗ lực tạo dựng môi trường thuận lợi cho các nỗ lực đối thoại, hợp tác và xây dựng lòng tin, trong đó đảm bảo đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của LHQ về luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định lại quan điểm của Việt Nam, phù hợp với nhận thức chung của ASEAN về nỗ lực, quyết tâm xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và phát triển. Thủ tướng nhấn mạnh mọi quốc gia cần thượng tôn pháp luật, coi UNCLOS 1982 là khuôn khổ cho mọi hoạt động trên biển, tự do hàng hải, hàng không, đẩy mạnh xây dựng lòng tin, kiềm chế, không có hành động làm phức tạp tình hình, không quân sự hóa, giải quyết hòa bình các tranh chấp, khác biệt trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Trên tinh thần đó, việc các bên thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982 có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.