ASEAN cần chiến lược mạnh hơn để duy trì ảnh hưởng trong khu vực

Vũ Hân
Vũ Hân
14/09/2018 04:48 GMT+7

Chiều 13.9, lễ bế mạc Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) đã diễn ra, đánh dấu kết thúc 3 ngày hội nghị sôi nổi với hơn 60 phiên thảo luận.

Phát biểu tại lễ bế mạc, Ủy viên Bộ Chính trị - Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Chỉ có đổi mới sáng tạo với tầm nhìn khác biệt mới đưa các quốc gia, DN tiến lên trong thế giới ngày nay. Do đó, Chính phủ và DN các nước ASEAN cần tiếp tục phát huy nội lực, tạo môi trường thuận lợi cho sáng tạo, cho cái mới nảy nở và lan tỏa, tạo nên động lực tăng trưởng mới.
Người sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab đánh giá trong 27 năm tổ chức diễn đàn khu vực về ASEAN, thì đây là hội nghị thành công nhất. Nội dung của hội nghị phù hợp với các nước ASEAN và VN, các nước đều phải vươn lên trong cách mạng công nghiệp 4.0. Thêm vào đó, khu vực Đông Nam Á cũng đang trong quá trình xây dựng cộng đồng đoàn kết, gắn kết, phát triển thịnh vượng, bền vững. Ngoài việc thu hút được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng DN, 9 lãnh đạo cao nhất của khu vực Đông Nam Á và ngoài khu vực đã tham dự. Đặc biệt, đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử WEF, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và tất cả các thành viên Chính phủ đã tham dự lễ khai mạc; Thủ tướng, các phó thủ tướng và 7 bộ trưởng đã tham gia các phiên thảo luận khác nhau, chia sẻ kinh nghiệm với các nước về sự tự cường trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Trong khuôn khổ WEF ASEAN, sáng 13.9, phiên thảo luận về Triển vọng địa chính trị châu Á đã diễn ra với sự tham dự của Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe; Ủy viên Bộ Chính trị - Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao VN Phạm Bình Minh; Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kang Kyung-wha; Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono và TS Lynn Kuok - đại diện Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) - Singapore.
Nhận xét tình hình địa chính trị châu Á trong năm qua cũng có những cải thiện nhất định, nhưng các diễn giả cũng cho rằng vẫn còn những xu hướng bất ổn của địa chính trị khu vực, như: cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân tộc; chiến tranh thương mại cùng những tranh chấp chủ quyền đang tạo ra những rủi ro lớn đối với hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực. Trong bối cảnh này, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cho rằng: “Trong nỗ lực thiết lập một trật tự thế giới dựa trên luật lệ, bất cứ một sự thách thức, thay đổi đơn phương nào với trật tự này cần được cộng đồng quốc tế có tiếng nói phản đối”.
Bày tỏ lo ngại về chính trị cường quyền, chủ nghĩa dân tộc, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng các nước dù lớn hay nhỏ cũng sẽ phải đương đầu với thách thức này. Khu vực cũng đang phải đối mặt với các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống như: tranh chấp biển, biến đổi khí hậu và các thách thức mới như an ninh mạng đang nổi lên. Trả lời câu hỏi về các sáng kiến địa chiến lược khu vực như Vành đai - con đường, Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương…, Phó thủ tướng cho rằng VN ủng hộ các sáng kiến nếu bảo đảm dựa trên luật lệ, tôn trọng luật pháp quốc tế và quyền tự quyết của các quốc gia. ASEAN cần tiếp tục phát huy vai trò trung tâm trong nỗ lực xây dựng cấu trúc khu vực vì hòa bình, hợp tác và phát triển.
Bà Lynn Kuok bày tỏ lo ngại về những vấn đề ở Biển Đông khi Trung Quốc đang muốn có sự chi phối với tình hình cũng như nguồn lực trong khu vực. Bà Kuok cũng cho rằng ASEAN sẽ cần đưa ra chiến lược mạnh hơn để duy trì vai trò, ảnh hưởng của mình.
Tại phiên thảo luận về Tương lai việc làm ASEAN sáng 13.9 với sự tham gia của các diễn giả là đại diện một số tập đoàn lớn trong khu vực, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang lại rất nhiều nghề mới, nhưng cũng rất nhiều nghề sẽ bị thay thế, trong đó đặc biệt những nghề VN có tỷ trọng lao động lớn như dệt may, da giày, xây dựng, ngành điện tử, nghề thư ký... “Hiện chúng tôi đang đẩy mạnh cải cách giáo dục. Phải làm cho các em học sinh biết được thế giới tương lai là khó đoán định ngay từ nhỏ. Phải đổi mới mạnh mẽ việc học từ bé tới già”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Cũng theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, năm tới đây, VN sẽ ban hành chương trình sách giáo khoa mới cho trẻ em cấp 1, “khuyến khích sáng tạo, nhiều STEM (Science - khoa học, Technology - công nghệ, Engineering - kỹ thuật và Maths - toán học) hơn, tôn trọng truyền thống nhưng phải dám nghĩ khác, dám đặt câu hỏi cho giáo viên”. “Với người già và mọi người dân, chúng tôi đang có một chương trình xây dựng môi trường tri thức Việt số hóa, biên tập lại thành câu hỏi và câu trả lời đơn giản cho mọi lứa tuổi. Chúng tôi cố gắng tạo một kho dữ liệu và khuyến khích các startup “đào” kho dữ liệu đó để tạo ra các ứng dụng thông minh cho mọi người. Đó là sự nghiệp của các bạn startup nhưng là cơ hội học tập cho tất cả mọi người. Tới đây, chúng tôi sẽ mở rộng diện bao phủ của smartphone để mọi người không cần đến trường vẫn có thể học được”, Phó thủ tướng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.