Apple sẽ bỏ cơ chế ‘tự hủy’ Face ID sau khi thay màn hình iPhone 13?

Hiển Đạt
Hiển Đạt
18/11/2021 15:13 GMT+7

Sau khi nhận nhiều chỉ trích, Apple đã cam kết loại bỏ cơ chế ‘chống’ các đơn vị sửa chữa độc lập thay thế màn hình iPhone 13 và dường như điều này sẽ được thực hiện qua bản cập nhật phần mềm iOS 15.2.

Ngay sau khi Apple chính thức đưa dòng iPhone 13 lên kệ, nhiều chuyên gia nhanh chóng "mổ xẻ" các thiết bị iPhone mới này và phát hiện Face ID sẽ không hoạt động ngay sau khi thay thế màn hình, dù đó là màn hình được ‘'bóc'’ từ một thiết bị cùng loại khác. Tuy nhiên, sau khi đưa màn hình cũ về thì tính năng Face ID lại hoạt động như chưa từng có chuyện gì xảy ra.

iFixit, trang web chuyên ‘'mổ xẻ’' các thiết bị công nghệ và hướng dẫn tự sửa chữa chúng tại nhà, lý giải rằng Apple đã đặt một con chip điều khiển siêu nhỏ (microcontroller) vào dưới màn hình với chức năng '‘đối chứng’'. Cụ thể, con chip điều khiển này là một bộ mạch tích hợp (các linh kiện điện tử được “ép” trong một khối duy nhất), hoạt động theo nguyên lý '‘tuần tự hóa'’ (serialization) và một khi màn hình bị thay thế thì chip điều khiển này sẽ không cho phép Face ID hoạt động.

Nếu thay thế màn hình iPhone 13, Face ID sẽ báo lỗi và không hoạt động nữa

IFIXIT

Có thể can thiệp, nhưng không dễ dàng và đầy rủi ro

Đối với các đơn vị sửa chữa đã tham gia vào hệ thống sửa chữa ủy quyền (IRP) của Apple, kỹ thuật viên sẽ được ủy quyền sử dụng bộ phần mềm chỉnh sửa độc quyền của Apple (hiện tại là Apple Services Toolkit 2) và cập nhật trực tiếp thông số vào cơ sở dữ liệu của hãng. Trong khi đó, các cửa hàng độc lập không đăng ký sẽ phải thực hiện một “mẹo” không mấy dễ dàng, đòi hỏi kinh nghiệm, chuyên môn kỹ thuật dày dặn và đối diện với rủi ro rất cao.

Cụ thể, các bước thực hiện bao gồm nhấc con chip điều khiển ở màn hình gốc bằng cách khò nhiệt, sau đó hàn lại vào màn hình thay thế. Quá trình này đòi hỏi sự khéo léo tột độ, bởi một sơ suất nhỏ thôi thì các tác động sử dụng nhiệt này cũng có thể ảnh hưởng đến độ bền của màn hình, tệ hơn là hỏng luôn tấm màn OLED - vốn có giá thành không hề rẻ chút nào.

Quá trình '’tráo'’ chip điều khiển có thể gây hại cho màn hình OLED

IFIXIT

Apple sẽ khắc phục qua bản cập nhật iOS 15.2?

Theo The Verge, Apple tiết lộ rằng họ sẽ nới lỏng hạn chế hoạt động sửa chữa màn hình iPhone 13 đối với các bên sửa chữa độc lập bằng một bản cập nhật phầm mềm. Tuy nhiên, đại diện của Apple không hề đưa ra mốc thời gian cụ thể nào, nhưng có vẻ như ngày đó không còn xa nữa.

Cụ thể, iCorrect, một đơn vị sửa chữa độc lập ở Anh, đã tiến hành thay thế màn hình trên một chiếc iPhone 13 chạy iOS 15.2 beta và kết quả cho thấy rằng Face ID vẫn hoạt động bình thường. Tuy vậy, máy sẽ luôn hiện “cảnh báo” rằng hệ thống “không thể kiểm tra màn hình iPhone có phải là chính hãng Apple hay không” ở trên cùng ứng dụng Cài đặt và ở dạng pop-up mỗi lần khởi động lại thiết bị. Thông báo tương tự này đã xảy ra với việc thay pin iPhone từ dòng iPhone 11 (năm 2019).

Apple vẫn chưa chính thức xác nhận cơ chế nói trên sẽ bị dỡ bỏ trong bản cập nhật iOS 15.2, thế nhưng phát hiện của iCorrect đã phần nào xác nhận điều này. Hiện tại, iOS 15.2 đã đi đến bản beta thứ ba và được dự đoán là sẽ chính thức phát hành trong cuối tháng 11.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.