Apple 'chiến' Epic Games: Thay đổi tương lai ứng dụng trên iPhone

05/10/2020 15:02 GMT+7

Apple và Epic Games sẽ có cuộc hầu tòa trực tuyến do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 mà đáng lẽ ra đôi bên phải có mặt tại phòng xử án ở Oakland (bang California, Mỹ).

Kiện nhau dù từng là “chiến hữu”

Epic Games (EG) cho rằng chính sách hà khắc của Apple trên App Store là hành vi phi cạnh tranh và yêu cầu tòa án buộc "táo khuyết" phải cấp phép cho các kho ứng dụng thay thế, đồng thời mở thêm phương án xử lý thanh toán trên điện thoại. “Apple ngày càng lớn mạnh, bảo thủ hơn, ác độc hơn cả những tập đoàn độc quyền trong lịch sử. Quy mô và tầm ảnh hưởng của công ty này vượt qua bất kỳ doanh nghiệp độc quyền công nghiệp nào từng xuất hiện”, Epic ghi trong hồ sơ kiện.
Đáp lại, Apple cho rằng vụ kiện của Epic thực chất chỉ là sự bất đồng liên quan tới tiền bạc. “Dù Epic tự phác họa mình như Robin Hood nghĩa hiệp thời hiện đại, thực tế công ty tỉ đô này chỉ muốn không phải trả gì cho giá trị khổng lồ mà hãng thu được từ App Store”, Apple phản pháo.
Trong quá khứ, Apple và Epic Games từng là bạn bè với mối quan hệ hợp tác thân thiết. Một thập kỷ trước, Apple đã mời công ty phần mềm này xuất hiện trên sân khấu sự kiện của mình để trình diễn về Project Sword, một tựa game nổi tiếng sau này được biết đến dưới cái tên Infinity Blade, ra đời nhằm phô diễn cách sử dụng công cụ Unreal Engine của Epic để tạo ra trò chơi với đồ họa đẹp và phức tạp.
Apple cũng mời Epic Games trở lại sân khấu sự kiện năm 2011 cùng phần 2 của Infinity Blade cũng như phần 3 vào năm 2013. Mỗi phần của trò chơi đều đạt thành công nhất định và được đón nhận nồng nhiệt.
“Trong số nhiều nghìn game xuất hiện trên iOS trong những năm qua, Infinity Blade và Infinity Blade II là hai trong số rất ít trò mang khát khao trở nên vĩ đại hơn là tựa game di động đơn thuần”, phóng viên Mark Walton của trang GameSpot đánh giá về hai sản phẩm này trong bài báo năm 2013.

Nước cờ riêng của Epic Games

Khi Epic lớn mạnh thành công ty tỉ đô, hãng bắt đầu sử dụng quy mô của mình để thúc đẩy những thay đổi trong ngành game. Năm 2015, EG cung cấp miễn phí công cụ thiết kế Unreal Engine, chỉ thu 5% phí nhượng quyền định kỳ tính trên tựa game bán được. Năm nay, hãng dự tính chỉ tính phí này khi nhà phát triển chạm mốc doanh thu 1 triệu USD đầu tiên.
“Họ muốn trở thành công ty trao quyền cho các nhà sáng tạo”, Ben Wiley - Giám đốc chương trình sản xuất game tại Đại học Champlain (Vermont, Mỹ) nhận xét.
Động thái gây tranh cãi nhất của Epic diễn ra vào năm 2018 khi công ty mở Cửa hàng Epic Games (online) cho PC, đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Valve Steam - tên tuổi hàng đầu trong ngành. Dù không có mạng xã hội, bình luận đánh giá và các tính năng khác như Valve, cửa hàng Epic vẫn thành công vì chỉ thu 12% hoa hồng từ các nhà phát triển trò chơi, ít hơn một nửa so với tiêu chuẩn ngành là 30%.
Để thu hút thêm nhà phát triển, EG bắt đầu trả tiền và đảm bảo cho các tựa game độc quyền bằng cách “khóa” game vào gian Epic Games Store để người dùng chỉ có thể tải về được từ đây (thường trong khoảng 1 năm). Một số tựa game độc quyền như vậy đang rất hút khách trên EG Store như Borderlands 3 của Gearbox Software, Metro: Exodus của Deep Silver hay Shenmu 3…
Trong email trao đổi giữa hai công ty trước khi vụ kiện được đem ra tòa, CEO Tim Sweeney của Epic Games đã đề xuất Apple cho phép họ được tạo kho ứng dụng riêng cho các thiết bị di động, đồng thời cấp phép sử dụng dịch vụ xử lý giao dịch riêng. Tất nhiên, Apple đã từ chối.
Giờ đây, cuộc chiến không chỉ diễn ra ở phòng xử án. EG đang có chiến dịch truyền thông nhằm mang vấn đề tới nhiều người biết hơn. Cùng ngày khi Fortnite bị xóa khỏi App Store, EG tung lên mạng video nhái lại quảng cáo nổi tiếng của Apple năm 1984. Trong đó, Apple đóng vai nhân vật thực hiện cách mạng, chống lại nhân vật Big Brother (Lão đại) kiểu lãnh chúa theo chủ nghĩa tuân thủ.
Còn trong video của EG, Apple sắm vai Lão đại. Đương nhiên kẻ thách thức và tiêu diệt Lão đại không ai khác là một nhân vật trong Fortnite. Chỉ trong tháng đầu ra mắt, video đã có hơn 6 triệu lượt xem. Để trả đũa, Apple chặn Fortnite khỏi hàng tỉ thiết bị của hãng.
Apple lý giải khoản hoa hồng mà hãng thu là để trả cho chi phí công cụ, nhân sự cũng như tiền thiết bị để giữ App Store hoạt động. Dù vậy, lập luận của cả đôi bên dường như không tác động tới dư luận. Các nhà phân tích cho rằng toàn bộ câu chuyện thực chất chỉ là cuộc chiến tiền bạc giữa một công ty nghìn tỉ USD và một công ty nhiều tỉ USD.

Cả EG lẫn Apple đều có lý lẽ của riêng mình trong vụ kiện xung quanh game Fortnite

Ảnh: AFP

“Epic tự thuyết phục bản thân rằng họ đang bảo vệ các công ty nhỏ hơn, còn Apple lại khẳng định mong muốn bảo vệ khách hàng”, Joost van Dreunen - Giáo sư tại Trường đại học Kinh tế Leonard N. Stern (thuộc Đại học New York, Mỹ) nhận định. Theo ông, dù kết quả vụ kiện thế nào, Apple vẫn đối mặt thách thức làm sao thuyết phục được các nhà phát triển rằng khoản hoa hồng 30% trên App Store là xứng đáng.

Epic kiện luôn Google vì hành xử giống Apple

Ít ai để ý Apple không phải công ty duy nhất mà Epic nhắm tới trong cuộc chiến xung quanh tựa game Fortnite. Trong cùng ngày EG phá luật của App Store, họ làm điều tương tự trên Play Store cho Android của Google. “Gã khổng lồ tìm kiếm” cũng "đá" Fortnite khỏi gian ứng dụng của mình và EG kiện luôn Google.
Cũng từ thời điểm này, Google bắt đầu kế hoạch thắt chặt quy định trên kho phần mềm cho di động của mình và dường như đang ủng hộ cách làm của Apple. Trang Bloomberg mới đây cho biết Google đang có kế hoạch yêu cầu các nhà phát triển phải sử dụng dịch vụ thanh toán của hãng cho các giao dịch trong ứng dụng và cũng tính hoa hồng 30%.
Trở lại với Apple và Epic Games, phán quyết đầu tiên từ tòa án đã mang về chiến thắng cho… cả hai bên. Tòa án quận Bắc California đồng ý để Apple tiếp tục cấm Fortnite trên App Store trong suốt thời gian kiện tụng. Trong khi đó, Epic được phân phối công cụ làm game Unreal tới các nhà phát triển mà không cần sự can thiệp của Apple.
Chuyên gia cho rằng Apple có nguy cơ thua kiện và có thể tạo ra tiền lệ cho cách hoạt động của tất cả các gian phần mềm trên thế giới trong ngành công nghệ. Nhưng cũng vì vậy mà Giáo sư luật Olson hy vọng vụ kiện kéo dài bởi ông muốn xem cách Apple, Epic và tòa án áp dụng luật chống độc quyền đã ra đời vài thập kỷ trước lên ngành công nghệ hiện đại ra sao.
>> Apple 'chiến' Epic Games: Tâm điểm hoa hồng 30%
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.