APEC sóng gió vì xung đột Mỹ-Trung

Trọng Kha
Trọng Kha
19/11/2018 07:00 GMT+7

Lần đầu tiên trong lịch sử, Hội nghị cấp cao APEC không thể đưa ra tuyên bố chung với nguyên nhân được cho là căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Ngày 18.11, các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thuộc Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) nhóm họp phiên toàn thể tại tại thủ đô Port Moresby của Papua New Guinea về thúc đẩy thương mại tự do và hội nhập kinh tế khu vực cũng như ứng phó chủ nghĩa bảo hộ trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang. Tuy nhiên, trong suốt 2 ngày diễn ra đợt hội nghị, đại diện 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới tỏ ra bất đồng gay gắt về nhiều phương diện.


Ngay sau khi tới Port Moresby, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã tuyên bố nước này sẽ không lùi bước trong xung đột thương mại và thậm chí có thể tiếp tục đánh thuế lên thêm hơn 500 tỉ USD hàng hóa nếu Trung Quốc không thay đổi “cung cách làm ăn”. “Trung Quốc đã lợi dụng Mỹ trong nhiều năm qua. Những ngày đó đã kết thúc”, Reuters dẫn lời ông Pence nhấn mạnh. Bên cạnh đó, Phó tổng thống Mỹ còn cảnh báo về sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Theo ông, các nước không nên chấp nhận những khoản vay “có nguy cơ xâm phạm chủ quyền”, đồng thời khẳng định Washington không bao giờ buộc các nước khác chấp nhận “vành đai bóp nghẹt hoặc con đường chỉ có một chiều”.

Cũng tại Papua New Guinea, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố sẽ không có bên nào chiến thắng trong cuộc chiến tranh thương mại. Ông còn chỉ trích chủ nghĩa bảo hộ là “thiển cận và chắc chắn sẽ thất bại”, đồng thời khẳng định Trung Quốc sẽ cho phép các công ty nước ngoài tiếp cận sâu vào thị trường nước này, theo tờ South China Morning Post.

Không dừng lại ở các tuyên bố, cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều tận dụng các sự kiện tại hội nghị lần này để triển khai các kế hoạch gia tăng hiện diện và cạnh tranh ảnh hưởng. AFP dẫn lời Phó tổng thống Pence thông báo Mỹ sẽ cùng Úc xây dựng một căn cứ hải quân mới ở Papua New Guinea. Trước đó, Úc đã công bố kế hoạch xây dựng lại căn cứ hải quân Lombrum trên đảo Manus của Papua New Guinea “Mỹ sẽ hợp tác với Papua New Guinea và Úc về sáng kiến chung của họ tại căn cứ hải quân Lombrum. Chúng tôi sẽ làm việc với hai quốc gia này để bảo vệ chủ quyền và quyền hàng hải ở đảo quốc Thái Bình Dương”, AFP dẫn lời Phó tổng thống Pence cho hay. Ngoài ra, cũng tại Port Moresby, các lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản, Úc và New Zealand công bố kế hoạch hợp tác với Papua New Guinea về đầu tư mở rộng lưới điện với mục tiêu để đảm bảo phần lớn dân số nước này có điện sử dụng trước năm 2030. “Sáng kiến này cũng sẽ chào đón các đối tác khác ủng hộ nguyên tắc và giá trị giúp hỗ trợ duy trì và thúc đẩy một khu vực phồn thịnh, tự do, cởi mở và dựa trên luật pháp”, Nhà Trắng nhấn mạnh trong thông cáo.

Về phần mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc họp riêng với lãnh đạo các đảo quốc Thái Bình Dương để quảng bá sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Ông tuyên bố đây là dự án mở rộng cho mọi nước tham gia, không mang ý đồ chính trị và “không phải là một cái bẫy như đã bị một số người chụp mũ”. Đến nay, Trung Quốc đã đổ nhiều tỉ USD đầu tư vào Papua New Guinea và các đảo quốc Thái Bình Dương, đồng thời được cho là đang thăm dò Vanuatu về khả năng mở một căn cứ quân sự ở nước này, theo AFP.

Những diễn biến nói trên dẫn tới hệ quả là Hội nghị cấp cao APEC 2018 bế mạc vào chiều tối 18.11 mà không ra được tuyên bố chung. Đây cũng là lần đầu tiên lãnh đạo các nền kinh tế APEC không đạt được đồng thuận bằng văn bản tại kỳ họp thường niên. “Các vị biết rằng trong phòng có 2 nhân vật khổng lồ. Tôi còn có thể nói gì đây?”, Thủ tướng nước chủ nhà Peter O’Neill cho biết. Thủ tướng Canada Justin Trudeau thì thừa nhận thất bại trong việc đưa ra tuyên bố chung là do “quan điểm khác nhau về các yếu tố liên quan đến thương mại”. Bên cạnh đó, một số nguồn giấu tên loan tin ban tổ chức đã phải huy động đến cảnh sát sau khi các quan chức Trung Quốc cố xông vào văn phòng Ngoại trưởng Papua New Guinea Rimbink Pato nhằm sửa đổi dự thảo tuyên bố chung. Tuy nhiên, quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc Trịnh Hiểu Long sau đó bác bỏ thông tin này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.