Anh siết chặt quản lý mạng xã hội

04/08/2018 08:45 GMT+7

Một ủy ban quốc hội Anh yêu cầu các công ty mạng xã hội phải chịu trách nhiệm pháp lý trước thông tin giả mạo “đe dọa nền dân chủ”.

Ủy ban Văn hóa, Thể thao, Truyền thông, Kỹ thuật số (DMSCC) thuộc hạ viện Anh vừa công bố báo cáo sau khi tiến hành cuộc điều tra kéo dài hơn 1 năm về những vụ tung tin giả mạo để can dự vào các cuộc bầu cử thông qua hoạt động của mạng xã hội, theo CNN. Giới nghị sĩ đã tiến hành hơn 20 phiên điều trần với 61 nhân chứng, đồng thời sang Mỹ chất vấn đại diện của Facebook, Twitter và Google. Các nhà lập pháp Anh kết luận thông tin giả mạo và độc hại tràn lan đang đe dọa nền dân chủ và chính phủ nước này cần phải siết chặt quản lý mạng xã hội.
Với hàng loạt đề xuất nêu trong báo cáo, DMSCC yêu cầu chính phủ áp đặt mức thuế, hình phạt tài chính mới và xác định rõ “trách nhiệm pháp lý” đối với các công ty công nghệ như Facebook và Twitter. Báo cáo nhấn mạnh: “Mạng xã hội không còn là nền tảng thụ động hay công cụ để người dùng đăng tải nội dung. Người dùng thực chất được thưởng hoặc nhận tiền quảng cáo nếu có nội dung thu hút nhiều sự chú ý, kể cả thông tin độc hại”. AP dẫn lời Chủ tịch DMSCC Damian Collins yêu cầu chính phủ buộc các công ty mạng xã hội chịu trách nhiệm pháp lý đối với thông tin giả mạo, đồng thời đăng ký hoạt động với tư cách nhà xuất bản bởi vì họ sử dụng công nghệ để lọc và định hướng thông tin cho người dùng. Các nghị sĩ còn yêu cầu chính phủ tiến hành kiểm toán công ty công nghệ tương tự như những doanh nghiệp khác và tăng cường giám sát hoạt động “không liên quan đến tài chính”, bao gồm cơ chế bảo mật thông tin cá nhân.
DMSCC chỉ trích nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg không điều trần trước cơ quan này hồi tháng 3 sau khi vụ bê bối liên quan đến Công ty phân tích dữ liệu Cambridge Analytica bị phanh phui. Truyền thông Mỹ đưa tin Cambridge Analytica thuộc Công ty SCL Group (Anh) đã bí mật thu thập thông tin cá nhân của 87 triệu người dùng Facebook ở Mỹ và châu Âu để gây ảnh hưởng đến ý kiến cử tri. DMSCC còn nêu chi tiết những cách thức Cambridge Analytica đã dùng để tác động đến cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (Brexit), đồng thời cáo buộc đích danh doanh nhân Anh Arron Banks - nhà tài trợ chính cho chiến dịch Brexit có thỏa thuận ngầm với người Nga.
Chính phủ Anh sẽ cân nhắc và đưa đề xuất của DMSCC vào Sách Trắng về chính sách công bố vào tháng 9 tới. Trước đó, Thủ tướng Anh Theresa May đã cáo buộc Nga can dự vào những cuộc bầu cử, bao gồm Tổng tuyển cử tại nước này năm 2017, gieo rắc thông tin giả mạo trên mạng để gây chia rẽ ở phương Tây. Tuy nhiên, Moscow bác bỏ mọi cáo buộc. Phản ứng trước thông tin trên, Phó chủ tịch phụ trách về chính sách của Facebook Richard Allan cho biết bản báo cáo đã nêu bật “một số vấn đề quan trọng” và công ty này sẽ phối hợp chặt chẽ với chính phủ Anh để phát triển những công cụ đảm bảo sự minh bạch, theo AP.
Chính phủ Đức từ tháng 1 bắt đầu áp dụng luật phạt nặng các công ty mạng xã hội. Facebook, Twitter sẽ bị phạt đến 50 triệu euro nếu không xóa, chặn “tin tức giả mạo”, ngôn từ thù địch và nội dung bất hợp pháp khác trong vòng 24 giờ. Trong khi đó, Ủy ban Châu Âu (EC) hồi tháng 3 tiếp tục gia tăng áp lực đối với các trang mạng xã hội bằng cách áp dụng “quy định 1 giờ”.
Theo đó, Facebook, Google và Twitter có thời hạn 1 giờ kể từ khi phát hiện hoặc nhận được thông báo từ cơ quan chức năng để chặn và xóa bỏ thông tin xấu, giả mạo hoặc kích ngòi tấn công khủng bố, theo tờ Finacial Times. Ngoài ra, trước áp lực từ chính phủ Mỹ, Facebook hôm 31.7 tuyên bố đã xóa 32 trang và tài khoản đưa thông tin sai lệch nhằm gây chia rẽ cử tri Mỹ trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11.
[VIDEO] Đông Nam Á tuyên chiến với tin giả

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.