[ẢNH] Những đứa trẻ khắp Việt Nam: Uyên và chiếc nón lá

07/10/2018 10:35 GMT+7

Uyên cùng mẹ và chị cần mẫn làm nón lá trong ngôi nhà chưa kịp hoàn thành của người bố quá cố. Không gian im ắng và tịch mịch chứa đựng những nỗi niềm mưu sinh và ước mơ nhỏ bé của đứa trẻ 8 tuổi.

Uyên 8 tuổi, là một em bé lanh lẹ, giỏi giang và có phần... đanh đá. Uyên sống ở làng Chuông, thuộc huyện Thanh Oai, Hà Nội. Một ngôi làng còn giữ nhiều nét cổ kính và vẫn chung thủy với nghề làm nón lá truyền thống suốt hơn 3 thế kỷ.
Trên tay Uyên là chiếc nón lá em đang thắt dở. Chiếc nón lá vốn dĩ quá quen thuộc với mỗi người Việt, nhưng ít ai biết đôi khi chúng được làm ra từ những bàn tay bé nhỏ như em ấy
Mặc dù mới 8 tuổi nhưng Uyên tỏ ra rất tháo vát
Chợ làng Chuông ngày nào cũng họp, nhưng chợ nón chỉ diễn ra vào các ngày 4, 10, 14, 20, 24 và 30 âm lịch hàng tháng. Từ 5 giờ, người bán đã bày hàng ra, khoảng ít phút sau người mua đã tìm đến. Cảnh trao đổi buôn bán diễn ra ngay trong lúc trời chưa sáng.
Chợ nón diễn ra ở đình làng, đây là hình ảnh để lại trong tôi rất nhiều ấn tượng. Nét văn hóa này hẳn chỉ có thể gặp ở khu vực Bắc bộ mà thôi
Chợ nhóm từ tờ mờ sáng

Thức dậy từ 3 giờ, tôi lái xe máy từ trung tâm Hà Nội về làng Chuông. Lúc này trời chưa sáng và vẫn còn mưa nhưng mọi người đã bắt đầu bày hàng. Những chiếc xe đạp chở đầy hàng của các cô, các bà lũ lượt được đẩy vào chợ.
Tầm 8 giờ sáng, chợ nón bắt đầu vãn khách, cảnh mua bán diễn ra chóng vánh. Mặc dù sống với nghề làm nón từ nhiều thế hệ, nhưng người dân ở đây không phải ai cũng biết chính xác tên của lọai lá làm nón vì chúng được đem từ nơi khác đến. 
Nghề làm nón lá gắn bó với mỗi người dân ở đây. Hầu như phụ nữ ở làng Chuông đều biết làm nón, từ người buôn bán ngoài chợ đến cô giáo già ở đầu làng...
Qua mỗi bước chân của mình, tôi càng khẳng định người phụ nữ ở ngôi làng này luôn gắn bó với nón lá. Tôi có thể bắt gặp họ đang cần mẫn với cây kim và sợ chỉ, với nan tre và những chiếc lá bạc trắng ở từng ngõngách, từng nếp nhà.
Đây là cảnh thường thấy của gia đình Uyên. Khi tôi đến đây, người con gái lớn không có ở nhà. Ba mẹ con quây quần bên nhau trong ngôi nhà quá đỗi hoang sơ
Vào sâu trong làng, len lỏi qua những con ngõ nhỏ, tôi đến gia đình Uyên. Ở đó, một người mẹ cùng ba người con gái sống nương tự vào nhau nhờ nghề làm nón lá truyền thống. 
Nếu quan sát kỹ sẽ thấy ngôi nhà này đang xây dở dang. Lẽ ra nó sẽ là một ngôi nhà khang trang, với tường vôi và nền gạch. Tìm hiểu mới hay ba của Uyên là một thợ xây, ông mất sau một cơn đột quỵ, khi chưa kịp hoàn thành tổ ấm cho cả gia đình. Khi ấy, Uyên mới 4 tuổi.
Trước ngày khai giảng năm học mới, Uyên được nhận bộ sách giáo khoa lớp ba mới tinh, quyển sách tập vẽ khiến cho Uyên và chị gái em là Ánh rất thích thú
Uyên là cô bé khá hoạt ngôn và lanh lợi. Cô bé làm tôi nhớ đến cô bạn người Thanh Hóa thời tiểu học của mình, rất đanh đá và thông minh. Giờ thì cô bạn đó đã là một giảng viên, là trụ cột trong gia đình riêng rồi.
 Ánh thì ngược lại với em mình, là một cô bé 13 tuổi dịu dàng. Tôi cảm nhận được cô bé có một tâm hồn rất sâu lắng và hiền lành.
Ánh rất ngại trước ống kính. Cô bé chỉ cho phép để tôi chụp vài tấm hình
Da tay Uyên còn rất mỏng nên khi em cầm kim cảm thấy khá trơn và đau, nhưng điều đó không gây quá nhiều khó khăn cho cô bé
Tôi vẫn thấy bàn tay cô bé thoăn thoắt, dù có khá nhiều lần trượt tay khỏi chiếc kim bé nhỏ
Để làm một chiếc nón lá, người ta phải trải qua 5 công đoạn chính: bức vòng (đan các vòng tre vào khung), quai (trải lá), thắt (khâu chỉ để cố định lá), nức (làm viền nón), nhôi (đan chỉ màu để làm nơi luồn dây nón). Đó là chưa kể các công đoạn chuẩn bị nguyên liệu. 
Đây là công đoạn thắt, tức là khâu chỉ. Ánh nói rằng công việc này khiến em rất nhiều lần bị kim đâm vào tay. Tôi hỏi em thế sao em vẫn làm, cô bé đáp gọn lỏn: “Cháu không sợ”
Mẹ của Uyên đang thực hiện công đoạn quai nón, tức là xếp các lá lên trên nón và cố định chúng tạm thời bằng dây
Mẹ Uyên sẽ làm hai công đoạn khó nhất để chị em Uyên thực hiện những phần còn lại
Quan sát kỹ chiếc nón mẹ Uyên đang làm, dưới lớp lá là những vòng tròn đồng tâm được xếp đều đặn lên trên khung, đó chính là thành phẩm của công đoạn nức vòng. Nức vòng rồi đến quai nón. Trong các công đoạn làm nón thì 2 công đoạn này là khó nhất, do đó mẹ Uyên phải làm sẵn để chị em của Uyên thực hiện phần còn lại.
Mẹ Uyên cho biết một ngày làm được hơn 1 chiếc nón. Mỗi chiếc nón được bán lại cho thương lái giá 50.000 đồng. Trừ các chi phí về nguyên liệu, thu nhập mỗi tháng của lao động chính trong gia đình chỉ khoảng 1,5 triệu đồng.
Uyên đang phụ mẹ nhặt rau, chuẩn bị cho bữa cơm chiều
Gian bếp lụp xụp của gia đình Uyên
Mặc dù gia đình Uyên vẫn có bếp gas nhưng gian bếp củi này vẫn được sử dụng thường xuyên để có thể tận dụng được nguồn củi có sẵn và tiết kiệm chi tiêu.
Uyên rất vui khi khoe với tôi việc em biết chiên trứng, cô bé vừa làm vừa nói rất nhiều. Em chia sẻ cho tôi bí quyết làm sao để có món trứng thật ngon: “Phải rán cháy một chút mới ngon chú ạ!". Câu nói của cô bé khiến tôi không khỏi bật cười.
Uyên bật mí: "Phải rán trứng cháy một chút thì mới ngon!"
Đây là món trứng được Uyên chiên với mỡ. Món có một hương vị mà tôi không thể nào quên được
Uyên bộc bạch, sau này em muốn trở thành một thợ may
Nghề thợ may mà Uyên mơ ước thật ra là trở thành một cô công nhân may ở các xí nghiệp. Thanh Oai là một huyện vùng ven của thành phố Hà Nội. Các cụm, khu công nghiệp cũng bắt đầu hình thành, việc lao động ở các công ty đem lại cho người dân mức sống tốt hơn. Vì vậy, mức lương 5 - 8 triệu đồng/tháng của một công nhân đã trở thành mơ ước của nhiều người. Ước mơ đó đã truyền đến Uyên qua những câu chuyện của những người lớn trong làng.
Ba mẹ con vẫn cần mẫn với những chiếc nón lá trong ngôi nhà chưa kịp hoàn thành, im ắng và tịch mịch. Đây là cảnh tượng khó có thể phai nhòa trong tâm trí của tôi
Những gì tôi nhìn thấy, nghe thấy ở những con ngõ, từng hiên nhà, từ đình làng đến gian bếp khiến tôi biết trân trọng và yêu thương chiếc nón lá của đồng bào mình nhiều hơn.
Tôi biết rằng sau mỗi chiếc nón lá là mỗi câu chuyện riêng tư, bởi nó không thể được làm từ những cổ máy vô tri vô giác, mà đã hằng rất nhiều bàn tay tỉ mẩn, nâng niu, mang trong mình gánh nặng của cơm áo gạo tiền. Những lời này đã thoát ra khỏi những bài văn mẫu mà tôi từng được dạy, chỉ có những chuyến đi thật xa mới khiến cho tôi cảm nhận đầy đủ những tính từ này.
Bộ ảnh này được thực hiện vào tháng 8.2018 tại huyện Thanh Oai, Hà Nội. Bộ ảnh thuộc dự án "100 câu chuyện trẻ em Việt Nam" của chàng kỹ sư nông nghiệp Đinh Chí Trung. Trung sinh năm 1988 tại Bình Phước. Sau khi tốt nghiệp ngành nông học tại trường Đại học Nông lâm TP.HCM, Trung học thiết kế ở TP.HCM. Năm 2014, Trung tạm bảo lưu kết quả học để về quê mở 1 tiệm chụp hình nhỏ dành cho trẻ em. Tiệm hoạt động ổn định thì anh quay lại trường. Ngày thường, Trung vừa đi học vừa đi làm thiết kế tự do, cuối tuần chạy về Bình Phước để chụp hình. Đến cuối năm 2017, dự án "100 câu chuyện trẻ em Việt Nam" ra đời. Đến nay, anh đã chụp được 8 bộ ảnh và vẫn đang miệt mài đi tìm kiếm những nụ cười trẻ thơ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.