Anh hùng Hoàng Thị Nghị: 'Làm việc nghĩa thì dù nguy hiểm cũng không sợ'

18/10/2023 09:40 GMT+7

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, có rất nhiều phụ nữ Việt Nam dũng cảm và thông minh. Nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Thị Nghị ( 1929 - 2019) là một trong số ấy.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Thị Nghị (tên hoạt động bí mật là Hoàng Thị Na) quê ở Đồ Sơn, Hải Phòng. Tham gia cách mạng từ năm 1948, bà được cử đi học ở Trường Cán bộ địch vận T.Ư. Học xong, bà được Cục Địch vận T.Ư phân công phục vụ các mặt trận Gia Lâm - Hà Nội rồi mặt trận "Hải Phòng 300 ngày tập kết", sau đó vào miền Nam hoạt động. Bà là một phụ nữ Việt Nam anh hùng.

Hoàng Thị Nghị, người phụ nữ Việt Nam anh hùng  - Ảnh 1.

Thiếu tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Thị Nghị, một phụ nữ Việt Nam anh hùng

TLGĐ

Mưu trí, sáng tạo trong công tác địch vận

Ban đầu, tôi tìm bà Hoàng Thị Nghị là để viết về ông Phạm Đức Kính (xã Đặng Cương, H.An Dương, TP.Hải Phòng), là người đã cho gia đình tôi sơ tán trong cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc. Ông Kính nguyên là cán bộ về tiếp quản Hải Phòng năm 1954, cũng là một trong số những cán bộ được cài vào đoàn người di cư vào miền Nam để hoạt động bí mật.

Tuy nhiên, con trai ông Kính mách tôi: muốn tìm hiểu về thân phụ anh thì nên hỏi bà Hoàng Thị Nghị, người cùng nhận nhiệm vụ di cư vào Nam để chiến đấu cho sự nghiệp thống nhất đất nước. Tiếc rằng khi tôi tìm ra bà Nghị thì bà đã mất 2 năm. Nhưng câu chuyện về người phụ nữ kiên cường ấy khiến tôi phải tìm hiểu để viết về bà.

Nói về Hoàng Thị Nghị, cố trung tướng Ðặng Kinh, nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, từng nhận xét: "Chị Nghị là người cán bộ tháo vát và rất mưu trí". Ông Kinh nhớ lại, một lần bị cai Xương phụ trách bốt Bang Tá ở Đồ Sơn (Hải Phòng) truy bắt, bà Nghị đã chạy vào nhà bà Hoàng Thị Bằng (mẹ vợ của ông Đặng Kinh) trốn vào gầm giường rồi nhờ bà Bằng bảo chồng nằm lên giường giả ốm, sau đó lấy các thúng, mủng che gầm giường mà bà Nghị đang trốn. Cai Xương xộc vào, tra hỏi một hồi nhưng không thấy đành hậm hực bỏ đi.

Trong thời gian hoạt động ở miền Bắc, bà Nghị đã tích cực vận động gia đình và binh lính theo chính quyền bảo hộ và giác ngộ được hơn một trăm sĩ quan và lính bỏ ngũ về nhà làm ăn. Năm 1954, bà mới tròn 25 tuổi, nhưng cấp trên đã phát hiện ra khả năng địch vận ở bà nên ngày 20.11.1954, bà được Tổng cục Chính trị giao nhiệm vụ vào miền Nam công tác. Bà rời Hải Phòng từ sân bay Cát Bi, với lý lịch là vợ một trung úy phi công.

Hoàng Thị Nghị, người phụ nữ Việt Nam anh hùng  - Ảnh 2.

Bà Hoàng Thị Nghị khi hoạt động còn bí mật

TLGĐ

Ở miền Nam, phải kể đến lần bà đã trực tiếp vào "hang cọp" để cảm hóa, giáo dục một trung tá hải quân Việt Nam Cộng hoà thông qua việc chuyển những bức thư của gia đình viên sĩ quan này cho anh ta. Trong cuốn hồi ký Thời con gái của tôi, bà kể viên sĩ quan này có em ruột làm việc cho ta và một người bạn thân là sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng hòa nhưng đã về với cách mạng, chuyển ra miền Bắc. Hai bức thư là của hai người này. Khi nhận nhiệm vụ, Hoàng Thị Nghị chỉ được cho biết số nhà chứ chưa hề quen mặt, cũng như thái độ của viên trung tá hải quân này với cách mạng là như thế nào.

Hai bức thư chính là cầu nối duy nhất dẫn tới cuộc gặp gỡ đột ngột của bà với người này. Sau một hồi suy nghĩ, viên trung tá ngẩng lên hỏi Hoàng Thị Nghị rằng, cô suy nghĩ như thế nào mà dám đem hai bức thư tới, mà không sợ sẽ bị bắt hay sao?

Tuy nhiên, ông này cũng nhận được ngay câu trả lời của người phụ nữ đầy can đảm, rằng mình làm việc nghĩa thì dẫu có nguy hiểm cũng không sợ. Thế rồi viên sĩ quan hạ giọng và bày tỏ băn khoăn về hoàn cảnh trớ trêu khi hai anh em ruột ở hai bên chiến tuyến, bạn thân cũng làm việc cho phía "bên kia". Đặc biệt, trước sự cảm hóa của nữ cán bộ địch vận, viên trung tá đã tỏ ra mềm dẻo và hứa sẽ tâm sự để những người bạn của mình sống có lương tâm, không làm gì hại đến những người dân dù họ có xu hướng chính trị như thế nào.

Một trong hai nữ tù chính trị Côn Đảo đầu tiên thời chống Mỹ

Năm 1956, bà bị bắt vì tình nghi là cán bộ binh vận của xứ ủy Nam Bộ. Bị tra tấn, bị dọa sẽ cho nếm đòn của PSE (Police Spéciale de L' Est - Cảnh sát đặc biệt miền Đông), nhưng điều mà ít ai ngờ tới là bà đã cảm hóa được ngay chính người đồng chí từng khai báo về bà. Người này đã xin bà tha thứ và quyết định thay đổi lời khai, rằng mình dựng chuyện nhằm trả thù bà Nghị, vì bà đã không đáp lại tình yêu… Lực lượng PSE sau đó cũng đành bó tay, nhưng chúng đã đưa bà ra Côn Đảo vào ngày 11.1.1957. Bà trở thành một trong 2 nữ tù chính trị bị đày ra Côn Đảo đầu tiên thời chống Mỹ, người ra đảo cùng ngày này là bà Nguyễn Thị Tư, quê ở Cần Thơ, cũng bị bắt năm 1956. 

Hoàng Thị Nghị, người phụ nữ Việt Nam anh hùng  - Ảnh 3.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Thị Nghị (mặc quân phục đội mũ kê pi) chụp ảnh chung với bà Nguyễn Thị Định, nguyên Phó chủ tịch nước. Bà Định từng nhận bà Nghị là chị em kết nghĩa, từng về nhà bà Nghị tại Đồ Sơn và nghỉ tại đây 2 lần

TLGĐ

Gần 4 năm sau, bà Nghị mới được trả tự do và tiếp tục hoạt động. Nhưng đến năm 1968, bà bị bắt lần thứ hai và ngay lập tức lại bị đày ra Côn Đảo lần nữa. Tại đây, bà tiếp tục đấu tranh, lại nếm đòn nhiều phen chết đi sống lại. 

7 năm kiên cường chịu đựng tại nhà lao Côn Đảo đã khiến người phụ nữ Việt Nam ấy được rèn luyện và càng trở nên kiên cường. Chính vì nể phục, một số lính coi ngục đã ứng xử nhẹ nhàng hơn với người nữ tù chính trị, đã có những người lính quốc gia cũng thức tỉnh và ứng xử với tù nhân nhẹ nhàng hơn trước... Cũng bằng uy tín của mình, bà được cử tham gia cấp ủy của nhà tù Côn Đảo .

Đêm 30.4, rạng sáng 1.5.1975, người con của quê hương Hải Phòng trung dũng kiên cường đã vận động cai tù mở khóa, cùng hàng trăm tù chính trị đứng lên tự giải phóng và vận động binh lính đầu hàng, làm lại cuộc đời. Từ "địa ngục trần gian" Côn Đảo, bà trở về với đất liền ở tuổi 47.

Khi đó, bà đã được cấp trên dự kiến bố trí làm Bí thư quận ủy Quận 1, TP.Sài Gòn - Gia Định. Nhưng gia đình rất mong bà trở về quê hương, bởi biết bà khi đó rất yếu và nhiều tật bệnh. Tổ chức đã đáp ứng nguyện vọng chính đáng của bà và gia đình. Trở về khi đã gần 50 tuổi, cộng với nhiều tật bệnh sau 12 năm bị tù đày, bà không có con dù có lập gia đình.

Hoàng Thị Nghị, người phụ nữ Việt Nam anh hùng  - Ảnh 4.

Danh sách 41 nữ tù chính trị bị giam cầm tại Côn Đảo thời chống Mỹ

QUỐC PHONG

Tôi đã được đọc những trang thấm đẫm nước mắt trong cuốn hồi ký của bà mang tên Thời con gái của tôi do gia đình lưu giữ và càng cảm phục người phụ nữ Việt Nam ấy thêm bội phần. Cả thanh xuân, tuổi trẻ của bà đã được tôi luyện trong đấu tranh cách mạng. Bà đã vinh dự được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân ngày 6.11.1978. Đó là điều hết sức xứng đáng với người phụ nữ Việt Nam kiên cường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.