'Anh em xã hội' đánh người cha tát con: Nhân danh 'anh hùng' cũng phải trừng trị

Phan Thương
Phan Thương
19/10/2019 11:01 GMT+7

Theo các chuyên gia pháp luật , hành vi tát con tùy mức độ sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự. Tuy nhiên, ngang nhiên xông vào nhà người khác, nhân danh 'anh hùng' để trừng trị cũng bị xử lý.

Đánh con, bạo hành gia đình đều bị xử lý

Đoạn clip người cha tát con trai 4 tuổi lan truyền mạnh trên mạng xã hội trong ngày 17.10 khiến nhiều người phẫn nộ. PV Thanh Niên tìm hiểu thì được biết đoạn clip cha đánh con xảy ra từ 2 năm trước.
Chiều 17.10, thượng tá Phạm Thế Kim, Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP.Mỹ Tho (Tiền Giang), cho biết đơn vị đang điều tra vụ “giang hồ mạng xã hội” đánh anh Đoàn Văn Tí (30 tuổi, xã Trung An, TP.Mỹ Tho) vào trưa cùng ngày vì tội “dám đánh con”.

Cảnh đánh con của Tí gây phẫn nộ dù xảy ra đã lâu

Theo lời khai của anh Tí, trong cơn say vào một đêm khoảng 2 năm trước, anh có “dạy dỗ” con trai 4 tuổi bằng cách vừa bắt bé khoanh tay, vừa mắng và tát tay liên tục vào mặt bé. Trong clip, anh Tí còn tuyên bố: “Tao giết nó được luôn đó. Mày tin không?”. Vụ việc được vợ anh Tí là chị Th. (26 tuổi, quê TP. Long Xuyên, An Giang) quay lại bằng điện thoại. Theo nội dung clip, việc anh Tí "dạy dỗ" con chỉ kết thúc khi chị Th. chạy nhờ người cùng xóm trọ khuyên can rồi “giải cứu” cháu bé. Sau vụ bạo hành, chị ẵm con trai về quê sống với cha mẹ ruột.
Tháng 11.2018, TAND TP.Mỹ Tho (Tiền Giang) đã xử ly hôn cho vợ chồng Tí. Vụ việc sau đó rơi vào im lặng cho đến khi anh sắp cưới vợ khác thì chị Th. đăng clip lên Facebook.
Trưa 17.10, tài khoản Trương Đ.K đã livestream hình ảnh nhóm nam nữ đánh hội đồng anh Tí tại nhà trọ ở xã Trung An. Trong video, anh Tí không dám phản kháng, mặt bê bết máu, ngồi co ro trên ghế vẫn liên tục bị đám đông dồn đánh. Những người tham gia đánh hội đồng nói “đánh để trả thù cho con trai anh”
Hình ảnh livestream nhận được số lượng like, bình luận, chia sẻ cực khủng. Trong đó, nhiều bình luận đồng tình với hành động của nhóm dân mạng vì đã “dạy cho người cha vô lương tâm một bài học”, nhưng cũng không ít bình luận thể hiện sự bất bình khi cho rằng hành vi ngang nhiên hành hung người khác là vô pháp luật và cần phải bị xử lý.
Ngoài ra trên mạng xã hội cũng xuất hiện Clip “anh em xã hội” phá cửa, xông vào nhà trọ anh Tí, bắt anh Tí ra đánh hội đồng về hành vi anh Tí đã đánh con trai mình cách đây 2 năm.

Nạn nhân Đoàn Văn Tí bị đánh chảy máu vùng mặt nhưng vẫn liên tục bị đoàn người truy tìm mắng, đánh

Ảnh cắt từ clip

Theo Công an TP.Mỹ Tho, trưa 17.10, nhận tin báo của công an xã về vụ việc anh Tí bị nhóm “giang hồ mạng xã hội” hơn 10 người tự xưng là “nhóm chuyên đòi lại sự bất công cho phụ nữ, trẻ em” đến nhà anh Tí vào tận phòng ngủ, kéo anh Tí ra đánh, tát vào mặt. Anh Tí bị trầy xước ở vùng da đầu và mặt.
Trước khi đến nhà để “trả thù cho con trai anh” thì nhóm hơn 10 người từ TP.HCM này đã vào tận nơi làm việc của anh Tí nhưng không gặp. Và hiện công an đang điều tra sự việc để xử lý theo quy định pháp luật.

Công dân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, thân thể

Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết Hiến pháp đã quy định: Công dân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu người đó không đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép. Ngoài ra Bộ luật dân sự cũng có quy định cá nhân có quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, thân thể, quyền được pháp luật bảo hộ về sức khỏe. Không ai có quyền tước đoạt tính mạng trái pháp luật (Điều 33 Bộ luật dân sự 2015).
Việc vào chỗ ở của một người phải được người đó đồng ý, chỉ trong trường hợp được pháp luật quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được tiến hành khám xét chỗ ở của một người; việc khám xét phải theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.
Như vậy, xâm nhập gia cư bất hợp pháp là việc xâm nhập trái với các quy định trên.
Theo luật sư Tuấn, Điều 158 Bộ luật hình sự năm 2017 có quy định về tội xâm phạm chỗ ở của người khác, rằng người nào khám xét, xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác, có những hành vi trái pháp luật khác xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
“Ngoài ra, qua video, nhóm người này còn đánh người, thì tùy theo tỉ lệ thương tích mà giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp được qui định tại Khoản 1 Điều 134 thì bị cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm (Điều 134 Bộ Luật Hình sự năm 2017)”, luật sư Tuấn nhấn mạnh.

Đánh đập, ngược đãi thành viên trong gia đình đều bị xử lý

Đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên trong gia đình có thể bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng theo quy định tại Điều 49 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, an toàn xã hội và phòng, chữa cháy. Ngoài ra, hành vi trên đã xâm phạm đến thân thể, sức khỏe, tinh thần đối với trẻ em nên còn có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 27 Nghị định 144/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em với mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Trường hợp hành vi đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể con cái thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần hoặc đã bị xử phạm vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình” theo Điều 185 Bộ luật Hình sự với hình phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm.
Nếu hành vi bạo lực trên gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của con thì người cha có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “cố ý gây thương tích hoăc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” theo điều 134 Bộ luật Hình sự.
Luật sư Phạm Hoài Nam (Đoàn Luật sư TP. HCM)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.