[ẢNH] Cuộc sống yêu thương của 3 cô giáo trẻ ở đỉnh Pờ Hồ

06/05/2016 10:06 GMT+7

Pờ Hồ là đỉnh núi cao nhất dãy Hoàng Liên Sơn có người sinh sống và hiện đang có 3 cô giáo trẻ (từ 24 đến 27 tuổi) hàng tuần phải lội bộ lên dạy học cho gần 40 đứa trẻ người Mông.

Đỉnh núi Pờ Hồ (thuộc dãy núi Hoàng Liên Sơn) có độ cao gần 1.300m so với mực nước biển, quanh năm bao phủ sương mây và chỉ có duy nhất 1 mùa lạnh.
Từ nhiều năm nay, trên đỉnh Pờ Hồ có bản Pờ Hồ Cao (xã Trung Lèng Hồ, Bát Xát, Lào Cai) với gần 30 hộ dân người Mông sinh sống với nếp ăn ở "tự cung tự cấp" truyền thống, hàng tuần - hàng tháng họ phải đi bộ xuống núi, về trung tâm xã mua các nhu yếu phẩm thiết yếu với quãng đường đi về khoảng nửa ngày (nếu trời nắng), nếu trời mưa tắc đường thì hành trình kéo dài vài ngày.
Con đường từ chân núi lên đỉnh Pờ Hồ, chủ yếu là đường núi liên tục sạt lở trong mùa mưa lũ, rất nguy hiểm
Bám bản làng, gần 20 năm nay các thế hệ giáo viên mầm non, tiểu học của Phòng Giáo dục huyện Bát Xát, Lào Cai kiên nhẫn lội suối, trèo đèo, băng rừng lên đỉnh Pờ Hồ dạy chữ cho con trẻ, chấp nhận mọi khó khăn, vất vả, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Hiện tại, điểm trường Pờ Hồ Cao có 2 cấp học Mầm non và Tiểu học, do 3 cô giáo trẻ đảm nhiệm, đó là: Nguyễn Thị Hương (27 tuổi, dạy mầm non); Lương Thị Nguyệt (25 tuổi), Lục Vân Anh (24 tuổi).
Con đường đi bộ ngang qua 1 bản người Mông
Các giáo viên này đều ở dưới xuôi lên công tác, giảng dạy và mỗi tuần, họ phải đi bộ ít nhất 2 lần lên xuống núi vào cuối tuần, để mua lương thực - thực phẩm, đồ dùng cá nhân mang lên sống trên bản Pờ Hồ Cao.
Dẫu cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, điều kiện ăn ở thô sơ và nhất là xa chồng con, gia đình nhưng các cô giáo trẻ không bao giờ kêu ca, phàn nàn mà vui sống, cống hiến trên đỉnh núi mù xa...
Điểm trường Pờ Hồ Cao tranh tre nứa lá, xập xệ do xây dựng từ nhiều năm trước. Do vách làm bằng gỗ, lâu ngày bị mục nên gió lạnh, sương mù ùa vào các phòng học, nhà ở khiến nhiệt độ trong nhà như... ngoài sân. Những ngày mưa gió, giáo viên phải chạy sang nhà dân trú nhờ vì sợ tốc mái, sập nhà.
Tảng đá cạnh điểm trường là nơi duy nhất có thể vớt sóng điện thoại Viettel và các cô giáo sau giờ dậy học, tập trung ngồi chờ vớt sóng, liên lạc với người thân
Nụ cười hiền của cô và trò
Phòng ở của giáo viên chật hẹp, phải quây bằng vải bạt và 3 cô giáo chen nhau ngủ trên chiếc giường cũ này
Bếp nấu ăn ngay cạnh. Hàng ngày các cô phải đi kiếm củi về nấu cơm
"Thực đơn" duy nhất của cả tuần: Trứng và cá khô mang lên từ dưới điểm trường chính.
Không có nhà vệ sinh, các nữ giáo viên phải quây khoảnh đất bên cạnh bể nước để giải quyết nhu cầu cá nhân và khu vực này được che bằng tấm màn màu xanh
Chú chó của trưởng bản là bảo vệ tin cậy và thường xuyên cho các nữ giáo viên
Nền đất tráng xi măng trong bếp này là chỗ tắm, phơi đồ
Bữa ăn trong phòng ở chật hẹp, không có chỗ nên các giáo viên khác lên thăm, làm việc phải ngồi ăn trên giường
Cô giáo Lục Vân Anh (trái) và Nguyễn Thị Hương vui mừng khi nhận được quà của bạn đọc báo Thanh Niên tặng
Vật dụng gắn bó với các cô là chiếc gùi tre, để mang đựng đồ ăn thức uống lên xuống núi mỗi tuần
Cô giáo Nguyễn Thị Hương, 27 tuổi là giáo viên dạy Mầm non trên điểm trường Pờ Hồ Cao. Hương có 2 con gái, phải chia gửi sang ông bà nội - ngoại và chồng Hương cũng làm công nhân xa nhà. Mỗi tháng, may mắn lắm, cả 4 thành viên trong gia đình mới gặp nhau đông đủ.
Sạt lở núi thường xuyên khiến việc đi lại của giáo viên Pờ Hồ Cao rất vất vả
Những khi sạt lở, lũ ống - lũ quét, các cô giáo phải cắt rừng tìm đường đi
Nụ cười của 3 giáo viên điểm trường Pờ Hồ Cao

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.