Anh chặn Trung Quốc mua lại nhà máy vi mạch lớn nhất nước

17/11/2022 14:03 GMT+7

Đây là vụ tiếp quản thứ hai của Trung Quốc bị chặn bởi Đạo luật Đầu tư và An ninh Quốc gia mới của Vương quốc Anh.

Theo Bloomberg, Vương quốc Anh hôm 16.11 đã ra lệnh cho công ty công nghệ Wingtech Technology Co của Trung Quốc hủy bỏ việc mua lại Newport Wafer Fab hơn một năm sau khi thỏa thuận kết thúc, với lý do lo ngại về an ninh quốc gia.

Nexperia Holding, công ty con tại Hà Lan của Wingtech, sẽ buộc phải bán 86% cổ phần của Newport Wafer Fab mà hãng này đã mua vào tháng 7.2021 trong một thỏa thuận trị giá khoảng 63 triệu bảng Anh (khoảng 75 triệu USD) vào thời điểm đó.

Sản xuất chất bán dẫn tại nhà máy Newport Wafer Fab

CHỤP MÀN HÌNH FINANCIAL TIMES

Theo Bộ trưởng Kinh doanh Vương quốc Anh Grant Shapps, rủi ro đối với an ninh quốc gia của việc tiếp quản đến từ “khả năng tái triển khai các hoạt động bán dẫn hỗn hợp”, các chip tinh vi được sử dụng trong những ứng dụng tiên tiến như xe điện, “và khả năng các hoạt động đó làm suy yếu vị thế về chất bán dẫn của Vương quốc Anh”.

Đây là vụ tiếp quản thứ hai của Trung Quốc bị chặn bởi Đạo luật Đầu tư và An ninh Quốc gia mới của Vương quốc Anh, có hiệu lực vào tháng 1.2022. Quyết định này cho thấy thái độ “đề phòng” ngày càng tăng đối với đầu tư của Trung Quốc vào Vương quốc Anh, sau khi Bộ trưởng Kinh doanh lúc đó là Kwasi Kwarteng phủ quyết việc mua lại công ty thiết kế điện tử của một công ty có trụ sở tại Hồng Kông.

Trong tuyên bố gửi qua email, Nexperia cho biết họ “bị sốc”, không chấp nhận lý do lo ngại về an ninh quốc gia được nêu ra và sẽ kháng cáo để hủy bỏ lệnh này. Nexperia cho biết chính phủ Anh đã không tham gia với công ty hoặc xem xét biện pháp khắc phục được đề xuất, chẳng hạn như cung cấp cho các quan chức Anh quyền kiểm soát và tham gia trực tiếp.

“Quyết định này gửi đi một tín hiệu rõ ràng rằng Vương quốc Anh đã đóng cửa cơ hội hoạt động kinh doanh”, ông Toni Versluijs, giám đốc của Nexperia tại Vương quốc Anh, nói.

Newport Wafer Fab (NWF) là nhà sản xuất các tấm wafer silicon có khắc vi mạch trên đó. Đây là nhà máy vi mạch lớn nhất và lâu đời nhất của Anh. NWF đã qua tay một loạt chủ sở hữu quốc tế kể từ khi được thành lập vào năm 1982, sau đó được Nexperia mua lại vào năm 2021 từ người quản lý cũ Drew Nelson. Kể từ khi Nexperia tiếp quản, NWF chỉ sản xuất chip cho nhu cầu của chủ sở hữu Trung Quốc và cho biết sẽ cần một kế hoạch kinh doanh khả thi để chuẩn bị cơ sở sản xuất chất bán dẫn “hỗn hợp” tinh vi hơn, để dùng trong công nghệ tiên tiến như nhận dạng khuôn mặt, 5G và xe điện.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.