Ấn tượng với nhiều hiến kế của người trẻ

27/03/2022 06:00 GMT+7

Tại Hội nghị tiếp xúc cử tri thanh niên TP.HCM do Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP.HCM tổ chức ngày 26.3, nhiều hiến kế rất tâm huyết và trăn trở của người trẻ đã được gửi đến lãnh đạo thành phố.

Trong đó, có những hiến kế rất hay, rất độc khiến nhiều người ấn tượng.

Cần nhìn lại hệ thống y tế thành phố

Rất tâm huyết, bác sĩ Đỗ Phạm Nguyệt Thanh, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, đặt vấn đề: “Dịch bệnh để lại cho chúng ta nhiều mất mát, đau thương, nhưng cũng giúp chúng ta nhìn thấy được toàn bộ hệ thống y tế của thành phố quá tải. Vấn đề đặt ra là làm thế nào chúng ta phát triển được hệ thống y tế cơ sở. Có phải đơn thuần là đưa bác sĩ về các tuyến cơ sở là xong?”.

Bà Nguyễn Thị Lệ, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM, gặp gỡ cử tri thanh niên sáng 26.3

Nữ Vương

Từ vấn đề đặt ra, bác sĩ Nguyệt Thanh đề xuất những kiến nghị: “Có bao giờ thành phố đặt hàng cho các trường đại học để thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học nhằm đánh giá lại mô hình bệnh tật của người dân thành phố. Khi đánh giá được mô hình này, chúng ta sẽ dự phòng, dự báo trước được các mô hình bệnh tật trong tương lai của người dân. Từ đó, biết chúng ta cần phải phát triển ở đâu?”.

“Và có bao giờ chúng ta tự đặt ra câu hỏi tại sao người dân không sử dụng các tuyến y tế phường xã, dẫn đến quá tải ở các bệnh viện tuyến thành phố, tuyến trung ương. Rất cần nâng chất lượng cơ sở vật chất của các tuyến cơ sở. Trong dịch, chúng ta đưa rất nhiều y bác sĩ về các tuyến y tế phường xã, tuy nhiên, tôi nói thật là các trạm y tế phường xã thời điểm đó chỉ có đúng một cái bàn thì làm sao chúng tôi có thể hành nghề, có thể cấp cứu xử lý ban đầu được, làm sao người dân có thể tin tưởng và đến”, bác sĩ trẻ đau đáu.

một góc nhìn khác, Nguyễn Ngọc Hương, một trong những gương mặt Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2019 trong lĩnh vực khởi nghiệp, nêu ra một thực tế: “Tôi nhận thấy hiện nay thanh niên trẻ như tôi khi khởi nghiệp và tạo được những đóng góp cho nền kinh tế đất nước nhưng lại thiếu thông tin tiếp cận với các nguồn hỗ trợ. Trước đây tôi không biết kênh nào để tiếp cận nên cũng tự gọi điện khắp nơi để hỏi và tìm kiếm. Thậm chí, có những chương trình ra từ đầu tháng mà cuối tháng thông tin mới đến được với doanh nghiệp của chúng tôi, thì đã hết thời hạn đăng ký. Nên tôi rất mong các nguồn hỗ trợ cần được thông tin hiệu quả đến với thanh niên khởi nghiệp, để chúng tôi không bỏ lỡ cơ hội”.

Đặc biệt, Hương nói: “Tôi làm kinh tế nên luôn xác định là không có phụ thuộc và luôn tự cường về kinh tế. Tôi luôn nghĩ, nếu thanh niên nào cũng tập trung vào làm kinh tế thì tất cả các tệ nạn sẽ xóa hết. Khi đó các cán bộ, công an xã sẽ không còn vất vả khi phải đi bắt trộm đêm, chích đá, bài bạc…Vì thế, nên khuyến khích người trẻ, thanh niên của chúng ta làm kinh tế và tập trung làm kinh tế”.

Bác sĩ Nguyệt Thanh tâm huyết kiến nghị

nữ vương

Nên đặt hàng cho sinh viên

Đặc biệt quan tâm đến vấn đề khởi nghiệp của thanh niên, cử tri Trần Đức Sự, đến từ đơn vị Trung tâm phát triển khoa học và công nghệ trẻ (Thành đoàn TP.HCM), đề xuất: “Chúng ta hiện nay có chương trình vườn ươm, ươm tạo nên những nhà khoa học trẻ nhưng nếu nhìn lại 1 năm với 5 tỉ đồng, hỗ trợ được 50 đề tài thì còn quá hạn chế. Cần có nguồn ngân sách nhiều hơn, và cũng nên có cơ chế quỹ để sử dụng cho những việc cấp bách như những nghiên cứu, sản phẩm hỗ trợ chống dịch là các bạn cần làm gấp để ứng dụng ngay”, cử tri Trần Đức Sự đề xuất.

Lê Duy Tân, Trường ĐH Quốc tế TP.HCM, cho rằng để chuyển đổi số thành công cần sự quyết tâm cao của cả bộ máy chính quyền. Các cơ quan phải liên thông, trao đổi dữ liệu.

“Cũng cần đặt hàng các sinh viên giỏi về những giải pháp chuyển đổi số. Các ý tưởng tốt này nên được ươm tạo từ những vườn ươm khoa học công nghệ để thành lập các dự án khởi nghiệp cung cấp giải pháp chuyển đổi số cho trường học. Nếu làm được như vậy sẽ giảm tải công việc cho các thầy cô, để các thầy cô có nhiều thời gian hơn cho đào tạo, từ đó nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục”, Duy Tân hiến kế.

Quan tâm giải quyết chế độ hỗ trợ cho tình nguyện viên chống dịch

Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Lệ, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM, gửi lời cảm ơn và ghi nhận những hiến kế, đề xuất rất tâm huyết, trách nhiệm và thiết thực của cử tri thanh niên thành phố.

Bà Lệ đề nghị UBND thành phố ghi nhận đầy đủ tất cả các ý kiến rất ấn tượng của các cử tri thanh niên. Chỉ đạo các sở, ngành thành phố có văn bản trả lời đầy đủ các kiến nghị mà thanh niên thành phố đặt ra hôm nay. Tiếp thu đầy đủ, chọn lọc và hiện thực hóa các đề xuất, giải pháp mà cử tri thanh niên đã đóng góp.

Trong những đề nghị với UBND thành phố, bà Lệ đặc biệt lưu ý đến vấn đề giải quyết hỗ trợ cho tình nguyện viên chống dịch.

“Quan tâm, tạo điều kiện về chế độ, chính sách hỗ trợ cho tình nguyện viên tham gia công tác phòng chống dịch. Mặc dù HĐND thành phố đã có Nghị quyết 12 để hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch, nhưng qua tổng hợp các ý kiến tôi thấy rằng rất nhiều tình nguyện viên trực tiếp tham gia ở tuyến đầu chống dịch cho biết đến giờ vẫn chưa nhận được hỗ trợ. Đề nghị UBND TP quan tâm và giải quyết”, bà Lệ nói.

Bà Lệ cũng đề nghị Thành đoàn tiếp tục tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền về cơ chế cho thanh niên hoạt động và cống hiến. Cũng như chủ động đề xuất giao việc phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và khả năng thực hiện để thanh niên có điều kiện cống hiến cho sự phát triển chung của thành phố. Bên cạnh đó, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và tổ chức hoạt động. Vì thanh niên phải tiên phong, đi đầu trong việc chuyển đổi số.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.