Ấn tượng với 'hiệp sĩ tình nguyện' và chuyện tình đẹp như mơ

Bá Cường
Bá Cường
07/08/2022 11:15 GMT+7

'Hiệp sĩ tình nguyện' chính là biệt danh mà nhiều người ở Quảng Bình tặng cho anh Lê Quang Toán, một người đàn ông khuyết tật nhưng chăm làm từ thiện .

Trong những dịp tham gia các chương trình tình nguyện tại tỉnh Quảng Bình, không ít lần PV Thanh Niên gặp một người đàn ông có vóc dáng nhỏ bé, khuyết tật khiến cơ thể khó di chuyển, khó giao tiếp... nhưng anh luôn mỉm cười và rất nhiệt tình trong công việc.

Đó là Lê Quang Toán (43 tuổi, P.Bắc Lý, TP.Đồng Hới, Quảng Bình), nhưng người dân địa phương tặng biệt danh "hiệp sĩ tình nguyện".

Ý chí lớn trong hình hài nhỏ bé

Anh Toán cho biết bản thân đã từng cận kề cái chết khi mẹ anh bị tai nạn lúc đang mang thai anh.

"Khi tôi chỉ là một thai nhi mới 6 tháng tuổi, mẹ tôi không may bị tai nạn. Tôi phải chào đời sớm nếu muốn có hy vọng sống. Sinh non nên cơ thể không hoàn thiện, có lúc khả năng sống gần như bằng 0", anh Toán chia sẻ.

Lớn lên trong hoàn cảnh rất khó khăn, anh Toán (bên phải) thấu hiểu được nỗi đau của những người khuyết tật bẩm sinh

Bá Cường

Lúc đó, có thời điểm bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân nguy kịch, bệnh nhi Toán buộc phải được trả về vì tiên lượng xấu. Thế nhưng thật kỳ diệu, sau 6 tháng, chỉ bằng sữa mẹ và những giọt nước gạo, đứa trẻ đó đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất.

Lớn lên trong sự chăm sóc kỹ lưỡng của bố mẹ, cậu bé Lê Quang Toán may mắn thoát khỏi nghịch cảnh nhưng vẫn không thể phát triển như một người bình thường. Khó di chuyển, khó giao tiếp nên từ nhỏ việc đi học là ước mơ lớn nhất của Toán.

Mang hình hài bé nhỏ nhưng ý chí của chàng "hiệp sĩ tình nguyện" là rất lớn

Bá Hoàng

"Mình được đi học mẫu giáo khi đã 8 tuổi. Lên cấp 1, cấp 2, cấp 3 đều rất khó khăn vì không nhiều trường tiếp nhận học sinh khuyết tật. Họ cho mình vào các lớp dự bị, học thử một năm đánh giá năng lực rồi mới nhận vào", anh Toán nhớ lại.

Sau mỗi lần kiểm tra, anh đều lọt vào top đầu của lớp nên được nhận vào học với các bạn cùng trang lứa. Hoàn thành chương trình THPT, anh học trung cấp rồi sau đó học lên cử nhân tại Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Niềm vui từ những chuyến từ thiện

Trong khoảng thời gian học đại học, anh Toán bắt đầu làm từ thiện khi anh biết đến trang web Quảng Bình Online (QBO), diễn đàn cho những người trẻ làm công tác thiện nguyện.

Nhiều chương trình tình nguyện như "Mùa đông nồng ấm", "Sách cho miền cát trắng" được anh Toán cùng diễn đàn QBO tổ chức tại các xã vùng cao của tỉnh Quảng Bình.

Niềm vui của anh Toán chính là được đến những vùng đất khó khăn, giúp đỡ mọi người

"Vì bản thân mắc khuyết tật nên mỗi chuyến đi đều rất khó nhọc. Nhưng tôi vẫn quyết tâm đi với hy vọng giúp đỡ người dân. Và ở một góc nhìn nào đó, khi nhìn thấy tôi, họ sẽ có thêm nguồn động lực", anh Toán nói.

Thân hình nhỏ bé, dáng người co cứng của anh đã là hình ảnh quen thuộc tại các chương trình từ thiện không chỉ ở Quảng Bình mà còn nhiều tỉnh thành khác.

Cứ thế, anh Toán đã đặt chân lên nhiều xã vùng cao như Tân Trạch, Thượng Trạch (H.Bố Trạch), Trường Sơn (H.Quảng Ninh), Dân Hóa (H.Minh Hóa)... của tỉnh Quảng Bình. Có thời gian anh còn đi ra tận Mèo Vạc (Hà Giang) hay vô vùng cao Nam Trà My (Quảng Nam) để làm từ thiện.

Khẳng định bản thân

Hiện tại, anh Lê Quang Toán đang công tác tại Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Quảng Bình và kiêm chức danh Chủ nhiệm Câu lạc bộ thanh niên khuyết tật, trực thuộc Hội LHTN tỉnh Quảng Bình.

Qua những chương trình như "Công dân toàn cầu", anh tham gia trao tặng áo phao, cặp phao cho học sinh tại H.Bố Trạch hay kết nối với nhóm Ước mơ xanh (Hà Nội) để thực hiện chương trình "Tết yêu thương", chưa kể hàng chục lần tham gia cứu trợ bão lũ tại quê nhà.

Anh Toán thường xuyên đến động viên, thăm hỏi những người có hoàn cảnh như mình

Bá Cường

Tên tuổi của anh Lê Quang Toán đã được khẳng định với mọi người, xóa bỏ những nghi ngại ban đầu về chuyện một người khuyết tật sao lại "ham" đi làm từ thiện. "Hiệp sĩ tình nguyện" dần được mọi người nể phục và tin tưởng giao trọng trách, đảm nhận nhiều chương trình thiện nguyện trên địa bàn.

Anh Trần Khánh Cường, Phó bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Quảng Bình, đánh giá cao ý chí và vai trò của anh Toán trong công tác làm từ thiện.

"Trong mỗi chương trình, sự xuất hiện của anh Toán hết sức đặc biệt. Bỏ qua những khuyết điểm trên cơ thể, anh vẫn làm việc rất tốt, làm tròn công việc và vai trò của mình. Bản thân anh cũng là một tấm gương, để trong mỗi chương trình, người dân và các bạn nhỏ nhìn vào đó để nỗ lực phấn đấu", anh Cường chia sẻ.

Chuyện tình "hiệp sĩ" và cô dược sĩ

Kể lại thời điểm khó khăn nhất của bản thân, anh Toán cho biết không phải là lúc mình đau ốm, khuyết tật mà chính là những lúc nhận những lời gièm pha của mọi người về công việc, đời sống của anh.

Anh Toán đã có chuyện tình đẹp như mơ với cô dược sĩ gần nhà

Bá Hoàng

Năm 2015, anh Toán kết hôn cùng chị Lê Thị Minh Thư (31 tuổi). Đám cưới của chàng "hiệp sĩ tình nguyện" cùng cô dược sĩ trẻ được mọi người quan tâm hơn bao giờ hết. "Bởi chẳng ai nghĩ tôi lấy được cô vợ xinh đẹp như thế", anh Toán cười nói.

Thời điểm anh Toán chuẩn bị kết hôn, cả hai đều nhận những sự phản đối từ bà con, làng xóm với lý do chính yếu: anh Toán là người khuyết tật.

Mặc kệ những lời gièm pha, cả hai đã xây dựng gia đình ấm áp

bá hoàng

Nhưng chị Thư nghĩ khác. "Tôi thương anh Toán bởi anh có ý chí, có tấm lòng bao dung và cũng rất quan tâm đến tôi. Mặc dù anh đi đứng không vững, nhưng vẫn chứng tỏ được là điểm tựa vững chắc để tôi yên tâm dựa vào", chị Thư nói.

Trước đó, cả hai có thời gian quen biết, giúp đỡ nhau qua công việc. Chị Thư gần nhà anh Toán nên hôm nào cũng thấy mặt nhau. Khi tiếp xúc nhiều, cả hai dần dần dành tình cảm cho nhau...

Đến nay, vợ chồng "hiệp sĩ tình nguyện" sinh được 2 con, cuộc sống ổn định dưới mái nhà êm ấm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.