An toàn của người bệnh

03/04/2018 05:13 GMT+7

Sự việc nhân viên Trung tâm y tế H.Tân Phước (Tiền Giang) cấp nhầm thuốc phá thai thay vì thuốc dưỡng thai cho 3 thai phụ lại gióng lên hồi chuông về an toàn người bệnh.

Sau khi dùng thuốc, một thai phụ đã mất con khi thai nhi được 8 tuần tuổi.
Đáng lo ngại hơn, sự nhầm lẫn chết người này đã không trở thành hy hữu nữa, bởi mới hồi đầu tháng 1, một nữ nhân viên y tế của một cơ sở y tế tại Quảng Ngãi cũng nhầm lẫn tương tự. Nhầm lẫn này khiến vợ chồng thai phụ đã bị mất con khi thai nhi được 6 tuần tuổi; hay nhiều người trong chúng ta vẫn chưa quên vụ việc tiêm nhầm thuốc thay vì tiêm vắc xin tại Quảng Trị khiến 3 trẻ sơ sinh tử vong. Hoặc mới đây, ngay tại một bệnh viện tuyến huyện của Hà Nội cũng xảy ra nhầm lẫn về đường dùng thuốc khiến bệnh nhân nguy kịch, bởi thay vì uống thuốc, điều dưỡng lại tiêm cho bệnh nhi.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng những sự việc nhầm lẫn vừa qua đòi hỏi các cơ sở y tế cần chấn chỉnh nghiêm túc thực hiện quy trình chuyên môn, an toàn người bệnh. Trong các trường hợp trên, nhân viên y tế đã không tuân thủ quy trình cơ bản nhất là: “5 tra 3 đối”: kiểm tra tên người bệnh tên thuốc, liều thuốc, đối chiếu nhãn thuốc; chất lượng thuốc, đường tiêm thuốc, thời hạn dùng thuốc... Ông Đinh Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế), cho rằng: “Vấn đề ở đây là nhân viên y tế chưa làm hết trách nhiệm bởi việc đảm bảo chính xác trong tình huống này không đòi hỏi phải kỹ thuật cao siêu mà hoàn toàn là do tinh thần trách nhiệm của nhân viên y tế, và một phần nữa là do người đứng đầu chưa quan tâm đến tổ chức kiểm tra giám sát”.
Sai sót hay tai biến trong điều trị luôn có thể xảy ra nhưng có những sai sót không thể chấp nhận bởi nó hoàn toàn do cẩu thả, vô trách nhiệm.
Một chuyên gia nhiều năm trong ngành cho rằng Bộ Y tế đã có rất nhiều đề án nâng cao chất lượng y tế cơ sở nhưng hãy làm điều đó thực chất hơn và cơ bản hơn, không chỉ nhìn vào các kỹ thuật cao được chuyển giao mà hài lòng với thành tích, mà cần nâng cao chất lượng y tế cơ sở từ những điều tưởng như “thô sơ” nhất nhưng lại cơ bản nhất, đó là ý thức tuân thủ các quy trình chuyên môn, tinh thần trách nhiệm”.
“Bộ Y tế hiện vẫn chưa có hệ thống tiếp nhận và cảnh báo để giảm thiểu và ngăn chặn các sai sót gây nguy hiểm cho người bệnh. Cần khẩn trương thiết lập hoàn chỉnh hệ thống cảnh báo, trong đó không chỉ là cảnh báo về mất an toàn người bệnh mà còn là cảnh báo về tinh thần trách nhiệm của nhân viên y tế”, chuyên gia này lên tiếng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.