Ăn thịt thú rừng xả láng vì nghĩ 'thế mới là đẳng cấp'!

17/12/2021 16:37 GMT+7

Hoa hậu H’ Hen Niê kể trong nhiều chuyến đi công tác của mình, cô được mời ăn thịt thú rừng với lời giới thiệu 'thịt này mới ngon', 'ăn thế mới là đẳng cấp'.

Thịt thú rừng bán cho người mua về ăn ở Gia Lai

Đình Văn

Năm hết tết đến, nhiều người còn tự hào khi trong nhà có chiếc ngà voi để trưng cho sang, đeo trên tay chiếc nhẫn đuôi voi cho “may mắn”. Vậy ăn thịt thú rừng có phải là đẳng cấp, sang trọng, biếu nhau quà có nguồn gốc động vật hoang dã có phải là lối sống sang chảnh hay đang tận diệt thiên nhiên?

Mối đe dọa lớn nhất của động vật hoang dã là “chuẩn mực xã hội”

Chiều qua, 16.12, CHANGE phối hợp cùng WildAid tổ chức lễ trao giải báo chí môi trường VIEWS Awards 2021 tại TP.HCM. Chị Hoàng Thị Minh Hồng, nhà sáng lập CHANGE, chia sẻ một thực tế, trong suốt thời gian qua, khi chị đi rất nhiều nơi chia sẻ những câu chuyện như tê giác sắp tuyệt chủng rồi, voi hoang dã ở Việt Nam sắp chết hết rồi, chị và mọi người đều nhận được rất nhiều câu hỏi ngược vô cảm: “Ừ, thì sao?”.

Chị đưa ra những con số khiến tất cả mọi người đều rùng mình, từ năm 2018 tới 2021 có tới 15 tấn ngà voi, 36 tấn vảy tê tê bị thu giữ. “Vào tháng 7.2021, khi chúng ta đang ở trong nhà vì giãn cách xã hội, thì có tới hơn 3 tấn xương sư tử bị thu giữ ở cảng Tiên Sa (Đà Nẵng). Sư tử sống ở châu Phi. Nó không sống ở Việt Nam. Mọi người biết xương sư tử này để làm gì không. Đó là để mang về nấu cao hổ cốt, vì xương hổ hết rồi nên người ta lấy xương sư tử để thay thế”, chị Hồng kể.

Nhiều người nghĩ ăn thịt thú rừng mới là đẳng cấp

Đình Văn

Vấn nạn buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã đã trở thành mối quan tâm chung của toàn xã hội, khi đại dịch Covid-19 được cho là xuất phát từ virus corona lây truyền từ động vật hoang dã sang con người.

Đáng chú ý, nạn buôn bán động vật hoang dã đang trở lại sau thời gian bùng phát dịch bệnh. Nhưng, theo chị Hồng, mối đe dọa lớn nhất của động vật hoang dã không phải là những kẻ buôn lậu, những kẻ săn bắn, mà đó là “chuẩn mực xã hội”. Rất nhiều người e ngại đứng lên trước đám đông để nói về bảo vệ động vật hoang dã vì nghĩ đó là vấn đề nhạy cảm. Nhưng rất nhiều người đang nghĩ rằng ăn thịt con đó mới là đặc sản, có một cái sừng trong nhà mới là đẳng cấp, sang trọng.

“Mẹ tớ ở nhà ăn con cọp Phi, không phải cọp Việt”

Sự kiện trao giải báo chí môi trường cũng gây chú ý khi có phần bàn tròn thảo luận của các khách mời về chủ đề “văn hóa ăn thịt rừng”.

MC Trác Thúy Miêu chia sẻ câu chuyện từ người thân của cô, người đó khoe “mẹ tớ ở nhà ăn cọp Phi, không phải cọp Việt, dứt khoát không bao giờ ăn con cọp nhà mình”. Hay họ khoe bột tê tê này là đồ nhập khẩu… với suy nghĩ, ăn đồ hoang dã từ nước ngoài chứ đâu có ăn động vật hoang dã Việt Nam!

Top 5 Hoa hậu hoàn vũ Đào Thị Hà theo dõi chương trình

btc

Hoa hậu H’ Hen Niê kể, cô là người Ê đê, bà con quê hương cô tới giờ vẫn giữ được những món ăn truyền thống quê hương như lá mì, cà đắng, không bao giờ lên rừng săn bắt thú. Một người ông của cô sống tới 109 tuổi, trước khi mất vẫn rất minh mẫn, ông chỉ ăn rau rừng, muối chan cơm. Trong nhiều chuyến công tác của mình, H’ Hen Niê không ít lần được mời ăn thịt rừng, mọi người giới thiệu thế mới là thịt ngon.

“Tôi thấy nhiều người có suy nghĩ giữ được trong nhà ngà voi, lông đuôi voi mới là may mắn. Người ở thành phố nghĩ rằng đẳng cấp là được ăn thịt rừng, khoe với người này là được ăn thịt này, thịt kia rất tự hào”.

Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch hội đồng quản trị và Tổng giám đốc GC Food, cũng thừa nhận một thực tế nhiều lần đi công tác, ông cũng được mời các món thịt thú rừng với lời giới thiệu "rất ngon". "Tôi nhìn các con thú rừng rất dễ thương, tội nghiệp, tại sao nỡ lòng nào ăn thịt nó", ông Thứ kể.

Hoa hậu H’ Hen Niê tham gia chương trình

btc

Là một người con của núi rừng Tây Nguyên, H’Hen Niê thẳng thắn nêu quan điểm: "Ăn thịt rừng không phải là đẳng cấp. Bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ hệ sinh thái mới chính là công việc thể hiện đẳng cấp của chúng ta".

Lễ trao giải VIEWS Awards 2021 có sự tham gia của 80 khách mời là đại diện các lãnh sự quán Anh, Hoa Kỳ, Canada, Ấn Độ… cùng đại diện nhiều doanh nghiệp, nhà báo, cơ quan tổ chức…

Các khách mời trao đổi về chủ đề ăn thịt thú rừng

Đây là giải báo chí môi trường thường niên do CHANGE khởi xướng. Năm nay chủ đề là “Truy vết đặc sản thú rừng". Ban tổ chức chọn 8 tác phẩm cho giải mạng xã hội, 6 tác phẩm cho giải báo chí.

Cũng tại sự kiện này, CHANGE chia sẻ kế hoạch những dự án và chiến dịch động vật hoang dã trong thời gian tới. Với mong muốn không còn ai ăn thịt thú rừng, cùng nhau nỗ lực cứu các loài động vật hoang dã khỏi nguy cơ tuyệt chủng, cũng như phòng ngừa các đại dịch trong tương lai.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.