Ân nhân của làng

Mạnh Cường
Mạnh Cường
07/10/2021 08:10 GMT+7

Cuộc di cư của làng Achoong chỉ dừng lại khi Amế Chín (Tơ Ngôl Chín, 66 tuổi, xã Ch’Ơm, H.Tây Giang, Quảng Nam) hiến hơn 20.000 m 2 đất để định cư, lập làng. Ngót nghét trải qua 20 năm, làng Achoong vẫn sừng sững dưới chân dãy Trường Sơn hùng vĩ.

Hiến đất lập làng

Vì đã hẹn trước, khi đến làng Achoong (xã Ch’Ơm) chúng tôi được vị trưởng thôn trẻ tuổi Alăng Lơ (35 tuổi) vui vẻ tiếp đón ngay trong gươl (nhà sinh hoạt cộng đồng). Achoong là một trong những bản làng được mệnh danh “cổng trời” nơi vùng biên giới Việt - Lào với 32 hộ dân (140 nhân khẩu) đang sinh sống.

Alăng Lơ vui vẻ rót nước mời khách, cái thứ nước hãm từ những lá cây được hái từ bên kia sườn núi, rồi trải dài câu chuyện lập làng của mình. Trong ký ức ngày cũ của vị trưởng thôn trẻ tuổi này là khoảng trời lang bạt với cuộc sống “nay đây, mai đó”. Trước đây, làng người Cơ Tu này nằm cheo leo trên sườn dốc, tách lập với bên ngoài. Làng cách làng phải mất vài ngày đường băng rừng, lội suối, khiến chuyện học hành của con trẻ cũng đầy gian nan.

“Đời sống người dân thực sự ổn định là khi có chủ trương xóa bỏ du canh du cư đối với người dân miền núi. Chủ trương đi vào cuộc sống, hàng loạt người dân miền núi đã đồng lòng hưởng ứng, rồi hiến tặng đất đai, vườn tược để xây dựng làng mới, cùng các công trình dân sinh khác. Cả ngôi làng Achoong này được xây dựng trên chính mảnh đất do Amế (mẹ) Tơ Ngôl Chín hiến tặng với hơn 20.000 m2”, Alăng Lơ cười nói, rồi chỉ tay về căn nhà bê tông kiên cố nơi bà Tơ Ngôl Chín đang sinh sống cùng các con.

Một góc làng Achoong được xây dựng trên đất bà Tơ Ngôl Chín hiến tặng

Theo Alăng Lơ, không chỉ ngôi làng này mà toàn bộ diện tích đất khoảng 30.000 m2 phủ rộng cả trung tâm xã, trạm y tế, trường học đều do Amế Chín hiến tặng, với ước vọng cho miền non cao khởi sắc.

Chúng tôi hướng về ngôi nhà của Amế Chín khi thấp thoáng thấy bóng dáng nhỏ thó của bà đang ôm mớ củi chất vào giàn bếp để hong cho khô, chuẩn bị cho mùa mưa đang áp sát. “Amế hiến đất cho làng nhiều không?”, tôi mở đầu câu chuyện. “Mình không biết nữa, có bao nhiêu đất đều cho hết. Tất cả diện tích đất đều do vợ chồng Amế khai hoang. Khoảng đầu năm 2000 ấy, thấy bà con cứ đi quanh ngọn núi, đến mùa mưa lại phải chạy qua nhà khác để trốn, nên khai hoang được bao nhiêu, Amế cho hết”, Amế Chín cười, để lộ hàm răng đen bóng vì nhai trầu.

Amế Chín có 10 người con, tất cả được vợ chồng bà cho ăn học đến nơi đến chốn. Hiện con trai út của bà đang là sinh viên năm 3 ngành công nghệ sinh học Trường ĐH Khoa học Huế. Đầu năm 2020, chồng bà mất vì bệnh.

Tôi nhìn người đàn bà trước mặt, nét khắc khổ thường thấy của phụ nữ vùng cao vẫn hiện rõ. Tôi tiếp tục hỏi: “Bây giờ, Amế có thấy tiếc khi hiến tặng nhiều diện tích đất vậy không?”. “Ôi, tiếc gì đâu con. Đất nhiều cũng để làm gì đâu. Hiến đất cũng là để có được nơi ở mới ổn định cho con cháu, cho dân làng sau này. Nếu còn, cũng sẽ hiến để mở rộng thêm không gian làng. Thời Amế đã khổ rồi, bây giờ phải khác xưa chứ! Amế muốn người dân có một cuộc sống ổn định, không phải chịu cảnh lang bạt nay đây, mai đó cùng với nỗi lo núi lở nữa”.

Câu chuyện của Amế Chín làm tôi liên tưởng đến những tấm lòng trung kiên, sự hào phóng của đồng bào Cơ Tu năm xưa trong kháng chiến. Họ chịu đói, chịu gian khổ để nuôi giấu cán bộ, để làm cách mạng, đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, mà không bao giờ nghĩ đến sự đáp đền sau này.

Trạm y tế Ch’Ơm khang trang

MẠNH CƯỜNG

Amế Chín nói, bây giờ ngoài mảnh vườn nhỏ cùng diện tích nhà đất để ở, bà không còn khu đất nào nữa. Tất cả đều đã được hiến cho dân làng, cho chủ trương tái định cư, được kỳ vọng sẽ đem lại những đổi thay ở vùng đất biên cương đầy nắng gió này.

Ước vọng non cao khởi sắc

Tơ Ngôl Nhang (33 tuổi, ở thôn Achoong), một trong 32 hộ dân dựng nhà trên “đất chung” của làng, không giấu được niềm vui khi kể về cuộc sống mới ở nơi này. Nhang lập gia đình nhưng không có đất, mấy năm vợ chồng cùng các con phải sống chung với bố mẹ và các em trong căn nhà nhỏ chênh vênh sườn núi, khiến cuộc sống sinh hoạt gặp nhiều khó khăn. Nhiều lần mưa lớn gây sạt lở sát nhà, anh và người thân phải đi nơi khác lánh nạn. Cuộc sống lúc đó khổ cực trăm bề, cái nghèo cứ đeo bám mãi.

“Cũng may, khi có chủ trương tái định cư, gia đình Amế Chín đã tình nguyện hiến hàng chục ngàn mét vuông đất để dân làng có nơi ở mới ổn định. Bây giờ, ở làng Achoong này, người dân đã có của ăn, của để. Đặc biệt hơn, chúng tôi không còn lo lắng về tình trạng sạt lở đất mỗi khi mùa mưa lũ về. Người dân xem Amế Chín như ân nhân của làng”, anh Nhang chia sẻ.

Bà Tơ Ngôl Chín

Ông Pơloong Nhiêu, Phó bí thư Đảng ủy xã Ch’Ơm, ghi nhận những đóng góp của gia đình bà Tơ Ngôl Chín khi sẵn sàng hiến cả hàng chục ngàn mét vuông đất mà không đòi hỏi một thứ gì. “Cả chính quyền lẫn người dân đều biết ơn tấm lòng thơm thảo của bà Chín. Nhờ bà mà làng mới nay đã hình thành, ổn định trên một mặt bằng rộng lớn, đảm bảo điều kiện đất ở cho đồng bào vùng biên này. Và đặc biệt hơn, người dân không còn lo sợ, ám ảnh bởi tình trạng sạt lở khi mùa mưa về nữa”, ông Nhiêu nói.

Chiều muộn, cơn mưa rừng đổ về bất chợt khiến cái lạnh nơi vùng cao biên giới luồn sâu theo từng kẽ hở của nhà sàn. Vị trưởng thôn trẻ tuổi Alăng Lơ lại kéo chúng tôi vào góc bếp, thêm mấy nhánh củi cho ấm nước sôi ục. Cái thứ nước vàng nhạt, vị thơm, sau khi uống ngọt thanh ở cổ khiến chúng tôi phải trầm trồ. Như hiểu được, Lơ cười bảo: “Lá đảng sâm đấy! Làng mình giờ khá lên là nhờ nó. Hiện nay, 100% người dân trong làng đều trồng đảng sâm”.

Alăng Lơ nói đảng sâm là một sản vật quý có giá trị kinh tế cao, góp công rất lớn cho sự đổi thay của làng vùng biên Achoong này. “Đảng sâm thực sự được biết đến cũng chỉ vài năm trở lại đây, khi mặt bằng tái định cư được xây dựng, cuộc sống người dân ổn định hơn trước. Từ đó, người dân bắt đầu chú ý đến việc phát triển loại thảo mộc của núi rừng này. Về cơ bản, nó vừa dễ trồng, ít công chăm sóc nhưng hiệu quả kinh tế lại cao hơn nhiều so với làm rẫy”, Alăng Lơ nói.

Cơn mưa chiều vừa dứt, bóng dáng những phụ nữ Cơ Tu trở về nhà sau chuyến đi rẫy thấp thoáng phía cuối làng. Mây sà xuống, la đà, ôm làng Achoong vào trong mờ ảo. Từ trên cao nhìn xuống, Achoong bình yên đến lạ. Nơi góc núi, vẫn ngút ngàn một màu xanh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.