Ăn nên làm ra từ cây bồn bồn

07/01/2019 11:16 GMT+7

Mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng bồn bồn, nhiều hộ dân ở xã Mỹ Thuận, H.Mỹ Tú (Sóc Trăng) có cuộc sống khấm khá.

Đi cùng chúng tôi trên tỉnh lộ 940, đoạn ngang qua xã Mỹ Thuận, mênh mông những cánh đồng bồn bồn xanh mượt, ông Lê Văn Hồ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Thuận, cho biết đây là cây trồng chủ lực của xã, bởi vùng đất này vừa trũng lại vừa nhiễm mặn mỗi năm 6 tháng.
Trước đây nông dân trồng lúa nhưng hiệu quả thấp nên dần chuyển sang trồng bồn bồn. Hiện đã có trên 60 hộ trồng với diện tích khoảng 90 ha, mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Các ấp có diện tích trồng nhiều bồn bồn nhất là Phước An, Phước Bình, Tam Sóc, D1, D2, D3… Nhiều hộ còn mở rộng diện tích trồng hàng chục công.
Ông Chung Văn Hiền (ngụ ấp Tam Sóc D3) vừa trồng bồn bồn vừa mở cơ sở chuyên kinh doanh, mỗi ngày tiêu thụ cả tấn bồn bồn tươi và bồn bồn ngâm muối. Ông Hiền cho biết thời điểm này tuy không phải cao điểm nhưng mỗi ngày cơ sở của ông vẫn thu mua từ 400 - 500 kg bồn bồn tươi với giá 13.000 đồng/kg, sau đó ông giữ lại khoảng 30% làm bồn bồn muối bán với giá 19.000 đồng/kg.
Ông Thái Văn Tín, thương lái đến từ tỉnh Bình Dương cho biết: “Tôi mua bán bồn bồn tại xứ nầy đã trên 20 năm, mấy năm trước tưởng đâu phá sản rồi, nay đã có giá trở lại. Theo tôi không có bồn bồn nơi nào lại tốt và thơm ngon như ở Mỹ Thuận, vì vậy dù giá bán có cao hơn các nơi khác đôi chút nhưng tôi vẫn cứ mua bán lại cho người tiêu dùng”.
Ngoài việc trồng bồn bồn thương phẩm, người dân Mỹ Thuận còn tận dụng mặt nước trong đồng ruộng để nuôi thủy sản, nhiều nhất là tôm càng xanh và cá các loại để có nguồn thu nhập thường xuyên, phát triển kinh tế gia đình. Ông Thạch Thum, ngụ ấp Tam Sóc B1 kể: “Hồi đó nhiều người chưa biết hết giá trị của loại cây bồn bồn nên không mấy quan tâm. Giờ biết rồi thì tận dụng tối đa lợi thế của chúng. Năm 2004 tôi bắt đầu trồng 120 gốc bồn bồn trên 4 công đất. Thấy thu nhập ổn định, tôi đầu tư thêm 10 công đất để trồng, mỗi năm lãi trên 200 triệu đồng. Đó là chưa kể đến hàng chục triệu đồng khác từ nguồn tôm càng xanh và cá chép, chẽm, mè vinh”.
Theo người dân địa phương, bồn bồn là cây dễ trồng. Khi chúng được 3 - 4 năm tuổi thì phải dùng phân chuồng ủ men vi sinh cải tạo đất để những vụ sau bồn bồn phát triển nhanh. Mỗi năm bồn bồn cho thu hoạch nhiều đợt, sau mỗi lần thu hoạch canh mực nước vừa đủ để bồn bồn nhảy con tối đa, chắc, khỏe. Bình quân mỗi công bồn bồn cho sản lượng 200 kg, sau khi trừ chi phí lợi nhuận khoảng 2 triệu đồng/tháng/công. Để tăng thêm thu nhập và tạo việc làm cho lao động nông nhàn, đã có hàng chục hộ dân chọn mô hình làm bồn bồn ngâm muối để bán cho thương lái lẫn người tiêu dùng có yêu cầu.
Bà Dư Thị Thu (60 tuổi, ngụ ấp Tam Sóc D1) kể: “Tôi làm bồn bồn muối đã trên 30 năm, mỗi ngày bán từ 30 - 50 kg, tiền lãi xấp xỉ 300.000 đồng, đủ chi phí sinh hoạt gia đình và nuôi các con ăn học”. Theo bà Thu, muốn có bồn bồn muối ngon thì sau khi nhổ lên tước bỏ lớp vỏ ngoài rồi cắt lấy phần gốc non đem đi rửa sạch, chẻ đôi, ngâm nước vo gạo. Sau đó để khoảng 3 đêm để tạo độ chua rồi cho đường, muối vô hòa tan.
Ông Lê Văn Hồ cho biết bồn bồn là cây trồng chiến lược, phù hợp với địa hình trũng, thấp, ngập mặn của địa phương. Cạnh đó còn rất phù hợp với tập tính canh tác của người dân, nhất là người dân tộc Khmer khá đông ở đây. Hướng tới, xã sẽ thành lập tổ hợp tác để tìm đầu ra ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, giúp bà con tăng cao nguồn thu nhập.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.