Ăn một củ mỳ luộc cũng nhớ tới người sau

20/05/2020 16:07 GMT+7

.

Quảng Ngãi vừa kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà cách mạng Trần Kiên, một trong những người gần gũi nhất với nhân dân mình, từ bộ đội trên Trường Sơn ngày đánh Mỹ tới nhân dân ở Tây Nguyên, tới nhân dân Quảng Ngãi, những đồng hương với ông Trần Kiên.
Bây giờ, cứ nhìn lại ngôi nhà hết sức tuềnh toàng mà vợ chồng ông Trần Kiên sống trong những năm cuối đời, ngôi nhà số 4 đường Trần Quang Diệu, tôi bảo đảm, rất nhiều người khi nhìn hình ảnh ngôi nhà ấy sẽ bồi hồi xúc động. Ngôi nhà ấy càng nhỏ bé, càng giản dị bao nhiêu, thì tâm hồn của người chủ nhà càng cao rộng đẹp đẽ bấy nhiêu. Ở nhà to sang chảnh chưa chắc mình đã đẹp, còn ở nhà nhỏ như ngôi nhà ông Trần Kiên ở, thì nhân dân Quảng Ngãi sẽ nhớ mãi.
Cuộc đời hoạt động cách mạng, vì dân vì nước của ông Trần Kiên thì nhiều người đã biết. Nhưng có một điều tôi thấy rõ nhất ở con người này, đó là ông Kiên luôn luôn nghĩ cho dân, và luôn nói đi đôi với làm. Ông không bao giờ nói những điều vu khoát, không bao giờ dùng những mỹ từ lộng lẫy nhưng vô nghĩa. Ngày còn làm bí thư Đắc Lắc, ông Trần Kiên đã nghĩ phải biến vùng đất cao nguyên này thành thủ phủ cây cà phê. Nghĩ là làm, ông đã cho hàng đoàn xe tải về TP Hồ Chí Minh xin phân hữu cơ chở lên Đắc Lắc để bón cho những vườn cà phê đầu tiên, sau này phát triển lên thành những vùng cà phê mênh mông. Phải có ai đó làm một điều hữu ích đầu tiên, để tạo đà cho sự phát triển.
Tôi còn nhớ, ngày ông Trần Kiên về Quảng Ngãi, ông đã khởi phát một mô hình nông nghiệp mới lạ so với hồi ấy, đó là mô hình “ba tầng sinh thái”. Trên đất vườn có thể trồng ba giống cây ở ba tầng không gian phát triển khác nhau: tầng dưới cùng cho những loại cây hay rau mọc sát đất, tầng giữa cho những loại cây phát triển trung bình, và tầng cao cho những loại cây thân thẳng có chiều cao vượt trội. Có thể bây giờ, ý tưởng ấy không còn mới nữa, nhưng ngót ba mươi năm trước, đó là một ý tưởng nông nghiệp hoàn toàn mới mẻ với Quảng Ngãi. Nói là làm, ông Trần Kiên đã huy động vùng đất vườn của chính quê nhà ông để thí nghiệm mô hình nông nghiệp “ba tầng sinh thái” này. Bây giờ, mô hình này chưa thành công nhiều ở Quảng Ngãi, nhưng lại rất thành công ở Tây Nguyên, nơi người ta biết quí từng giọt nước trong mùa khô hạn. Mà không gì giữ nước tốt bằng ba tầng cây cùng sinh tồn trên mặt đất. Đó là mô hình nông nghiệp dựa vào đặc tính tự nhiên của cây xanh, là sự am hiểu tuyệt vời về sinh học cây cối. Các loài cây trong thiên nhiên luôn biết nương tựa vào nhau, nâng đỡ nhau để cùng tồn tại và phát triển, nhất là trong những điều kiện thời tiết không thuận lợi. Có lần ông Trần Kiên nói với tôi: “ Cây xanh cũng biết đoàn kết để cùng nhau sinh tồn đấy anh à.” Đó là câu nói sâu sắc của một nhà triết học sinh thái, dù ông Trần Kiên không phải nhà triết học. Ông là con người hành động, nói đi đôi với làm. Có khi làm trước mới nói sau. Như những năm đánh Mỹ trên Trường Sơn, lính ta thường truyền nhau cái lệnh rất lạ của ông Trần Kiên: “ Mỗi người khi qua binh trạm đào mỳ( sắn) ăn thì phải lấy thân cây mỳ trồng lại cho người sau có củ mỳ ăn”. Không có một cái lệnh nào giản dị hơn thế, mà thực tế hơn thế. Tôi nghĩ, chính khi tự tay trồng lại thân cây mỳ cho người sau qua Trường Sơn có cái ăn, ông Kiên đã nghĩ ra cái lệnh độc đáo này.
Con người ông Trần Kiên bình dị cho tới phút cuối đời. Nhưng có những giá trị rất bình dị còn lại mãi với cuộc sống. Đó là những giá trị khi con người biết vì nước vì dân, lo trước cái lo thiên hạ, vui sau cái vui thiên hạ. Ăn một củ mỳ luộc cũng nhớ tới người sau. Sống thanh thản như ba tầng cây sinh thái. Luôn nói ít, và làm nhiều.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.