Án hành chính ‘tắc’ vì chính quyền không đối thoại, tòa án nể nang

Lê Hiệp
Lê Hiệp
23/08/2018 05:15 GMT+7

Theo Ủy ban Tư pháp Quốc hội, án hành chính chưa thi hành tồn đọng qua nhiều năm cho thấy việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương của cơ quan hành chính chưa nghiêm, làm giảm lòng tin của nhân dân.

Sáng 22.8, Ủy ban Tư pháp của QH tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 10, cho ý kiến về dự thảo Báo cáo giám sát việc giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của chủ tịch UBND, UBND của ủy ban này.
Gia tăng việc không đối thoại, không dự tòa
Chúng tôi xem ti vi thấy các đồng chí đi khởi công, đi động thổ, đi dự hội nghị ngành nọ, ngành kia thì được. Vậy tại sao không tham gia đối thoại
Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội

Theo dự thảo báo cáo do bà Nguyễn Thị Thủy, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp, trình tại phiên họp, tính từ năm 2015, khi thực hiện luật Tố tụng hành chính 2015, tỷ lệ chủ tịch UBND và người đại diện UBND các cấp không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa hành chính có xu hướng ngày càng tăng. Năm 2017, tỷ lệ này tăng gấp 3 lần so với trước 2015 (năm 2015 là 10,71%; năm 2016 là 21,93% và năm 2017 là 31,69%). Như tại Hà Nội, trong 3 năm (2015 - 2017), TAND TP xét xử 189 vụ án hành chính nhưng chưa có vụ án nào Chủ tịch UBND, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội tham gia phiên tòa. Tại TP.HCM, năm 2017 có 260/260 vụ (100%) không tổ chức đối thoại được do chủ tịch UBND và đại diện UBND vắng mặt tại TAND TP.HCM...
Không chỉ vậy, việc chấp hành các bản án đã được tòa phán quyết của chủ tịch UBND, UBND các cấp cũng còn nhiều hạn chế. Báo cáo giám sát đánh giá, hạn chế lớn nhất là cho tới nay vẫn còn 36 bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa được chủ tịch UBND, UBND các cấp thi hành, gây bức xúc cho người dân, thậm chí có bản án hiệu lực từ 2011 tới nay vẫn chưa được thi hành. “Việc tồn đọng án hành chính chưa thi hành là hạn chế lớn nhất và đã tồn tại qua nhiều năm, cho thấy việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm, làm giảm lòng tin của nhân dân”, bà Thủy nói và cho biết đoàn giám sát đề nghị Chính phủ có biện pháp đảm bảo kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, thi hành các bản án, quyết định hành chính của tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Dự động thổ, khởi công được, sao không đối thoại với dân?
Phát biểu tại phiên họp, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại QH Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, kết quả giám sát thể hiện rất rõ tình trạng yếu kém, thiếu kỷ luật, kỷ cương của nền hành chính hiện nay và “bức tranh hành chính như thế thì hết chỗ nói”. Theo ông Cương, việc lãnh đạo chính quyền địa phương không tham gia đối thoại, tham gia phiên tòa cũng như không chấp hành các bản án đã có hiệu lực bắt nguồn từ vấn đề nhận thức. “Đây là một sự coi thường, bất chấp pháp luật chứ không chỉ là vấn đề "không nghiêm túc" như báo cáo nêu”, ông Cương nhấn mạnh.
Trong khi đó, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng cũng cần chia sẻ với các chủ tịch, phó chủ tịch UBND vì với số lượng các vụ án hành chính hiện nay thì họ phải ra tòa liên tục. “Một năm, TP.HCM và Hà Nội có khoảng 2.000 vụ án hành chính, nếu ngày nào cũng xử thì mỗi ngày phải xử 3 vụ. Như vậy, mỗi ngày phải có 3 ông chủ tịch, phó chủ tịch ra tòa thì không lấy đâu ra người”, ông Bình nói và cho rằng cần nhìn lại tính hợp lý của luật khi quy định chủ tịch UBND chỉ được ủy quyền cho cấp phó tham gia phiên tòa.
Dù “chia sẻ”, nhưng Chánh án TAND tối cao cũng cho rằng, việc chính quyền không tham gia đối thoại, tham gia phiên tòa là nguyên nhân khiến nhiều bản án hành chính khó thi hành. Vì trong suốt quá trình, chính quyền không tham gia, chỉ đến khi tòa tuyên án và chính quyền thua thì mới bắt đầu có ý kiến, yêu cầu, kháng nghị.
Thừa nhận nhiều địa phương kêu khó và đề nghị sửa quy định tại luật Tố tụng hành chính 2015 về người đại diện, song bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH, cho rằng vấn đề không chỉ nằm ở khó khăn do quy định của luật thu hẹp đối tượng được ủy quyền. “TP.HCM trong 3 năm có 260 vụ nhưng lãnh đạo chính quyền các cấp không tham gia đối thoại bất cứ một vụ nào, không tham gia phiên tòa. Chẳng lẽ, trong 3 năm trời ở một TP lớn không cử được một đồng chí phó nào? Chúng tôi xem ti vi thấy các đồng chí đi khởi công, đi động thổ, đi dự hội nghị ngành nọ, ngành kia thì được. Vậy tại sao không tham gia đối thoại được độ 10 vụ đi, cho gọi là có tham gia. Còn 260/260 vụ không thể nào cử được vì không đủ cấp phó thì có giải thích được không?”, bà Nga nói.
Tòa, Viện nể nang, ngại va chạm
Dự thảo báo cáo giám sát cũng chỉ ra một hạn chế lớn trong việc giải quyết các vụ án hành chính là sự nể nang và ngại va chạm với chính quyền địa phương của tòa án, viện kiểm sát (VKS) và cả cơ quan thi hành án, dẫn đến nhiều bản án tòa tuyên không đúng pháp luật, bị hủy, sửa; tỷ lệ phát hiện vi phạm để kháng nghị của VKS không cao, phải để VKS cấp trên kháng nghị; nhiều bản án đã tuyên có hiệu lực nhưng không thi hành được. “Cần phải làm rõ tại sao nhiều năm nay, từ khi có loại án hành chính lại có một đánh giá "thường trực" là thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên ngại va chạm, nể nang trong xét xử, kiểm sát và thi hành loại án này? Nguyên nhân là do đâu?”, bà Nga đặt vấn đề.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Hồng Hà, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật QH, nguyên Chánh án TAND Vĩnh Phúc, cho rằng tòa án hành chính là tòa án rất khó vì “một bên là chính quyền, một bên là người dân” nên đúng là nhiều thẩm phán ngại va chạm. Ông Hà cho biết, có 2 yếu tố mà tòa án phụ thuộc vào chính quyền địa phương, đó là bổ nhiệm cán bộ và kinh phí. Thẩm phán khi bổ nhiệm và bổ nhiệm lại đều phải có ý kiến của cấp ủy và điều này cũng tạo nên áp lực cho các thẩm phán. Về kinh phí, các tòa án, đặc biệt là cấp huyện, vẫn gặp khó khăn nên việc hỗ trợ của các địa phương cho các tòa án là có.
Ông Phương Hữu Oanh, kiểm sát viên VKS tối cao, cho biết có nhiều địa phương VKS phát hiện ra vi phạm trong các bản án hành chính nhưng lại phải “mượn tay” VKS cấp trên để kháng nghị, vì ngại va chạm với tòa án cũng như chính quyền địa phương cùng cấp.
Trong khi đó, ông Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh, cho rằng thực tế hiện tượng cá nhân đảng viên lợi dụng chức vụ trong đảng để can thiệp, làm khó tòa án xét xử các vụ án hành chính là có, dù Đảng, Nhà nước hoàn toàn không có chủ trương này. “Nếu không chấn chỉnh thì án hành chính vẫn cứ trì trệ mãi thế này”, ông Bộ nêu. Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thái Học, Phó trưởng Ban Nội chính T.Ư, khẳng định có chuyện ngại va chạm giữa các cơ quan tư pháp trong quá trình thực hiện kiểm sát, xét xử và thi hành án. “Thực tế ở các địa phương có chuyện các cấp ủy Đảng can thiệp sâu, thậm chí trái pháp luật vào hoạt động xét xử của cơ quan tư pháp. Vấn đề này chúng ta phải nói rõ ràng, Đảng không buông lỏng sự lãnh đạo với các cơ quan tư pháp nhưng không được can thiệp trái pháp luật vào hoạt động chuyên môn của cơ quan tư pháp”, ông Học nói.
Sau khi Thanh Niên ngày 22.8 đăng bài Dân mong gì khi thắng kiện hành chính?, trong đó đề cập việc Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP.HCM quên công khai thông tin về việc không chấp hành án hành chính thuộc thẩm quyền theo dõi của Cục trên trang thông tin điện tử của Cục, chiều cùng ngày Cục trưởng Cục THADS TP.HCM Vũ Quốc Doanh có công văn gửi Báo Thanh Niên, ghi nhận ý kiến báo nêu và bổ sung thực hiện công khai các quyết định buộc thi hành của tòa án đối với những án hành chính có hiệu lực chưa thi hành tại mục “Thông tin về việc không chấp hành án hành chính”.
Ngoài ra, ông Doanh cho biết, các quyết định buộc thi hành án hành chính của tòa được Cục đăng tải công khai tại mục “Quyết định thi hành án hành chính của tòa án” và mục “Thông báo” trên trang tin điện tử của Cục THADS TP.HCM. Theo kết quả công khai, TP.HCM đang có 4 bản án hành chính bị tòa án ra quyết định buộc thi hành nhưng đến nay vẫn chưa thi hành (2 bản án thuộc Chủ tịch UBND TP.HCM, 2 bản án còn lại của UBND Q.2 và UBND Q.12).
Phan Thương
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.