Kinh tế đêm - vì sao thắp mãi chưa 'sán'” ?:

Đến Việt Nam ăn gì, chơi đâu, mua sắm thế nào?

04/05/2023 06:33 GMT+7

Đó là những câu hỏi mà du khách và ngành du lịch đặt ra nhiều năm nay, nhưng để trả lời không dễ dàng dù chúng ta có đầy đủ "tài nguyên" để đáp ứng những nhu cầu này.

Nhật, Hàn, Thái... "móc tiền" du khách như thế nào ?

Trở về sau chuyến du lịch 5 ngày 4 đêm ở Nhật Bản, Minh Hà (ngụ Q.4, TP.HCM) tổng kết đã đóng góp cho ngành du lịch, thương mại của xứ sở mặt trời mọc hơn 80 triệu đồng. Đáng nói là gần một nửa trong số đó đã "bay cái vèo" chỉ sau một buổi tối lang thang mua sắm ở Tokyo.

Chủ ý tìm tới những khu bán đồ nội địa Nhật theo tiêu chí "ngon - bổ - rẻ", Minh Hà được một người bạn bản xứ dẫn tới hệ thống cửa hàng bách hóa Don Quijote. Cũng giống như hệ thống cửa hàng tiện lợi CircleK hay Ministop ở VN, có ở khắp mọi nơi, nhưng điểm khác biệt là Don Quijote có quy mô rất lớn và "gi gỉ gì gi, cái gì cũng có". Đến mức có người ví tìm thứ ở Don Quijote không có còn khó hơn tìm mua món đồ mình cần.

Ăn gì, chơi đâu, mua sắm thế nào ?  - Ảnh 1.

Kinh tế đêm ở VN mới chỉ dừng ở chợ đêm “nhạt” và phố nhậu. Trong ảnh: Chợ đêm Đà Lạt

LÂM VIÊN

Cửa hàng Don Quijote to nhất Tokyo nằm ngay gần Shibuya - giao lộ đông người nhất thế giới đã trở thành biểu tượng của Nhật Bản, nên thu hút rất đông khách du lịch. Để khám phá hết 6 tầng của cửa hàng bách hóa này, du khách có thể phải mất đến 3 giờ đồng hồ. Tuy mỗi sản phẩm đều được bán với giá rất rẻ, áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi nên mỗi vị khách sau khi ra khỏi Don Quijote đều tay xách nách mang túi to túi nhỏ cứ như đang khuân cả bách hóa về nhà.

"Khu vực tính tiền cho khách du lịch trên tầng 7 đông kinh khủng. Có tới gần chục quầy tính tiền, các nhân viên siêu chuyên nghiệp, siêu nhanh nhưng chúng tôi cũng phải xếp hàng gần 45 phút mới tính tiền xong. Trước chúng tôi là hàng dài khách đến từ Malaysia và một vài vị khách trông có vẻ đến từ khu vực Bắc Mỹ. Họ đi theo đoàn 4 - 6 người mà ai cũng chất đầy chiếc xe hàng 2 tầng, toàn mỹ phẩm, bánh kẹo và đồ lưu niệm. Cửa hàng này mở 24/24, doanh thu mỗi tối chắc chắn cực khủng", Minh Hà mô tả.

Chưa hết, xung quanh giao lộ Shibuya nhộn nhịp rất nhiều hàng quán, khu ẩm thực, khu vui chơi, có cả bar, pub… Mua sắm xong, du khách tha hồ đi ăn uống, vui chơi xuyên màn đêm.

"Một buổi tối ở Tokyo thôi, tôi tiêu gần hết số tiền cho cả chuyến, thâm hụt ngân sách dự tính nặng nề, nhưng hàng Nhật nổi tiếng về chất lượng nên cứ chặc lưỡi là cà thẻ", Hà kể.

Ăn chơi, mua sắm là những hoạt động dễ "móc hầu bao" du khách nhất. Đó cũng là lý do Hàn Quốc tập trung đẩy mạnh mô hình chợ đêm sau khi Bupyeong (Busan) - khu chợ đêm đầu tiên - được mở tại xứ kim chi vào cuối năm 2013. Quy tụ rất nhiều món ẩm thực của nhiều quốc gia như VN, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản... và mở cửa tất cả các ngày trong tuần, nên Bupyeong rất đông khách, đặc biệt là vào mùa du lịch cao điểm.

Sau thành công của Bupyeong, mô hình chợ đêm nhanh chóng được nhân rộng ra nhiều TP khác của Hàn Quốc. Tới thời điểm hiện tại, riêng thủ đô Seoul đã có hàng trăm chợ đêm, phục vụ nhu cầu mua sắm, tham quan, ăn uống... của người dân và du khách, khiến TP này thực sự trở nên sống động lúc lên đèn.

Chưa dừng ở đó, để khách du lịch chi tiêu nhiều hơn nữa, chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng và phát triển thêm rất nhiều loại hình vui chơi, giải trí độc lạ. Điển hình là Jimjilbang - nhà tắm công cộng. Từ một hoạt động quen thuộc trong đời sống hằng ngày của người Hàn, các Jimjilbang đã trở thành một trong những trải nghiệm thú vị, nằm trong danh sách những điều phải làm của các tín đồ du lịch khi tới Hàn Quốc. 

Hơn 1 giờ sáng, một nhà tắm hơi công cộng giữa thủ đô Seoul (Hàn Quốc) vẫn nườm nượp người vào đăng ký. Không chỉ xông hơi, ngâm bồn nóng..., các vị khách tới tắm hơi giờ này sẽ ngủ qua đêm luôn tại đây. Dao động từ 12.000 - 50.000 won/người (tương đương từ 230.000 đồng - 1 triệu đồng) tùy quy mô và dịch vụ, mỗi đêm, một Jimjilbang có thể "bỏ túi" một khoản lớn nhờ đón người bản địa và cả du khách quốc tế tới trải nghiệm văn hóa độc đáo này của xứ sở kim chi.

Trong khi đó, Thái Lan, "đối thủ" du lịch hàng đầu của VN, lại phát triển rất tốt mô hình du lịch dựa trên các hoạt động tổ chức sự kiện, tiệc, câu lạc bộ đêm. Được coi là điểm đến "hết tiền vẫn chưa hết chỗ chơi", Pattaya (Thái Lan) đang xếp hạng 2 trong top những TP du lịch hút khách nhất thế giới, chỉ sau London (Anh).

Chúng ta vẫn chỉ dừng ở ăn xong... về ngủ

Trông người lại nghĩ đến... ta. Tại VN, từ khi Chính phủ ban hành đề án phát triển kinh tế đêm năm 2020 đến nay, đã có rất nhiều địa phương nỗ lực phát triển các hệ thống sản phẩm du lịch sau 18 giờ. Thế nhưng, chỉ có một số ít trung tâm du lịch như Phú Quốc, Đà Nẵng hình thành được các sản phẩm mới như hoạt động biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim trên bãi biển, trải nghiệm check-in, chiếu sáng nghệ thuật trên biển… Còn lại, đề án phát triển kinh tế đêm của hầu khắp các tỉnh thành đều chung một định hướng là phát triển các khu chợ đêm, phố ẩm thực.

Đáng nói, sản phẩm đã nghèo nàn lại thiếu sự đầu tư nên từ "chợ âm phủ" Đà Lạt tới chợ đêm Bến Thành của TP.HCM hay chợ đêm Nha Trang, chợ đêm Ninh Kiều (Cần Thơ)… đều mắc chung một căn bệnh "nhạt". Từ đầu đến cuối khu chợ, các quầy hàng quần áo, giày dép, túi xách... bán đồ giống nhau và đa phần xuất xứ từ Trung Quốc hoặc hàng "fake". Chưa kể tình trạng hét giá, chèo kéo, cò cưa vẫn thường xuyên diễn ra.

Trong khi đó, những con "phố Tây" sầm uất nhất, được ví như "thỏi nam châm" hút khách quốc tế đến những TP náo nhiệt hàng đầu VN như TP.HCM hay Hà Nội thì không biết từ bao giờ đã trở thành phố nhậu. Các quầy bia tràn ra lề đường bủa vây du khách. Bên trong là những bar, pub nồng nặc mùi shisha và bóng cười.

Năm 2018, Thái Lan đã vượt qua các quốc gia và lãnh thổ khác ở châu Á về lợi nhuận từ du lịch khi đạt 57 tỉ USD tiền do du khách đổ vào, gần gấp đôi Macau (36 tỉ USD), Nhật Bản (34 tỉ USD), Hồng Kông (33 tỉ USD) và Trung Quốc (33 tỉ USD).

Điểm qua những thủ phủ du lịch của VN, PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế T.Ư, đánh giá: "Đà Nẵng đẹp rực rỡ với đèn trên cầu được thiết kế chiếu sáng kỹ càng, nhưng chỉ có đèn đẹp thôi mà không có người; TP.HCM với "phố Tây" Bùi Viện tưng bừng khách nhảy theo nhịp nhạc nhưng Bùi Viện không kiểm soát được. Nhà tôi bật loa, nhà anh cũng phải bật loa to hơn, thế thì ầm ầm cả phố. Hà Nội có phố Tạ Hiện với bàn ghế, khách và bia nhưng khách đang đông, đang ăn, đang uống bia vui thì nhân viên quán bê cả bàn chạy vì công an đến nhắc nhở. Thế thì làm sao khách thích được!".

Theo ông Thiên, đêm phải đông nghịt người như Bùi Viện hay Tạ Hiện mới thật sự là kinh tế đêm. Tuy nhiên, tất cả hiện mới chỉ dừng ở ăn, xong về đi ngủ. Trong khi đó, ban đêm mới là khoảng thời gian khách dễ bị "cám dỗ" hơn, dễ móc hầu bao để mua sắm hơn.

"Kinh tế ban đêm không phải chỉ có ăn, nhậu mà nó thật sự là một nền kinh tế đích thực, có cơ cấu, cơ chế, động lực. Nguồn lực đặc thù bao gồm các hoạt động chính như giải trí ban đêm (các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, nhà hát, âm nhạc, các chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện), du lịch đêm (tham quan ở các địa điểm tập trung khách du lịch), dịch vụ ẩm thực đêm (nhà hàng, quán bar...) và các hoạt động mua sắm (chợ đêm, khu mua sắm...). Điều đó đòi hỏi các địa phương cần nhanh chóng thúc đẩy du lịch, đa dạng hóa hoạt động giải trí và thương mại, hồi sinh các khu vực đô thị vắng vẻ vào đêm. Đồng thời, phải nhất quán chủ trương phát triển du lịch theo hướng đẳng cấp, khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp đủ năng lực để phát triển kinh tế đêm", TS Trần Đình Thiên nêu ý kiến.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.