Ấn Độ - thế lực đang trỗi dậy

14/07/2022 19:30 GMT+7

Trong một thế giới ngày càng bị chi phối bởi “luật rừng”, Hổ Bengal - Ấn Độ đang vươn lên trở thành một “thế lực” mới nắm giữ “chìa khoá” để tạo ra cân bằng quyền lực tại khu vực và trên thế giới.

Ngày 23.6 vừa qua, Thủ tướng Narendra Modi tham dự Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến BRICS lần thứ 14 do Trung Quốc chủ trì. Chỉ ba ngày sau đó, ông tiếp tục có mặt tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) theo lời mời của Thủ tướng Đức Olaf Scholz.

Một tuần trước đó, New Delhi đón ngoại trưởng các nước Đông Nam Á đến dự Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Ấn Độ. Trước đó một tháng, Thủ tướng Modi có mặt ở Tokyo để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến lần hai của Nhóm Tứ cường (Quad). Có thể thấy, Ấn Độ là một trường hợp đặc biệt, là nước duy nhất tham gia vào nhiều cơ chế tập hợp lực lượng có tính đối lập và cạnh tranh với nhau.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (bìa phải) dự hội nghị thượng đỉnh nhóm Quad tại Tokyo hồi tháng 5

AFP

“Mọi ngả đường đều dẫn tới Thành Delhi”

Ấn Độ đang nổi lên như một trung tâm chính trị, chiến lược mới của thế giới. Từ tháng 3 đến tháng 6.2022, New Delhi đã đón hơn 40 đoàn lãnh đạo cấp nguyên thủ và bộ trưởng ngoại giao của các nước đến thăm và hội đàm với chính phủ của Thủ tướng Modi. Các vị khách đến Ấn Độ không chỉ có Thủ tướng Nhật Bản cùng lãnh đạo các nước phương Tây như Thủ tướng Anh, Phó Cố vấn Quốc gia Mỹ, Cố vấn An ninh Quốc gia Đức và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, mà có cả Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.

Thế giới quan tâm hơn đến Ấn Độ phần nào vì nước này thể hiện lập trường trung lập về vấn đề Nga - Ukraine. Nội dung các buổi trao đổi giữa Ấn Độ và các nước cho thấy một thực tế: bất kỳ phe nào của cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng đều mong muốn Ấn Độ sẽ nhanh chóng ngả về phía mình. Trong khi đó, bất chấp những căng thẳng biên giới vẫn chưa được giải quyết, Trung Quốc vẫn nỗ lực kêu gọi Ấn Độ “tạm gác tranh chấp về biên giới”, hướng đến “tầm nhìn dài hạn”, đề xuất “mặt trận thống nhất” để chống lại phương Tây và thúc đẩy chủ nghĩa đa phương.

Ấn Độ mới: Tự chủ, Cân bằng và Đa liên kết

Bất chấp sự lôi kéo từ các bên, Ấn Độ vẫn duy trì lập trường trung lập đối với vấn đề Ukraine, kêu gọi chấm dứt bạo lực, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, lên án vụ thảm sát ở Bucha nhưng liên tục bỏ phiếu trắng tại Liên Hiệp Quốc về vấn đề Ukraine, từ chối lên án và phê phán Nga. Không những không đáp ứng đề xuất của phương Tây, Ấn Độ duy trì hợp tác quốc phòng, gia tăng nhập khẩu dầu mỏ, than đá với giá chiết khấu từ Nga để đối phó với các áp lực lạm phát trong nước. Tuy nhiên, Ấn Độ cũng không hưởng ứng lời kêu gọi về “mặt trận thống nhất” của Trung Quốc, đồng thời tìm cách loại bỏ các lời lẽ “chống phương Tây” khỏi tuyên bố chung của BRICS.

Chính sách đối ngoại của Ấn Độ đã được điều chỉnh mạnh mẽ khi Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi lên nắm quyền. Ấn Độ vốn là một trong những quốc gia đặt nền móng cho “Phong trào Không liên kết” (NAM), chủ trương không tham gia các tập hợp lực lượng chống đối nhau. Ngày nay, Ấn Độ là thành viên của hầu hết các tổ chức khu vực và quốc tế quan trọng, từ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, Nhóm Bộ tam Nga-Trung Quốc-Ấn Độ, BRICS, đến Nhóm Tứ cường (Quad). Mặc dù không công khai đối đầu, nhưng những cường quốc chủ chốt trong các tập hợp lực lượng này rõ ràng theo đuổi ý đồ, nghị sự đối lập nhau.

Thế nhưng, trong một thế giới ngày càng phân cực như vậy, Ấn Độ không những không co lại với vị thế “không liên kết”, mà chủ động, quyết đoán hơn thúc đẩy “đa liên kết”, duy trì quan hệ với tất cả các cường quốc chủ chốt. Ấn Độ duy trì đường lối đối ngoại vừa hợp tác vừa đấu tranh, tận dụng mọi cơ hội để tạo điều kiện quốc tế thuận lợi nhất cho sự phát triển. Điều này đã được thể hiện rõ trong cách Ấn Độ xử lý căng thẳng chính trị với Trung Quốc khi đụng độ giữa hai bên tại vùng Galwan nổ ra.

Sức mạnh của Hổ Bengal

Theo TS. Ian Hall, Viện Griffith Asia (Úc), chiến lược “đa liên kết” không phải là một “Học thuyết Modi” mới. Thay vào đó, đó là cách tiếp cận đã phát triển trong ít nhất một thập niên qua, được giới tinh hoa chiến lược của Ấn Độ đánh giá là phương tiện tốt nhất để đạt được những gì Ấn Độ coi là lợi ích và lý tưởng cốt lõi trong bối cảnh toàn cầu. Tuy nhiên, dưới thời kỳ của Thủ tướng Modi và Ngoại trưởng S. Jaishankar, đối ngoại của Ấn Độ được triển khai một cách bài bản, quyết đoán và mạnh mẽ hơn.

Dù không đứng về bên nào nhưng không cường quốc chủ chốt nào có thể trừng phạt hoặc bỏ qua Ấn Độ. Lãnh đạo của quốc gia Tây Âu, Nhật Bản hay Úc đều thể hiện sự tôn trọng với mức độ khác nhau với lập trường của Ấn Độ, đồng thời tiếp tục thúc đẩy các hợp tác thực chất để tăng cường năng lực cho nước này.

Trong một thế giới ngày càng bị chi phối bởi “luật rừng”, Hổ Bengal - Ấn Độ đang vươn lên trở thành một “thế lực” mới nắm giữ “chìa khoá” để tạo ra cân bằng quyền lực tại khu vực và trên thế giới. Ấn Độ nằm ở vị trí trung tâm khu vực Ấn Độ Dương, án ngữ tuyến vận tải biển huyết mạch từ Trung Đông sang Đông Á. Dân số 1,4 tỉ người với độ tuổi trẻ là nền tảng cho một nền kinh tế năng động và một công xưởng mới của thế giới trong bối cảnh chuỗi cung ứng đang chuyển dịch mạnh mẽ. Với đà tăng trưởng như hiện nay, nhiều khả năng trong 10 năm tới, Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

Quan trọng hơn, Ấn Độ có được sự ủng hộ của phần đông thế giới vì đây là một “cường quốc tử tế”. Trong lịch sử quốc tế hiện đại, Ấn Độ nằm trong số ít các nước lớn chấp nhận phán quyết của toà trọng tài quốc tế dù quyết định đó bất lợi cho mình. Năm 2014, Ấn Độ chấp nhận phán quyết của Toà trọng tài Luật biển trong đó công nhận 4/5 khu vực tranh chấp vùng đặc quyền kinh tế thuộc về Bangladesh, coi việc giải quyết tranh chấp giúp “tăng cường hiểu biết và thiện chí” giữa hai nước.

Sự trỗi dậy của mỗi quốc gia thường không dễ dàng, luôn có nhiều trở lực. Tuy nhiên, điều kiện cần là Ấn Độ ngày nay đang có một một chính phủ mạnh, khát vọng và đầy quyết tâm. Sự hội tụ của “thiên thời, địa lợi và nhân hoà” tạo ra điều kiện cần và đủ để Ấn Độ từng bước vươn lên thành một trung tâm chính trị, kinh tế và chiến lược mới của thế giới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.