Ấn Độ tăng cường phòng thủ ở biên giới tranh chấp với Trung Quốc

18/09/2020 20:00 GMT+7

Ấn Độ sắp hoàn thành một đường hầm ở dãy núi Himalaya, giúp giảm bớt thời gian triển khai quân đội tới khu vực biên giới tranh chấp với Trung Quốc .

Ấn Độ đẩy mạnh chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng then chốt bao gồm cầu đường, bãi đáp trực thăng và đường băng phục vụ máy bay dân sự và quân sự gần biên giới tranh chấp với Trung Quốc trên dãy núi Himalaya.
Đáng chú ý nhất là đường hầm xuyên núi Atal Rohtang trị giá 400 triệu USD ở bang Himachal Pradesh (Ấn Độ). Đường hầm này sẽ tạo ra một tuyến đường mới phục vụ mọi điều kiện thời tiết cho các đoàn xe quân sự để tránh phải di chuyển quãng đường dài 50 km qua nhiều đèo núi có tuyết vào mùa đông và thường bị lở đất, theo AFP.
Được xây dựng ở độ cao hơn 3.000 m và kéo dài 9 km, đường hầm Atal Rohtang dự kiến sẽ khánh thành vào cuối tháng này. Khi đó, chặn đường quanh co thường kéo dài 4 giờ sẽ rút ngắn xuống khoảng 10 phút nhờ vào đường hầm hiện đại xuyên núi, trung tướng Harpal Singh, người đứng đầu Tổ chức Đường bộ Biên giới (BRO) của Ấn Độ cho biết.
Ông Singh cho biết thêm BRO đã xây dựng nhiều tuyến đường chiến lược hơn, hầu hết ở khu vực có căng thẳng gia tăng với Trung Quốc và đặt mục tiêu hoàn thành thêm 15 tuyến đường quan trọng vào cuối năm 2021.
Bên cạnh đó, Ấn Độ dự kiến đến cuối tháng này sẽ nâng cấp xong đoạn đường dài 250 km, nằm song song biên giới với Trung Quốc, có thể phục vụ xe kéo chở xe tăng T-90 nặng 70 tấn hoặc xe tải chở tên lửa đất đối không.

Với đường hầm Atal Rohtang, Ấn Độ có thể điều quân đội đến khu vực biên giới trong vài phút so với các tuyến đường kéo dài 4 giờ hiện tại

AFP

BRO có kế hoạch xây thêm một số đường hầm chiến lược và 125 cây cầu ở các bang Ladakh, Arunachal Pradesh, Himachal Pradesh và Sikkim, vốn giáp Tây Tạng và Tân Cương của Trung Quốc. "Dù vậy, tốc độ xây dựng và quy mô cơ sở hạ tầng then chốt tại khu vực biên giới của Ấn Độ vẫn kém xa Trung Quốc”, chuyên gia Harsh Pant tại tổ chức nghiên cứu ORF ở thủ đô New Delhi nhận định.
Ngoài cơ sở hạ tầng, ông Sanjay Kundu, người đứng đầu lực lượng cảnh sát ở bang Himachal Pradesh vừa đề xuất trang bị vũ khí cho người dân ở biên giới để họ tự vệ. Ông Kundu đồng đề nghị huấn luyện cho người dân cách phát hiện, báo cáo về gián điệp máy bay không người lái và trực thăng của Trung Quốc ở khu vực biên giới tranh chấp.
Trung Quốc - Ấn Độ vẫn đang đàm phán nhằm giải quyết tình hình căng thẳng leo thang sau vụ đụng độ đẫm máu ở biên giới tranh chấp hồi tháng 6, khiến 20 lính Ấn Độ thiệt mạng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.