Ấn Độ sẽ chỉ bán ô tô điện vào năm 2030

04/06/2017 15:19 GMT+7

Trong khi Mỹ quay lưng với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Ấn Độ đưa ra cam kết sẽ bắt đầu chỉ bán xe điện từ năm 2030.

Theo CNN, Ấn Độ là một trong những nước ô nhiễm nhất thế giới. Bộ Năng lượng Ấn Độ cho hay trong một bài đăng trên blog rằng họ vừa đặt mục tiêu “tham vọng” là ngưng bán các loại phương tiện chạy bằng xăng trong nỗ lực làm sạch không khí.
Khi kinh tế đất nước bùng nổ, các ngành công nghiệp mới và người sử dụng phương tiện cùng nhau thải ra nhiều chất gây ô nhiễm vào không khí với tốc độ đáng kinh ngạc. Giờ đây, 1,3 tỉ dân Ấn Độ phải chịu đựng cảnh ô nhiễm. Một báo cáo cho hay ô nhiễm không khí khiến 1,2 triệu người Ấn chết mỗi năm. Các bác sĩ từng cho biết hít thở không khí ở thủ đô New Dehli của Ấn Độ tương tự như việc hút 10 điếu thuốc mỗi ngày.
Bộ trưởng Năng lượng Ấn Độ Piyush Goyal nói rằng quốc gia Nam Á sẽ tạo điều kiện cho người dân dùng ô tô điện bằng cách trợ cấp trong vài năm. Sau đó “các loại ô tô điện sẽ phải tự trang trải chi phí”. Kế hoạch National Electric Mobility Mission của chính phủ Ấn Độ muốn doanh thu thường niên của ô tô điện và ô tô hybrid đạt 6-7 triệu chiếc vào năm 2020.
Thông tin này được CEO Elon Musk của hãng ô tô điện Tesla hoan nghênh cuối tuần này. Tesla chưa thực sự bước vào thị trường Ấn Độ, song ông Musk thường nói về kế hoạch mở cửa hàng ở đây. Đầu năm nay, tỉ phú đầy tham vọng này cho biết việc mở cửa hàng Tesla có thể bắt đầu từ mùa hè, song việc này có vẻ như đang bị trì hoãn. Ấn Độ đang rất nóng lòng chào đón Tesla. Đơn cử, Anand Mahindra, người đứng đầu hãng Mahindra, nhà sản xuất ô tô điện hàng đầu đất Ấn, cho biết ông sẵn sàng cho sự cạnh tranh mới.
Kế hoạch gia tăng số lượng ô tô điện trên đường phố chỉ là một trong nhiều cách Ấn Độ thực hiện nhằm sống xanh, sạch hơn. Chính phủ nước này cũng đang đẩy mạnh nỗ lực sản xuất năng lượng mặt trời. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tăng gấp đôi cam kết của ông với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút nền kinh tế số một thế giới khỏi thỏa thuận này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.