Ấn Độ muốn nhanh chóng sở hữu S-400 để đối phó Trung Quốc

25/06/2020 14:38 GMT+7

Giữa lúc căng thẳng ở biên giới với Trung Quốc leo thang, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh kêu gọi Nga nhanh chóng bàn giao hệ thống tên lửa phòng không S-400.

Các chuyên gia đánh giá hệ thống S-400 kết hợp với các máy bay Ấn Độ có khả năng chiến đấu ở độ cao lớn có thể là mối đe dọa đối với quân đội Trung Quốc, theo tờ South China Morning Post ngày 25.6.
Nga sẽ bàn giao 5 hệ thống S-400 tổng trị giá 5,2 tỉ USD cho Ấn Độ trước tháng 12.2021, nhưng kế hoạch đã bị trì hoãn vì đại dịch Covid-19.
Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều có hệ thống tên lửa phòng không S-300. Tuy nhiên, Trung Quốc sở hữu hệ thống phòng không S-400 trước Ấn Độ, với lần bàn giao cuối cùng là vào cuối năm 2018.
Chuyên gia Collin Koh tại Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) đánh giá căng thẳng leo thang vì tranh chấp biên giới buộc Ấn Độ phải tăng cường năng lực phòng thủ trên không để ứng phó Trung Quốc.
Nga khẳng định S-400 là một trong những hệ thống tên lửa phòng không tối tân của nước này, có thể bắn hạ nhiều mục tiêu ở khoảng cách lên đến 600 km tại độ cao từ 10 m đến 27km.
Chuyên gia quân sự ở Hồng Kông, ông Lương Quốc Lương cho rằng S-400 có thể phát hiện và bắn hạ chiến đấu cơ J-10C và J-11B của Trung Quốc. Tuy nhiên, hệ thống này không thể đối phó máy bay chiến đấu tàng hình như chiếc J-20, tên lửa đạn đạo tầm xa hoặc những loại vũ khí bội siêu thanh của Trung Quốc.
“S-400 chỉ có thể góp phần bảo vệ khu vực quanh thủ đô New Delhi của Ấn Độ nếu chiến tranh nổ ra”, theo ông Lương.
Tuy nhiên, nếu Ấn Độ cũng sở hữu S-400 thì đây là mối đe dọa cho Trung Quốc, theo ông Tống Trọng Bình, chuyên gia quân sự ở Hồng Kông.

Trung Quốc đẩy nhanh xây dựng gần biên giới sau xung đột chết người với Ấn Độ

“Trung Quốc không nên đánh giá thấp việc Ấn Độ kết hợp hệ thống S-400 có phạm vi hoạt động xa và tốc độ bắn chính xác cùng với các máy bay chiến đấu Su-30, trực thăng Apache do Mỹ sản xuất. Su-30 và Apache đều được thiết kế để tham gia chiến đấu trên núi và trên cao”, ông Tống nói.
Bên cạnh đó, ông Tống lưu ý quân đội Ấn Độ có nhiều kinh nghiệm chiến đấu trên núi từ những cuộc giao tranh với quân đội Pakistan, trong khi đó Trung Quốc không tham chiến trong nhiều thập niên qua.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.