Ấn Độ hạn chế xuất khẩu, Việt Nam và các nước đã bán bao nhiêu gạo?

Chí Nhân
Chí Nhân
07/12/2023 17:37 GMT+7

Với vị trí là cường quốc xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, Thái Lan được dự báo là nước hưởng lợi nhiều nhất. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 10 thì ưu thế lại đang thuộc về Việt Nam.

Ấn Độ, nguồn cung gạo lớn nhất thế giới với sản lượng bình quân lên đến khoảng 20 triệu tấn/năm, bắt đầu hạn chế xuất khẩu từ tháng 7.2023. Điều này đẩy giá gạo toàn cầu tăng cao và các nước xuất khẩu chính như Thái Lan, Việt Nam, Pakistan đều hưởng lợi.

Ấn Độ cấm xuất khẩu, Việt Nam và các nước đã bán bao nhiêu gạo? - Ảnh 1.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam tạm thời chiếm ưu thế

CÔNG HÂN

Số liệu từ hải quan các nước cho thấy, trong 10 tháng của năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo, trị giá đạt gần 4 tỉ USD, tăng 17% về lượng và tăng 35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Giá gạo xuất khẩu bình quân ước đạt 558 USD/tấn, tăng 15,3% so cùng kỳ năm 2022. Các thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam là Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Ghana, Bờ Biển Ngà. Dự báo, cả năm 2023 Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo tương đương giá trị 4,6 tỉ USD.

Trong cùng thời gian, xuất khẩu gạo của Thái Lan đạt 6,9 triệu tấn, trị giá 3,9 tỉ USD, tăng lần lượt 11,4% và gần 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhà nhập khẩu hàng đầu là Indonesia, Mỹ, Nam Phi, Iraq và Trung Quốc. Tuy nhiên, Thái Lan đang xuất khẩu thuận lợi trong 2 tháng cuối năm 2023 nhờ nguồn cung của Việt Nam hạn chế. Dự kiến cả năm nay Thái Lan sẽ xuất khẩu từ 8,6 - 8,7 triệu tấn gạo. Đây cũng sẽ là cột mốc lịch sử của ngành lúa gạo nước này và tăng mạnh so với con số kỷ lục của năm 2022 là gần 7,7 triệu tấn.

Pakistan không có số liệu chi tiết, nhưng theo hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo nước này, bình thường xuất khẩu gạo dao động từ 2 - 2,5 tỉ USD/năm nhưng năm 2023 có thể vượt mốc 3 tỉ USD. Giá gạo nước này thời gian qua cũng tăng mạnh, đặc biệt là gạo basmati, đã tăng vọt hơn 20% tương đương 100 USD/tấn.

Bên cạnh đó, các nước Myanmar và Campuchia cũng được hưởng lợi khi nguồn cung quan trọng Ấn Độ ngưng xuất khẩu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.