Ấn Độ đặt 'mắt thần' khắp các biển

26/03/2015 07:10 GMT+7

Mạng lưới ra đa mới của New Delhi được đánh giá là có thể theo dõi tất cả tàu ở Ấn Độ Dương và “nhìn thấu” cả vùng biển lân cận.

Mạng lưới ra đa mới của New Delhi được đánh giá là có thể theo dõi tất cả tàu ở Ấn Độ Dương và “nhìn thấu” cả vùng biển lân cận.

Thủ tướng Modi kích hoạt trạm ra đa giám sát bờ biển đầu tiên tại Seychelles ngày 11.3 - Ảnh: The Economic Times
Thủ tướng Modi kích hoạt trạm ra đa giám sát bờ biển đầu tiên tại Seychelles ngày 11.3
- Ảnh: The Economic Times
Cách đây hơn 2 tuần, ông Narendra Modi đặt chân đến Seychelles, trở thành thủ tướng Ấn Độ đầu tiên công du đến đảo quốc này trong 33 năm qua. Trên hòn đảo chính Mahe của Seychelles, ông Modi tự tay kích hoạt một trạm ra đa giám sát bờ biển (CSRS) do New Delhi trao tặng. Cơ sở này, có kinh phí xây dựng 10 triệu USD, cùng 1 máy bay giám sát Dornier nằm trong những thỏa thuận an ninh biển được hai nước ký năm 2012, theo Hãng thông tấn Seychelles. Thủ tướng Modi cũng cam kết sẽ tặng thêm chiếc Dornier thứ 2 cho lực lượng tuần duyên Seychelles. Phát biểu tại Mahe, ông Modi nhấn mạnh: “Quan hệ đối tác an ninh của chúng ta đang phát triển mạnh và có thể giúp chúng ta hoàn tất trách nhiệm tăng cường an ninh biển trong khu vực… Chúng tôi cũng hy vọng Seychelles sẽ sớm tham gia đầy đủ khuôn khổ hợp tác an ninh biển hiện nay giữa Ấn Độ, Maldives và Sri Lanka”.
Seychelles là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du 3 nước khu vực Ấn Độ Dương của Thủ tướng Modi, được giới quan sát nhận định là nhằm tăng cường quan hệ an ninh trong bối cảnh môi trường an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ngày càng phức tạp. Hai điểm dừng chân còn lại là Mauritius và Sri Lanka. Đây cũng là lần đầu tiên một thủ tướng Ấn Độ thăm Sri Lanka sau 28 năm.
Mở rộng “mắt thần”
Trạm CSRS được ông Modi kích hoạt là cơ sở đầu tiên trong tổng số 8 trạm giám sát bờ biển Ấn Độ lên kế hoạch lắp đặt ở Seychelles, dự kiến hoàn tất trong tháng 7 hoặc 8. Theo vị thủ tướng này, ngoài Seychelles, các trạm CSRS tương tự đã và sẽ xuất hiện tại Mauritius, Maldives và Sri Lanka. Cụ thể, Ấn Độ có lần lượt 6 và 8 CSRS đang hoạt động ở Sri Lanka và Mauritius cũng như đang triển khai 10 trạm tại Maldives. Tất cả sẽ được đồng bộ hóa với 50 trạm của hải quân Ấn Độ đặt tại miền nam nước này. Tuần báo Defense News dẫn lời Thủ tướng Modi khẳng định mạng lưới giám sát gồm các ra đa tối tân sẽ giúp cải thiện những khả năng bảo đảm an ninh biển của các nước đối tác cũng như an ninh toàn diện của những vùng đặc quyền kinh tế trên biển.
Lược đồ mạng lưới ra đa giám sát do Ấn Độ đặt ở nước ngoài - Ảnh: Foreign Affaires
Lược đồ mạng lưới ra đa giám sát do Ấn Độ đặt ở nước ngoài - Ảnh: Foreign Affaires
“Khi toàn bộ hệ thống này hoạt động và có đủ nhân lực để vận hành, chúng tôi có thể thấy những hình ảnh trực tiếp về những gì đang diễn ra tại khu vực xa tới tận mũi Hảo Vọng của Nam Phi”, một quan chức quốc phòng Ấn Độ khẳng định. Ông nói thêm là mạng lưới CSRS “sẽ cung cấp hình ảnh rõ ràng về những gì đang diễn ra trên biển, giúp chúng ta và những nước đối tác quản lý chặt chẽ các vùng đặc quyền kinh tế cũng như bảo vệ tốt hơn nguồn tài nguyên, chống lại những nguy cơ như cướp biển cũng như biến động về địa chiến lược”.
Defense News dẫn lời giới phân tích quốc phòng khu vực cho hay một khi được hoàn thành, toàn bộ mạng lưới “mắt thần” dày đặc sẽ giúp hải quân Ấn Độ theo dõi sự chuyển động của tất cả tàu hoạt động ở Ấn Độ Dương. Thậm chí họ có thể quan sát tình hình tại khu vực eo biển Malacca và biển Đông, nơi New Delhi nhiều lần khẳng định Ấn Độ có lợi ích sát sườn.
Củng cố hải quân
Ngoài việc gắn thêm “mắt thần”, New Delhi đang cấp tập tăng cường những loại khí tài lợi hại cho hải quân. Theo tờ Times of India mới đây, chính phủ Ấn Độ đã thông qua các dự án đóng 7 tàu hộ tống tàng hình và 6 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân, với tổng kinh phí hơn 16 tỉ USD. Tàu hộ tống mới được cho là sẽ lớn hơn, nhanh hơn và có năng lực tàng hình lợi hại hơn so với lớp Shivalik hiện nay, cũng như được trang bị nhiều vũ khí và bộ cảm biến có thể hoạt động hiệu quả trong “môi trường có nhiều mối đe dọa”. Về tàu ngầm, Ấn Độ dự kiến đóng loại tàu trên 6.000 tấn. Times of India dẫn lời các chuyên gia cho rằng quyết định đóng tàu chiến mới rất cần thiết cho Ấn Độ trong việc nâng cao khả năng đánh chặn toàn diện ở khu vực, đặc biệt là vùng lợi ích chiến lược từ vịnh Ba Tư tới eo biển Malacca.
Bên cạnh hải quân, lực lượng tuần duyên Ấn Độ (ICG) cũng rất được chú trọng đầu tư để tăng cường khả năng giám sát biển. Hồi tuần rồi, xưởng đóng tàu Goa đã cho hạ thủy chiếc thứ 2 trong tổng số 6 tàu tuần tra xa bờ (OPV) mà chính quyền New Delhi lên kế hoạch đóng cho ICG. Với chiều dài 105 m, đây là OPV lớn nhất hiện nay dành cho lực lượng này. Theo Hãng thông tấn PTI, giới chức Ấn Độ cho biết OPV thế hệ mới này sẽ được triển khai để giám sát đại dương và theo dõi các tuyến thông thương trên biển.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.