Ăn để giảm nguy cơ ung thư vú

20/09/2015 06:20 GMT+7

Bằng cách điều chỉnh chế độ ăn một cách lành mạnh, phụ nữ có thể tự bảo vệ mình trước nguy cơ mắc ung thư vú.

Bằng cách điều chỉnh chế độ ăn một cách lành mạnh, phụ nữ có thể tự bảo vệ mình trước nguy cơ mắc ung thư vú.

Ăn để giảm nguy cơ ung thư vúCá hồi, đậu nành Edamame, hạt mè... đều là thực phẩm tốt để ngừa ung thư vú - Ảnh: Hạ Huy - Shutterstock
Theo giới chuyên gia, cho đến nay ung thư vú vẫn là dạng ung thư phổ biến nhất ở nữ giới. Chỉ tính riêng tại Anh, với khoảng 55.000 ca mới mỗi năm, ước tính trong 8 người thì có 1 người đối mặt với nguy cơ phát ung thư dạng này. Nhiều báo cáo vẫn tiếp tục được thực hiện nhằm phân tích các thành phần trong những thức ăn cụ thể, và đa số bác sĩ đều đồng ý rằng chế độ ăn Địa Trung Hải - gồm trái cây, rau quả, đậu tươi, cá và dầu ô liu, có thể giảm nguy cơ ung thư vú, đặc biệt ở phụ nữ hậu mãn kinh.
Dựa trên kết quả theo dõi hơn 3.000 bệnh nhân tại 56 bệnh viện ở Anh, các chuyên gia của Đại học Westminster đã tìm được chứng cứ rõ ràng cho thấy khả năng tái phát ung thư vú có thể giảm, trong khi xác suất sống sót được cải thiện khi bệnh nhân theo đuổi lối sống lành mạnh. Theo đó, nên thường xuyên ăn rau quả và trái cây mỗi ngày, giảm khẩu phần thịt đỏ (ít hơn 90 gr/ngày), tránh thịt nấu quá chín. Các loại thực phẩm có trong danh sách hạn chế bao gồm bánh ngọt, bột, đường, thịt chế biến sẵn. Ngoài ra, nên chú ý bổ sung các “siêu vũ khí” trong cuộc chiến chống ung thư vú, cụ thể là những thực phẩm dưới đây, theo tờ New Zealand Herald:
Hạt mè: Chứa đầy những loại chất béo chưa bão hòa, hạt nào cũng được cho là nguồn cung cấp omega 3 và omega 6 hoàn hảo. Chúng đồng thời cung cấp chất xơ hòa tan, các hóa chất và sterol thực vật đóng vai trò chống nhiều loại bệnh tật, bao gồm ung thư. Trong số này, hạt mè chứa nhiều khoáng chất hữu dụng và hormone sinh dục nữ (oestrogen) dưới dạng thực vật, giúp điều tiết quá trình sản xuất oestrogen trong cơ thể, đồng thời cản trở sự sản sinh và lan tràn các tế bào khối u. Có thể thêm hạt mè vào món xà lách hoặc ăn với bánh mì nướng.
Đậu nành Edamame: Loại đậu nành ăn rất ngon khi luộc là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất, chất xơ và oestrogen thực vật, vốn là những chất ngăn chặn sự tăng trưởng của tế bào ung thư. Đây cũng là loại thực vật duy nhất được xem là thực phẩm cung cấp protein hoàn chỉnh vì nó chứa toàn bộ 9 dạng a xít amino thiết yếu nhất. Có thể ăn dưới dạng ướp lạnh sau khi luộc hoặc thêm vào các món xà lách trước món chính.
Củ cải đường: Củ cải đường thích hợp để ăn sống, luộc, xào nấu, ngâm chua... Màu tím của củ cải xuất phát từ betacyanin, một hợp chất có năng lực chống ung thư. Lá củ cải có thể ăn sống và có tác dụng như cải bó xôi, chứa nhiều chất sắt, can xi, vitamin A, C và E.
Cà chua: Là nguồn dồi dào chất chống ô xy hóa lycopene, có tiềm năng ngăn chặn ung thư vú vì kiềm chế sự tăng trưởng của tế bào ung thư. Lycopene càng trở nên dồi dào hơn sau khi nấu chín cà chua, nên đây là một trong những món ăn dễ dàng thực hiện nhất nhằm ngừa bệnh.
Cá hồi: Cá có mỡ như cá hồi, cá mòi, cá thu có công dụng giảm tình trạng viêm nhiễm và cung cấp nguồn vitamin D để cải thiện tình trạng hấp thụ can xi của xương. Cá hồi còn chứa những chất tự nhiên ngăn cản hoặc đẩy lùi ung thư. Mỗi tuần nên ăn cá hồi một hoặc hai lần.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.