Ăn của rừng…

14/06/2015 05:00 GMT+7

Ngày nhỏ, trẻ quê tôi mười đứa hết chín có “nghiệp vụ” chăn bò lội sông. Bên kia sông là núi Bé. Đơn độc một hòn.

Ngày nhỏ, trẻ quê tôi mười đứa hết chín có “nghiệp vụ” chăn bò lội sông. Bên kia sông là núi Bé. Đơn độc một hòn.

Nhỏ thôi, nhưng rậm rì, xanh ngắt! Thả bò ăn nơi những vạt cỏ ngoài bìa núi, lũ trẻ hào hứng xách mũ thi nhau lội tìm chim chim, vú dẻ. Chiều xuống, tụm cả ra bến sông ì oạp tắm táp lội bơi; còn đợi người lớn vô rừng kiếm củi quay ra mà đón xin các thứ trái rừng.
Từ đỏ, sặc đến sim, ổi... Thứ nào cũng ngon, đám trẻ ăn xong cứ mãi thòm thèm, nuôi giấc mơ một ngày sẽ được phép tự lội rừng, tự tìm đến tận những cây đã sản sinh ra các thứ trái ngon lành kia mà ăn… cho đã!
Lớn hơn chút, mỗi lần thấy anh Hai chuẩn bị vô núi đốt than kiếm tiền, tôi lại nằng nặc xin mẹ cho theo. Theo chi, “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt” đó con! Nghe mẹ nói vậy tin vậy, chứ cũng chưa hiểu vì sao…
Rồi tôi thành cô giáo. Lấy chồng. Vợ chồng dắt díu nhau về an cư lạc nghiệp nơi một vùng bán sơn địa còn khá hoang sơ, xung quanh toàn rừng núi. Giờ mới biết thế nào là rừng thật rừng, núi thật núi: núi cao vọi hùng vĩ, rừng thăm thẳm uy nghiêm. Rừng trùm ôm, phủ tấm giáp màu xanh bạt ngàn vĩ đại chở che cho núi. Những ngọn núi chóp là đà phủ mây, ảo mờ trong sương; sáng tím, chiều lam, trưa lồ lộ hiện hình xanh ngắt! Giờ cũng mới biết thế nào là mưa rừng. Mưa đùng đùng, những “quả đấm nước” to tầm quả ổi, quả mãng cầu thi nhau nện tới tấp, lia chia xuống mặt, xuống đầu. Nháy mắt nước đã duềnh lên, cuộn đỏ ngầu chảy xiết quanh chân, xối qua các đoạn bờ tràn. Người ta nói đây là nước khách, đến và đi nhanh chóng. Ấy mới là cơn mưa núi bình thường, chưa phải mùa bão lũ.
Thêm mười năm…
Mỗi ngày, con đường đưa tôi đến trường chạy song song cùng núi. Những ngọn núi mới ngày nào còn huyền bí thâm nghiêm một màu rừng xanh um, tím thẫm giờ bị xới cày lở lói, tấm giáp xanh rách toang từng mảng. Hoang hoác từng vết thương trên cơ thể núi, bazan tứa máu đỏ bầm. Những rẫy mì, mía, bắp, khoai mọc lên trên những sườn núi, sườn đồi lổ loang như manh áo vá. Màu xanh nhàn nhạt mong manh của mía, mì, bắp, lúa có giúp nuôi sống một phần cư dân xóm núi, nhưng chẳng thể đối đầu, ngăn chặn được thiên tai. Cứ mỗi mùa bão lũ qua, những dòng suối, sông từng trong xanh giữa đại ngàn ngày xưa nay lại đỏ ngầu phù sa từ các sườn núi, sườn đồi tuột trôi theo dòng nước xiết. Rừng bị triệt hạ, lấn chiếm ngày càng trốn chạy, lùi xa khu dân cư; ngày càng ốm yếu hom hem dưới những bàn chân giẫm đạp, sục sạo. Và muông thú cũng theo đó mà chung số phận. Ngày tôi mới về xóm núi, đêm nằm còn nghe mang tác, vượn hú gần nhà. Dân xóm núi đi rừng có khi còn gặp hổ. Giờ tìm cho ra con thỏ rừng cũng khó. Đã thành cổ tích. Câu chuyện cổ tích mười năm...
Về thăm quê, nhìn lên ngọn núi Bé ngày xưa: cũng lại lở lói và lổ loang áo vá. Mẹ không còn. Bạn bè xưa cũng không còn. Còn chỉ mình tôi đứng lặng, nhìn lên nơi từng có cái vương quốc tuổi thơ bí ẩn, gọi mời chất chứa đầy những hoài niệm chưa xa. Nhìn - và nước mắt rưng rưng…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.