Ăn cơm nghen - Truyện ngắn dự thi của Phát Dương (Sóc Trăng)

15/11/2022 19:00 GMT+7

Nằm đó hai chục năm trời, quán cơm sơ sài dưới cây mận lão. Một xe đồ, vài bộ bàn ghế, không biển hiệu. Người ta kêu tên quán bằng tên người bán, trước là Năm Hường, giờ là Út Phiên.

Quán cơm Út Phiên luôn hết sạch. Khách đông hay thưa, hễ sáu giờ chiều Út Phiên dọn dẹp đồ về nhà. Ý là nhỏ luôn nấu dư. Ý là cơm canh không mấy đặc biệt. Và luôn lỗ vốn.

Bởi chủ quán là Út Phiên, con nhỏ hai mươi lăm tuổi nhưng tính tình mười ba. Có người chê là khù khờ lớn xác không biết khôn. Có người khen tốt tính thiệt thà. Toàn bộ như tiếng muỗi vo ve ngoài mùng, Út im im nằm bên trong lẳng lặng làm việc của mình. Mỗi ngày nấu cơm đem bán.

Nói không phải khoe, bán buôn cà giỡn vậy chớ nhà Út Phiên từng có trộm ghé. Lâu lắm rồi.

***

Giữa đêm đặc sệt tối, Út Phiên nghe tiếng lục cục dưới bếp. Lo mấy con chuột ăn vụng, nhỏ lồm cồm bò dậy, xỏ dép định xuống coi sao. Tiếng động lớn, dù được kìm nén không giấu nổi vụng về. Tiếng người, chắc là trộm. Điều đó làm Út yên tâm, nhà đâu có gì để lấy. Quấn lại mớ tóc cho gọn gàng, nhỏ chỉnh lại áo quần, thủng thẳng bước xuống bật đèn.

Ánh sáng làm gã trộm choáng váng, đứng sững sờ để Út Phiên ngắm nghía trước cả khi gã kịp thấy nhỏ. Mắt dần quen, gã định bỏ chạy, rồi lại thôi. Gã thả mình xuống đất như miếng giẻ lau đã hết hạn dùng, y như cái bộ dạng xơ xác dơ hầy của chính gã, không giấu giếm tiếng thở dài.

- Cô muốn la thì la đi. Báo công an đi - Gã cười như mếu. Đôi mắt đen thẳm hơn đêm, ánh sáng không đậu nổi, trượt té vô hai con ngươi như hai biển nước mênh mông.

Út Phiên chỉ đứng đó. Nhỏ không nói gì. Út ngắm gã trộm như ngắm một bức tranh, thích thú và tò mò. Như đứa trẻ nhìn khách lạ. Thoảng thảng thốt khi nghe tiếng bụng gã trộm kêu réo ọt ọt, Út Phiên tất tả bước tới bếp lò, kiếm lá dừa nhóm bếp. Nhỏ thật thà trong ánh nhìn, mời mọc và khẩn khoản:

- Ở ăn cơm rồi hả đi nghen?

Gã ăn trộm chưng hửng, cứng đờ cả lúc tô cơm cá kho nóng hổi đã nằm trước mặt. Út Phiên bắt chước gã, ngồi bệt xuống đất, tự nhiên như hai đứa con nít chơi cùng nhau. Mùi đồ ăn rã đông gã, bắt tay gã vồ lấy, miệng gã nuốt cơm như xoáy nước hút mọi thứ trên sông. Đói. Ngon. Gã khóc.

Ảnh minh họa

shutterstock

Út Phiên cười, có vẻ mãn nguyện. Gã no nê, cặp mắt sáng lên một chút, nhìn cái người mà cả xóm kêu khờ trước mặt. Khờ thiệt tình. Chỉ có khờ mới mời cơm một gã trộm. Hoặc là người tốt? Rất tốt.

Út Phiên giằng lấy cái tô, đứng lên múc thêm cơm:

- Tô nữa, nghen? - Nhỏ tươi rói, giống như chính mình được ăn no - Rảnh thì ở phụ tui nấu cơm sáng bán sớm. Tui bao ăn.

***

Gã trộm làm phục vụ bất đắc dĩ. Út Phiên kiếm đâu được bộ đồ, kêu gã tắm rửa mặc vô cho coi được. Vừa hì hục luôn tay, nhỏ phân công việc, mấy chuyện lặt vặt giao cho gã.

Gã nhàn. Nói thẳng thì quán ế. Chỉ có vài khách ghé ăn, khách thật. Thật, tức là trả tiền đúng giá, mười lăm ngàn một dĩa. Còn lại lấy giá hai ngàn đồng. Giờ gã mới nhận ra, quán cơm này là một quán cơm từ thiện kỳ lạ. Không có tiền thì mai mốt trả cũng được. Không thì đổi, khoai rau chi đó đủ tiền thôi.

Và tới sáu giờ, Út Phiên sẽ gói hết cơm canh đóng hộp, lọc cọc đẩy xe qua xóm bên kia, giao hết cho một bà cụ bán bánh mì. Gã không thấy nhận tiền, chắc bán hết mai người ta trả. Nhưng tấm bảng cơm 0 đồng đã trả lời luôn cho gã. Gã nhìn thấy những người hao hao mình, tới nhận cơm rồi đi. Họ túa ra khắp đường, bắt đầu một cuộc mưu sinh về đêm. Ở họ không có ý niệm về thời gian nghỉ ngơi.

Gã không hiểu. Thật sự không hiểu.

***

- Nó tới kìa! - Đang ăn cơm, nghe tiếng dép lạch xạch, bà cụ ngẩng lên ngó ra cổng.

- Cho nhiêu má? - Người đàn ông dừng đũa, xỏ dép bước tới sào đồ lấy bóp trong túi áo.

- Vài chục đi - Bà cụ nhún vai, chầm chậm đưa đũa lùa cơm.

Nhận ba chục ngàn, Út Phiên hí hửng giơ cho gã trộm coi. Ba chục coi như trúng mánh. Nãy giờ đi qua hết một xóm cũng chỉ có gần một trăm. Có nhà còn xua chó ra rượt. Út Phiên nắm tay gã kéo chạy, bật cười khanh khách. Nhỏ không xấu hổ, không hờn trách, không ngần ngại.

Theo Út Phiên đi xin tiền mấy lần, mãi gã vẫn không quen được. Gã không hiểu làm sao Út đủ nhẫn nại đi khắp mấy xóm liền, xin xỏ từng nhà mỗi ngày để có tiền nấu cơm bán. Ờ, cứ cho là bán đi. Cho là bán, nên có người tưởng nhỏ giếm tiền, nạt nộ xin gì mà xin hoài. Cũng có người thương, để sẵn tiền chờ nhỏ tới là đưa. Quán cơm Út Phiên tồn tại theo cách đó.

- Lát ghé nhà lấy thuốc Nam cho con nhỏ nhe - Sực nhớ, Út Phiên nói liền - Thuốc tui lên chùa xin, hay lắm!

Gã ngập ngừng cảm ơn, không biết lấy gì trả. Có trả Út cũng đâu có nhận. Biết con gã bệnh, kẹt tiền thành ra định đi ăn trộm, nhỏ không la rầy phán xét gì. Nhỏ chỉ hỏi đúng một câu, cái câu rắc đầy tiêu và hành lá khiến mắt gã cay xè:

- Con nhỏ ăn gì chưa? Đem cháo về, nhe.

Hai cha con gã thành khách quen của quán. Hễ có thời gian, gã chạy qua phụ coi như trả ơn. Một bữa, trời mưa xới nát đất đai, Út Phiên vẫn mặc áo mưa đi xin tiền, không kìm được gã mới hỏi:

- Sao Út làm chi cho cực vậy?

Út Phiên cau mày nhìn gã như nhìn con cọp tự nhiên xuất hiện giữa ruộng. Đối với con nhỏ, việc này là bình thường. Chính sự thắc mắc của gã, của mọi người mới là khác thường với Út. Nhưng đôi mắt gã tha thiết quá, nhỏ biết nếu không kể, gã sẽ ôm hoài câu hỏi đó. Thì kể.

***

Hồi xửa xưa, cái hồi quán cơm còn tên Năm Hường. Bà Năm nấu ngon, giỏi buôn bán, quán lúc nào cũng nườm nượp khách. Vừa bán vừa cho, không nề hà khách là ai. Cơm hai loại giá, một ngàn và mười ngàn, ai muốn trả sao thì trả.

Một bữa dọn quán, bà Năm bắt gặp con chó con đen xì lục thùng cháo heo vét đồ ăn. Bước lại gần, bà chỉ biết kêu trời. Đó là con người. Một con nhỏ đen đúa, bốc mùi rác chợ. Mắt bà mờ trong màn nước. Một thứ gì đó nhói lên, cắm thẳng trong ngực và ngoáy. Bà run run bới dĩa cơm, đặt trên bàn, cười hiền:

- Ăn cơm nghen, con!

Con nhỏ không tên, cũng không ai biết từ đâu trôi giạt tới. Bà Năm đi hỏi vòng vòng, không ai biết tin tức gì thêm về nó. Bà coi như là duyên, nhận nuôi con nhỏ. Nhớ hồi xưa lẽ ra mình cũng có một đứa con gái, nếu không phải bị trận đòn say của chồng làm sẩy, bà lấy tên con đặt cho nó. Út Phiên.

Út Phiên lớn lên, đi bán cơm với bà. Út từng hỏi cái câu mọi người đã hỏi hoài, rằng má ơi sao má làm chi cho cực. Lúc đó, bà Năm ôm con thật chặt, hít hà mùi tóc gội bồ kết thơm phức, nhẹ nhàng thủ thỉ:

- Chắc người ta quý cái gì người ta không có được con à. Với má, một bữa cơm gia đình là thứ xa xỉ, vậy mà nhiều người có lại không biết trân trọng. Được nhìn người ta ăn ngon, má khoái. Con hiểu không?

Út Phiên hiểu theo cách của Út. Bà Năm không còn, Út tiếp tục quán cơm bằng cách đi xin vốn. Nhỏ không giỏi buôn bán, được cái chăm chỉ thiện lành, riết người ta cũng thương mà giúp quán cơm sống tiếp tới giờ.

***

Một năm không khiến mọi thứ xứ này thay đổi nhiều. Dường như không khí vùng này đậm đặc hoài niệm, bảo vệ tất cả những gì nằm trong vòng tay thoát khỏi sự náo nhiệt thị thành. Chỉ người rời đi mới đổi khác, nhanh như con cua cốm lột vỏ. Như gã.

Gã tần ngần đứng trước cây mận lão, giờ này sao không thấy Út Phiên ra bán. Tìm tới nhà, thấy Út run cầm cầm quấn mền nằm co ro trong mùng. Thấy gã, nhỏ mừng húm:

- Đẩy xe ra bán giùm tui đi, tui nấu xong hết rồi mà dậy hổng nổi!

Gã phì cười, Út Phiên y hệt ngày xưa. Lúc nào cũng lo quán cơm, khỏi nói cũng đoán được chắc dầm mưa lâu ngày đi xin tiền mà bệnh.

Gã ở lại, đợi Út khỏe lại đi. Trước khi đi, gã đóng cho Út cái hộp thư trước nhà, để mọi người có thể tới bỏ tiền vô ủng hộ. Thời gian làm người ta tin tưởng, hay lòng tốt khiến mọi người hiền lành? Nghe đâu chưa bao giờ cái hộp thư đó bị mất tiền.

***

Thời gian là một dòng chảy buồn cười. Nó thay đổi người ta, rồi lại đổi dòng khiến người ta trở về như cũ. Hoặc người ta đã đủ bươn bả để hiểu cần giữ gì cần lấy lại gì.

Gã về, coi không khác mấy. Út Phiên đón gã như người quen, dù gã có mặc vét hay mặc bộ đồ rách rưới. Út giờ đã ba mươi, nếp nhăn dần hiện trên mặt, chỉ nụ cười vẫn vẹn nguyên nét hồn nhiên tuổi nhỏ.

Lần này gã về luôn. Gã sẽ xây cái quán đàng hoàng cho Út Phiên bán. Có điều, đó không phải công sức của một mình gã.

Gã đi vận động mọi người, xin quyên góp để quán cơm sống tiếp. Gã còn muốn làm nhiều quán cơm như vậy nữa. Mọi người sẽ cùng nhau chung tay, có tiền góp tiền, có sức góp sức. Gã không muốn gánh nặng đè lên vai Út Phiên, việc tốt không nên là việc của một vài người. Thực tế lòng tốt như một hạt mầm nằm sẵn trong tim mọi người, chờ dịp sẽ nẩy chồi xanh lá. Hãy gọi chúng dậy, hãy lan tỏa.

Và gã sẽ đổi tên quán cơm, như mong muốn của Út Phiên. Hãy đừng gọi nó bằng tên người bán nữa, khi giờ nó đã là lòng tốt của tất thảy mọi người. Hãy để nó như một câu mời, hễ nhắc tới tự nhiên những kỷ niệm sẽ ùa về khiến lòng người thêm ấm.

Mai mốt thôi, tấm bảng mới sẽ căng lên ba chữ: Ăn cơm nghen. Gã tin đó là điều đẹp nhất gã có thể làm cho mọi người. Cho Út Phiên của gã.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.